Câu chuyện về một (vài) người hùng

Có lẽ nhiều bạn đọc của tôi sẽ cảm thấy hơi tiếc nuối vì nội dung bài viết này sẽ không tương xứng với cái tiêu đề, điều gần như đã khiến họ khá thích thú khi bắt đầu mở bài viết này ra.

Thực ra thì, ý định ban đầu của tôi cũng tương tự như những gì bạn đọc tưởng tượng. Đáng tiếc là quỹ thời gian hạn hẹp khiến tôi không đủ sức viết ra một bài viết "thâm nho" kiểu như vậy. Trong khi người hối thúc tôi viết ra điều gì đó lại đang phải chờ đợi từng ngày.

Vậy nên, tôi hứa rằng, trong một ngày đẹp trời nào đấy, tôi nhất định sẽ viết một cách thật nghiêm chỉnh về cái được gọi là người hùng đấy. Còn ở đây, ta sẽ nói chuyện về người anh hùng rất nổi tiếng của chúng ta gần đây. Tôi vốn định sẽ không viết bài này, vì phần nhiều ý tưởng đều đã được một người mà tôi kính trọng viết hết, với một thái độ mực thước hơn tôi nhiều. Nhưng dù sao thì cũng vẫn phải viết, vì một vài bạn đọc muốn chính tôi viết ra, như một cơ sở nào đấy cho bài viết sau này về anh hùng.


1. Từ một anh hùng

Giáo sư, Anh hùng lao đông Vũ Khiêu, tên thật là Đặng Vũ Khiêu (19/09/1916), là một học giả nghiên cứu về văn hóa Việt Nam, Viện trưởng đầu tiên của Viện Xã hội học Việt Nam, nguyên Phó Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội, Tổ trưởng đầu tiên của Tổ Triết học thuộc Uỷ ban Khoa học Nhà nước, nguyên Phó Viện trưởng Viện Triết học. Ông từng được nhận Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng nhất, Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất, Huân chương lao động hạng nhất, Huân chương độc lập hạng hai, Huy chương “Vì sự nghiệp Khoa học và Công nghệ”, năm 2002, Giải thưởng Hồ Chí Minh, năm 1996, Anh hùng lao động, năm 2000.

Tôi nhớ cách đây khoảng non một năm, khi còn đang công tác tại một công ty truyền thông có mối quan hệ tương đối mật thiết với các quan chức nhà nước (ấy là công ty có liên hệ thôi, chứ bản thân tôi là một nhân viên quèn thì biết gì), có lần sếp tôi mang cuốn sách có tiêu đề Truyện Kiều Nguyễn Du với tiếng Việt hiện đại, phổ thông, đại chúng và trong sáng ra cho tôi đọc. Ông nói:

- Đấy! Mày đọc thử xem! Hiếm có cuốn nào được Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu khen nức nở thế này đâu nhé! Mà GS Khiêu thì mày thừa biết rồi đấy! Giáo sư đầu ngành, ông trùm của KHXH Việt Nam...

Tôi cười cười nhưng không nói gì cả.

Tôi khá là lười đọc sách, nên những cuốn nào cảm thấy không đủ giá trị với riêng tôi thì tôi ít khi động tới. Sách của cụ cũng vậy. Việt Triết học liệt kê giúp cụ khoảng chừng 12 cuốn sách và 30 vài viết học thuật. Nhưng tôi đoán rằng tôi sẽ hơi không thích những cuốn sách đó một tẹo. Thế nên thôi xin nhường ý kiến chuyên môn về những cuốn sách ấy cho người khác.

Về những hiểu biết của tôi về cụ, có lẽ vì thiên kiến hẹp hòi của một người cầm bút trẻ và chưa có thành tựu gì đang ra sức ghen tức với thành công của cụ, tôi chỉ biết đến cụ qua bản dịch Bình Ngô đại cáo in trong Nguyễn Trãi toàn tập năm 1980. Thú thực, đó là một câu chuyện khá hài hước gần giống như rất nhiều câu chuyện răn đời của các cụ ta ngày xưa dành cho đám trẻ con đi học chữ Hán là chúng tôi: Rằng bản dịch của cụ "non và nhạt" như trẻ con tập tọng làm câu đối. Rằng khi đã đối mặt với một bản dịch tốt, điều quan trọng nhất không phải là dìm bản dịch đó xuống dưới để nhân cơ hội ngoi đâu lên để cố khoe khoang sở học, mà là học hỏi những cái hay của họ... Nói tóm lại, nếu có ai đó rỗi rãi vào thư viện quốc gia, xin chụp nhờ bản dịch Bình Ngô đại cáo của cụ giúp tôi để có căn cứ mà đưa vào bài viết, không thì vì lý do lâu rồi không nhớ mà thành viết vớ va vớ vẩn, hóa ra lại thành trách nhầm cụ.

Mãi đến tết năm nay, khi cô hoa hậu đến mừng đại thọ cụ, cụ hôn cô một cái, rồi viết tặng cô một cặp câu đối. Thế là "cư dân mạng" dậy sóng với cụ, chĩa giáo vào tấn công cụ.
Nhưng tôi tin rằng, bản thân cụ người hùng sẽ không mất quá nhiều thời gian để ổn định lại sau hàng trăm mũi dùi dư luận chỉa thẳng vào mình. Cụ đã quá quen với việc đó: Đầu tiên là vụ Bình Ngô đại cáo; tiếp theo là vụ tặng một loạt các cặp câu đối... na ná nhau cho nhiều ngôi đình khác nhau với hi vọng người đi đình này sẽ không ghé qua đình kia để phát hiện vụ... in câu đối kiểu công nghiệp của cụ; sau nữa là vụ "đọc nhầm" ấn vua Trần từ "Thượng Nguyên Chu thị" thành "Quốc vương thiên nhân" (dù cho có trời mới biết 2 cụm này giống nhau ở điểm nào), rồi gần nhất là vụ khích lệ ông Đỗ Minh Xuân phá hoại truyện Kiều... Nói chung là cụ hẳn là có tài ở nhiều lĩnh vực, thứ đã nằm gọn trong 12 cuốn sách và 30 bài báo, sau đó đưa cụ lên hàng ngũ Anh hùng lao động cũng như hàng tá danh hiệu khác, nhưng chắc tài năng đó đơn giản là không nằm trong văn chương (mà chắc cũng không có cả trong Triết học nữa).

Xét ra mới thấy, văn chương là một điều rất nghiệt. Có khi nàng ta ưu ái cho cả những đứa trẻ đọc viết còn chưa rành như Trần Đăng Khoa thuở nhỏ, nhưng đôi khi lại không thèm đoái hoài gì đến một cụ ông gần trăm tuổi cả đời theo đuổi nàng. Tôi đọc cặp câu đối cụ tặng cho cô hoa hậu:

Trí như bạch tuyết tâm như ngọc,
Vân tưởng y thường hoa tưởng dung.

Một kẻ ngốc cũng hiểu câu dưới cao sang đến mức nào. Mang thiên nhiên về so sánh với con người: Mây trời tưởng như áo váy nàng, hoa đẹp tưởng như dung nhan nàng. Ý là nàng còn đẹp hơn cả thiên nhiên. Nghe đâu Đường Minh Hoàng đã phát ghen với Lý Bạch chỉ vì câu thơ đẹp này. Nhưng đẹp thì đẹp thật, đáng ra cụ chỉ nên dùng điển, chứ không nên trích nguyên văn.

Câu trên lại hơi nhạt. Văn chương Tàu vốn có câu "Băng tuyết thông minh", dùng để chỉ những cô thiếu nữ tuổi chừng 11-12 tuổi, thông minh lanh lợi, khí chất bất phàm, lại có vẻ đẹp thánh khiết không nhiễm bụi trần. Nhưng chuyển dịch thành "trí như bạch tuyết" thì nhạt thật! Nghe cứ như "Da trắng vỗ bì bạch" ấy! Vả lại, xét ra thì cũng không hợp với cô hoa hậu lắm.

Đó là chưa kể, lấy tục (câu 1) đối thanh (câu 2) e không phải là điều người quân tử nên làm.

Nhưng lẽ ra, bất chấp cặp câu đối "chưa hay", cụ vẫn sẽ được người ta để yên nếu cụ không hôn cô hoa hậu mà cụ vừa cho chữ. Khổng tử nói: "70 tuổi thì thích gì làm đó vẫn không lo trái đạo". Nhưng cụ vừa hôn một cái, cả triệu thanh niên GATO với cụ liền nhảy vào mắng cụ trái đạo. Ấy là thế nào?

Bởi vì người ta là hoa hậu thôi!

Hoa hậu thời nay, thực ra là một loài động vật xinh đẹp được toàn xã hội yêu thích. Vì cần đến một cơ chế kiểm tra, so sánh đặc biệt giữa các cá thể với nhau để chọn ra cá thể xinh đẹp nhất làm đại diện cho loài, người ta đã lột phăng gần hết các mảnh áo của loài động vật này, sau đó yêu cầu nó di chuyển từ đầu sân bên này sang đầu sân bên kia trong tình trạng tồng ngồng có ít quần áo trước hàng triệu con mắt đang soi từng milimet trên cơ thể nó (Điều khốn nạn nhân văn nhất chính là, phần quần áo còn sót lại trên cơ thể loài động vật này lại vừa đủ để che 2 chỗ khuyết và 2 chỗ lồi, vị trí mà triệu con mắt kia soi kỹ nhất). Cuối cùng, hoa hậu được ra đời.

Hoa hậu của chúng ta lần này là một cô gái mắt xếch. Ông bà ta dạy, mắt xếch đa dâm, cho thì ăn chớ đừng cố giữ. Nhưng không được hôn thì kể cũng uất ức thật! Đã thế cụ ông kia lại còn ôm hôn thắm thiết nữa! Thế là các thanh niên GATO bắt đầu sôi máu. Nhưng họ sẽ vướng phải vài chục luận điểm đánh giá về phẩm hạnh của chính họ nếu chỉ trích trực tiếp vào cảnh hôn má hoa hậu. Thế nên họ đi đường vòng bằng cách chê bai cặp đối của cụ. Ấy chà! Lần này thì rầy rà cho anh hùng - vĩ nhân - nhà văn hóa của chúng ta rồi!

Còn nhớ vụ làm câu đối tặng đình làng, chuyện vỡ lở ra cũng chỉ vài trăm người biết.

Vụ đọc Ấn đền Trần, có chăng chỉ là vài nghìn người biết chuyện không biết đọc chữ Hán.

Và rồi vụ truyện Kiều, cùng lắm lên đến vài vạn người cười vào mặt cụ.

Giờ thì tai hại rồi! Chỉ vì một cái hôn.

2. Đến một triệu anh hùng khác

Trong số một triệu đó có cả tôi nữa. Nói như thế để người đọc khỏi mất công vặn vẹo.

Số là sau khi vụ cụ người hùng hôn má hoa hậu (chà! Có nên bỏ chữ cụ không nhỉ?), người ta bắt đầu ồn ào trở lại vụ cụ tán dương ông Đỗ Minh Xuân trong công cuộc hủy diệt truyện Kiều (Đây được xem là scandal lớn nhất đời cụ, nhưng không phải là scandal khiến nhiều người chú ý nhất. Kỳ lạ thật!)

Nhưng một nửa trong số đó, những người anh hùng trí thức khác, những chiến binh bảo vệ sự toàn vẹn của truyện Kiều lại thể hiện một bộ mặt dường như không... đáng mặt anh hào cho lắm. Họ tin rằng, cần phải tấn công ông kỹ sư... nhiệt tình nhưng kém hiểu biết này thật mạnh mẽ để ông tỉnh ngộ ra rằng, việc tự so sánh mình với đại thi hào Nguyễn Du là một điều gần như... tâm thần bất ổn. Nhưng họ quên mất rằng, cuốn sách đã ra được đến non một năm ấy đã gần như chết ngắc. Và việc đáng ra nên làm là tìm cách để cho nó biến mất khỏi thế giới theo một cách phù hợp, chứ không phải là kéo nó từ dưới mồ lên để chửi mắng tác giả (điều mà đáng ra họ phải làm từ 1 năm trước). Tôi cho rằng, người quân tử chỉ rõ điều sai nhưng không mạt sát, kẻ tiểu nhân ưa mạt sát, nhưng rất ít khi hiểu rõ đúng sai.

Thành ra có ghét thì cũng nên cân nhắc một tí, đừng cố tát nước theo mưa kẻo người quân tử đánh giá đạo đức. Ầy! Xét ra thì chuyện ấy cũng lắm phiền não!

Đó là chưa kể, như một hiệu ứng truyền thông tất yếu, có khi cuốn Truyện Kiều Nguyễn Du với tiếng Việt hiện đại, phổ thông, đại chúng và trong sáng lại bỗng dưng thành... sách hot thì chết dở.

--------------------

P/s: Câu chuyện về những người hùng

Người ta sống trên đời đều có cùng một tật xấu thế này: Cứ hễ ai đó tung hô mình là lập tức tưởng mình tài hoa. Ban đầu thì ta có một chút tài thôi. Thế nhưng một đồn mười, mười đồn trăm, rồi thì ai đó muốn nhân cơ hội mượn danh tiếng ta để làm điều gì đó có lợi cho họ chẳng hạn, bắt đầu trao tặng cho ta khoảng 9523536 giải thưởng "cao quý". Ta ban đầu hơi sợ một chút. Những gì được tung hô không thực sự tương ứng với những gì ta có. Nên khi người ta khen, ta cùng lắm chỉ dám ậm ừ cho qua. Từ chối cũng dở, mà đồng ý cũng dở. Phép giao tiếp mà!

Sự việc tính đến đây chưa thực sự tồi tệ. Vì hơi lo nên ta cân nhắc hành động khá kỹ lưỡng, chỗ nào biết thì nói, không biết thì giả lả cho qua. Kết quả đương nhiên đều ổn cả!

Nhưng rồi một ngày ta lại bị chính những lời tung hô đánh lừa mình. Nghe thì có vẻ vớ vẩn, nhưng thật sự thì lại rất thường xảy ra. Ta tưởng mình có tài thật. Vì nếu không có tài thì làm sao người ta lại khen ta nhiều đến vậy? Vì sao người ta không tung hô khoảng vài triệu người còn lại trên thế giới mà lại khen ngợi ta nếu không phải vì vài triệu người đó chỉ là phường kém cỏi? Thế nghĩa là ta, tuy dường như có hơi... non một tí, nhưng hẳn là phải đủ giỏi hơn tất cả rồi.

Đến đây thì nghiêm trọng rồi! Ta ít thận trọng ngôn hành hơn trước. Ta bắt đầu "cho chữ", nói cách khác là phát ngôn trên truyền thông, hành xử, viết lách các kiểu bạo dạn hơn trước. Đám tiểu đồng xung quanh ta vẫn khen ngợi nức nở nên ta tin rằng nó thực sự xuất sắc. Bạn biết đấy! Có khoảng non bốn phần năm dân số là những kẻ adua, họ khen bất kỳ thứ gì được đám đông ca ngợi mà không nhớ rằng chính họ từng là đám đông. Ta lại càng tự tin. Ta chê bai những kẻ kiệt xuất hơn ta bằng tài năng được tung hô của mình. Ta tin rằng, bản thân ta mới là người xuất sắc hơn những vĩ nhân được lịch sử công nhận khác, những kẻ mà ta không bao giờ còn nhìn thấy họ giỏi nữa.

Thế rồi trong khi đó, ta, với tư cách là thiên tài, anh hùng, vĩ nhân, sẽ nhanh chóng phải đối mặt với một phần năm dân số còn lại ít adua hơn trong một thời gian gần vì những áng văn - phát ngôn - hành xử được đưa vào sách giáo khoa của mình. Bản thân ta không giỏi, vì thế một phần năm này sẽ nhanh chóng nhận ra nhiều thứ mà chính ta cũng không hề nhận ra...

Ầy! Đoạn sau này là nói nhảm thôi!

Đăng nhận xét

0 Nhận xét