Ngày sinh nhật của thằng Phúc

Nói ra thì buồn cười. Mười bảy năm trời kể từ lúc nó thôi nôi, gia đình chưa từng tổ chức cái gọi là Sinh nhật cho nó. Sinh ra từ lúc đời sống đã khá khẩm hơn, không cần phải ăn dưa hấu, hoặc củ mì, hoặc khoai lang, hoặc cái gì đó tương tự có thể tống vào mồm, không cần phải học chữ sớm để ghi nước bán, không cần phải lắc rã tay mấy bọc kem lắc lành lạnh, mềm mềm, không cần phải hái điều non cúng ông địa cầu cho ba má làm có tiền để cuối tháng được ăn cơm... nhưng sinh nhật vẫn là một cái gì đó quá xa xôi với nó.

Mười tám tuổi: Nhớ ngày nào nó còn chạy lăng xăng về nhà với cái quần đùi toẹt hết háng, lấm lét nhờ anh hai may lại không lại không có quần mặc đi chơi; nhớ ngày nào nó còn lấy lá bồ đề bịt vào ngón tay chảy máu, mặt tái mét, rồi khóc oà khi mình bắt gặp, bảo sao nó không cầm được máu như anh hai vẫn làm; nhớ ngày nào lên ngoại về, nửa đường mỏi chân quá, nó ngồi lăn ra đường bắt anh hai cõng về; nhớ ngày nào hái bông mắt mèo chơi, ngứa gần chết cũng phải đèo nó ngược từ dưới suối lên...tắm; nhớ ngày nào ở nhà ngoại khuya quá, lại không có gối ôm, ngủ không được, nó bắt anh hai nằm lăn ra thay gối; nhớ ngày nào nó đập hột quẹt ga, xém nữa nổ đui mắt, cũng khóc với anh hai... Thế đấy! Thằng nhóc ngày nào nay đã đủ tuổi...uống rượu.

Má mang bầu mày đến tháng thứ 7 cũng vẫn còn phải lội nước qua suối rạt, nước lên cao hổng chân, để mang gạo ra cho ba ăn, kẻo đói; ba còn ăn dầm nằm dề ngoài chòi lá, cắn đường tán cho đỡ đói. Người ta mang bầu cử đủ thứ, chớ má thì chỉ có cử mỗi chuyện...nghỉ ngơi. Thế mà, mày sinh ra trọn vẹn, không ốm yếu, không bệnh tật, không cả đói khổ. Phúc - đó không phải là cái tên của mày, hoặc mong muốn của ba má về mày, mà đó thực sự là diễm phúc của nhà mình khi có mày: Cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Ngày mày "phọt" ra ngoài cuộc đời, hai mắt nhắm nghiền, rồi thình lình đái vào mặt bác sĩ, ba năn nỉ mấy anh cũng không thèm liếc nửa con mắt vì nghe bảo mày là con gái. Đến lúc vạch tr... ra thì cuộc đời mày dính với anh từ đấy. Anh rất thích em gái, nhưng chưa bao giờ thích đứa em ruột của anh là con gái. Tụi con gái...phiền phức thấy mồ!

Mười tám tuổi, anh làm anh, làm luôn cả bảo mẫu cho mày độ trên dưới mươi năm. Từ ngày mày móc cặp mắt ra nhìn đời, nhà mình cứ khá mãi lên: Cơm ăn mỗi ngày, đã thế còn nuôi cả chó, rồi thì hết nhà cửa đến bàn ghế, cứ khang trang mãi đi, ba đi làm khắp xứ cũng chịu an lòng giữ lại một nghề, còn lương nhà giáo cũng đỡ cho vài chục lượt quay máy mỗi ngày... Ba má bận rộn, mày dính với anh như keo: Một chuyện anh hai, hai chuyện anh hai, học chữ cũng anh hai, đọc truyện cũng anh hai, đi chơi với bạn cũng anh hai, đau-mệt-vui-buồn cũng anh hai... may anh dạy cho mày từ sớm (và mày cũng thông minh), nên chuyện đi cầu không phải gọi anh hai.

Rồi một ngày đẹp trời nào đó, hai thằng bạn nối khố giục anh đi học trường tỉnh. Từ đó đến nay non cũng bảy-tám năm: Ngày ở nhà với thằng em nhỏ chẳng làm được cái gì ra hồn khi không có anh nó chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mười tám tuổi thường thì người ta đã lớn, nhưng với anh, mày vẫn chỉ là một đứa trẻ con mười tuổi: Lúc toét quần chỉ biết về nói nhỏ với anh hai, bị ăn hiếp cũng không biết đánh lại, về méc anh hai, tụi trong xóm mua diều về chơi cũng bắt anh làm diều cho bằng được, thấy nhà ông anh họ được ăn bánh trung thu nhân trứng cũng về mè nheo với anh, bắt khui ống heo mua...bánh lột da ăn đỡ thèm... Ngày anh đi, mày vẫn chưa có một đứa bạn thực sự nào...

...

Mười tám tuổi: Anh không cần mày phải là một cái gì đó đi dưới bóng anh! Anh không cần mày phải là một vĩ nhân kiệt xuất! Cũng không cần mày làm được điều gì rạng danh tổ tông, nhà cửa! Người ta có thể làm được rất nhiều điều khi họ đã mười tám, nhưng không phải mọi con người hạnh phúc nhất đều hoàn hảo ở cái tuổi này. Năm 2013 rồi! Nhà mình xây xong cũng đã ngót nghét mười bốn, mười lăm năm: Không ai trông đợi bản năng tự lập xuất hiện sớm đến vậy trong thằng con út trong nhà đâu! Mười tám tuổi, anh chỉ cần mày có được một con đường để đi, có được một người bạn để tin, một cô gái để thương, và một tương lai để chờ. Thế đấy!

Đăng nhận xét

0 Nhận xét