Mẹ tôi làm giáo viên cấp 1

Không nhiều giáo viên giỏi biết cách dạy con của chính mình, nhưng mẹ tôi thì không nằm trong số đó.

Khi tôi còn chưa biết đi, bà bồng tôi đứng lớp giảng bài. Đến năm 3 tuổi, vì tôi kiên quyết không chịu học mẫu giáo, bà buộc lòng phải tiếp tục mang tôi đến lớp, ban đầu là ngồi trên ghế giáo viên, sau đấy ngồi kế chị Uyển. 


Chà! Cái chuyện về "mối tình đầu" đó của tôi hình như đã được kể ở đâu đó rồi nên ở đây không tiện nhắc. Đại để là hồi ấy khoái chị Uyển vì chỉ học giỏi, nhỏ nhỏ xinh xinh, với lại hay cho kẹo ăn. Ngồi kế bên khoái lắm! :))

Nghe giảng ké được đâu vài năm, đến hồi 4-5 tuổi thì tôi đã không chịu đánh vần, thậm chí cũng không thèm đọc thành tiếng, cứ đọc thầm lèo lèo, lâu lâu nhắc bài kheo khéo cho các anh chị chơi cho vui. Hồi ấy trong nhà không có bàn học, thường nằm dài ra đất mà tô tô viết viết. 

Mẹ tôi dạy rằng, cứ đọc lên rồi viết, viết xong đọc lại, hễ đọc lại thấy đúng thì mới được qua chữ khác. Vì cách dạy này mà bà dạy ngữ âm cực kỳ kỹ lưỡng cho mọi đứa học trò. Tôi thề rằng trong 17 năm đi học, tôi chưa từng thấy bất kỳ một giáo viên nào dạy ngữ âm tốt hơn mẹ tôi. Kể các các chuyên gia ngôn ngữ học.

Từ cách dạy đầy ám ảnh đó, một hình ảnh còn ám ảnh tôi hoài chính là: Có lần ngồi hì hụi nghĩ nghĩ viết viết (vâng! nếu bạn học đọc viết đến n năm, bạn sẽ hiểu nó chẳng hề cao siêu mẹ gì), tôi phát cáu lên được khi cái chữ "toán" mình viết mãi không được! Chả hiểu thế quái nào mà biết nó là chữ "toán", mà viết ra "tón", đọc lại thấy chả giống tẹo nào :))

Kinh nghiệm bắt thằng con mình đọc sách của mẹ tôi là: Bắt nó đọc đi đọc lại những thứ nhàm chán. Đến khi tôi gần như phát điên vì cuốn sách giáo khoa viết nét to ụ và lắt nhắt vài chữ, những cuốn sách chữ nhỏ hơn bắt đầu vô tình xuất hiện. Bà không bao giờ đặt một cuốn sách nào đó đến trước mặt tôi và bảo: Đọc đi Khang! Con phải đọc sách! Bla bla. Bà cũng không có thời gian để tự mình làm gương đọc sách cho con. Giáo viên lương ba cọc ba đồng mà! Nhưng thằng con thì lại bị bà làm cho háo sách đến phát điên: Nó đọc gần như mọi thứ có chữ xuất hiện trước mặt, từ sách giáo khoa, mấy mảnh báo cũ gói bánh mì, cho đến cuốn sổ ghi nước, giấy ghi điện... Sau này thầy Giang bảo tôi: Mới cấp 3 mà em đã đọc giáo trình lý luận của tôi thì cũng dữ dằn đấy! Tôi nghĩ thầm: Nếu thầy biết em còn đọc cả "Món ăn bài thuốc", "Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ", "nguồn gốc các loài" và "Phương pháp phá đã bằng thuốc nổ" thì sao nhỉ? :))

Bà dạy cho tôi cách nắm lấy căn bản của mọi môn học, hoặc mọi vấn đề của cuộc sống, thay vì thực hiện nó hoàn hảo đúng y như người ta/giáo viên cần. Tôi gần như chưa bao giờ được điểm 10 trong tất cả các trường hợp học thuộc bài. Đến năm 12, khi đang học luyện thi, cô Hoan gọi lên trả bài, bắt đọc thuộc lòng đoạn phân tích mà cô bắt chép vào hôm trước. Tôi cười cười, rồi nói: "Tóm lại thì bài phân tích dài ngoằng của cô có 2 ý: *bla bla 1 câu 10 chữ*". Cô nổi cáu, phán rằng thằng này không học bài, bắt ra ngoài học thuộc lòng rồi mới được vào. Năm phút sau tôi vào đọc. Thú thực là cung đếch giống nguyên bản (tôi là trùm sửa chữ :)) ), cơ mà cũng thuộc loại được cô thương nên vẫn được vào ngồi.

Tôi hình thành thói quen đọc rất kỹ một vấn đề để nắm cái cốt, sau đó bỏ lơ toàn bộ lối diễn giải của người khác từ đó. Nhiều người thắc mắc rằng vì sao tôi lại thích diễn đạt rất khác cách của người ta vẫn làm, hoặc giả nói những điều... bâng quơ cho 1 vấn đề mà ai cũng biết rõ là không phải thế, hoặc giả dễ dàng tiếp thu những đoạn viết rối rắm của người khác đến vậy. Thì đấy là lý do. Quả thực, nếu thi thố thì như thế là hỏng rồi!

Cho nên mãi đến năm lớp 11, đó là khi thầy Chung lần đầu tiên và duy nhất chấm điểm 10 vào bài kiểm tra 2 tiết của tôi. Tôi đã gần như phát điên sau vẻ ngoài bình thản. À! Thực ra lúc đó cũng còn do T nhìn tôi cười rất tươi nữa! Hình như đấy cũng là lần duy nhất nàng nhìn tôi cười và khen tôi ngay trước mặt tôi. Nàng trông thế mà khó tính dữ

Bà không bao giờ dạy tôi về sức mạnh của đồng tiền. Cảm giác thiếu thốn và ghen tị với những đứa bạn con nhà giàu chưa bao giờ rời xa tôi, nhưng tôi đã không bao giờ biết cách tự ti trước chúng: Bà không bao giờ nhắc đến tiền trước mặt tôi, cũng không vui khi tôi nhắc đến tiền trước mặt bà. Tôi không được phép xin tiền ăn vặt mỗi ngày mặc dù bà ít khi quên cho. Tôi có cái ống heo của mình, nhưng số tiền tiết kiệm hằng năm chưa bao giờ dùng để tiêu pha vào những thứ mình thích đại loại như sạp truyện tranh ở trước cổng trường cấp 2 mỗi năm bày bán vài ngày, hay trái banh da để cả bọn chơi đá bóng (hồi đó truyện tranh giá chừng 1k/cuốn, còn banh da thì siêu đắt: 17k/trái). Đôi khi tôi cũng than vãn với bà rằng mình muốn cái nọ cái kia. Nhưng thường thì tôi sẽ im ngay trước ánh mắt của bà. Tôi chỉ được phép xin khi được hỏi. Không có trường hợp ngoại lệ nào hết!

Nhà nghèo. Đôi khi cả năm mới có một bữa thịt gà. Nhưng bà sẵn sàng lẳng cái đùi gà to tướng ra sân cho con CHÓ MẸ (tên của nó ợ :shame: ) ngoạm chỉ vì thấy 2 anh em dám tranh nhau ăn. À không! Hồi đó thực ra thằng Phúc nó chỉ ý kiến là sao tôi ngoạm to hơn nó thôi! Chớ đã kịp cãi đâu! Ức!

Đến bây giờ, khi mỗi tháng kiếm đâu non chục triệu, bà vẫn một mực bảo rằng tôi không được lén lo cho thằng Phúc. Bà không muốn tôi phải làm cả tá việc như hiện tại! Bà luôn chỉ sang chỗ DH mà bảo: "Giỏi như nó mà chỉ có học thôi còn không xong! Mày cứ vừa học vừa làm đủ thứ thế làm sao chịu nổi hở con?". Rồi "chưa đến lúc lo cho em đâu con! Cứ học đi đã!", hoặc "tính san sẻ trách nhiệm cho má hở? Còn sớm lắm nhóc ạ!"... Đại để thế! Thanh niên 25 tuổi, cử nhân tài năng, học viên cao học, 3 năm kinh nghiệm làm việc, chuẩn bị mở công ty riêng, và vẫn bị mẹ coi thường. Có ai không tức không? Đã thế con không cho thằng P có cơ hội về xin tiền luôn!

Bà cũng dạy tôi về thói quen "thích kỷ tự an". Tuổi thơ tôi không có một thằng "con người ta" nào từng tồn tại. Hồi cấp 1, kể ra thì tôi cũng khá lanh lợi, nên học hành cũng chóng. Mà học xong thì toàn ngồi đọc sách, chả chơi bời hay làm việc nhà mấy. Mẹ bảo gì thì làm đó thôi! Kiên quyết không làm hơn! :rofl: Thế mà bà cũng chả chê trách gì mấy, chả mang "con người ta" nào ra so sánh. Bà ghét so sánh. T cũng ghét so sánh. Sau lên đại học mới phát hiện, con gái và phụ nữ chỉ thích so sánh người khác, không thích bị so sánh. Chỉ có 2 người phụ nữ đặc biệt là mẹ tôi và T là không thích cả 2 loại so sánh. Những người con gái sau này thì chả can lắm tới câu chuyện này nên không liệt kê.

Bà cũng không rỗi hơi đi rao giảng đạo đức này nọ. Rằng con phải thế này phải thế khác. Bà ép con mình phải thông minh bất chấp nó là 1 thằng ít khi chịu để ý. Ra ngõ gặp người lớn không chào, chẳng nói chẳng rằng cho đến tối, xách roi ra hỏi tội gì, trả lời được thì 5 roi, không trả lời được thì đánh trước 10 roi rồi kể tội. Nói tóm lại: Không cần nhắc nhở. :rofl:

Nói về tình anh em: Bà không mất công ngồi rao giảng nào là ngày xưa anh chị em tao thế này thế kia, hay mấy đứa con tụi mày phải thế lọ thế chai... như cả tá các bà các cô. Cái cách đó nhảm như shit Bà cũng không rảnh rỗi ngồi nạt nộ thằng anh, con chị vì không biết lo cho em. Bà chỉ việc ném thằng em cho anh nó, rồi lẳng lặng nhìn chúng nó tự chăm sóc nhau. Đôi khi bà cũng lén lén bật mí cho thằng em nghe chuyện này chuyện nọ, cốt để nó vòi thằng anh lôi truyện ra đọc tường tận cho nó nghe, khi thằng em mắc lỗi, bà lôi thằng em ra đánh, tiện tay đánh luôn thằng anh vì làm anh ngu, thằng anh hét thằng em cũng bị đánh (vì làm anh mà nói nó không nghe, phải hét), thằng anh mách mẹ thằng em quậy cũng bị đánh (vì không biết bao che cho em), không mách mẹ cũng bị đánh (vì dung túng). Nói tóm lại, đó là 1 tuổi thơ đầy bạo lực! Cười.

Bị đánh dữ vậy, chứ lên cấp 2 là tiệt hẳn. Bệnh nhiều, tay mẹ yếu, đánh chẳng đau nữa. Cơ mà đến lúc đó, mỗi lần đánh là khóc thật. Khóc vì thương chứ không phải vì đau như hồi nhỏ. Về sau đọc cái cuốn truyện gì gì đó, có đoạn ông bố khóc vì ông nội đánh không đau, cảm thấy đồng cảm ghê gớm. Cơ mà đồng cảm lúc đó thôi! Đợi mẹ mắng sa sả xong, xà vào ôm nịnh vài câu, thế là lại phơi phới đi chơi ngay. Ấy là cái mánh học được ở ba. Say vào cãi lộn là ra đập cái hồ (chua choa cái hồ bể đến mấy lần vì hai vợ chồng cãi lộn, đập tan nát), sáng hôm sau lẳng lặng xây lại rồi vô ôm vợ xin lỗi :surrender:

Lên cấp 3, đến cái chuyện yêu đương thì mới ức bà: Nhà có ông cậu nghệ sĩ đào hoa hơn Sở Lưu Hương, thế nên thằng con vừa lên cấp 3 đã bị đe cấm yêu. Cấm đến mức hồi tôi nhận 1 cô bé Dk5 làm em nuôi, bà liền sáp vào dụ khị con bé làm gián điệp cho bà. Rủ tới nhà ăn cơm mấy lần thì phải! Cơ mà con bé nó thương anh nó hơn: Biết anh nó thế nào những vẫn giấu (Hoặc nó gián điệp 2 mang, vừa báo cho mình, vừa báo cho mẹ).

À! Hết rồi! Viết nhân cái 20-10 sắp tới ấy! Số là chủ nhật con có việc phải đi công tác, chả về được ấy mà! Để thằng Phúc về được rồi má ha!

Sài Gòn ngày 20 tháng 10
Lãng

Đăng nhận xét

0 Nhận xét