Tự do là gì?

Nếu bạn không phải một học giả, hoặc một người rất coi trọng việc trích dẫn một cách nghiêm cẩn trong mỗi bài viết, xin bạn hãy trực tiếp bỏ qua đoạn này và đọc đoạn tiếp theo. Đây hoàn toàn là một bài viết “ăn theo nói leo” những điều mà nhiều người “đã biết từ thời tám hoánh”, nghĩa là cũ kỹ và quen thuộc lắm rồi! Nó chẳng có đóng góp gì về mặt nội dung, chỉ đơn giản là trình bày một cách dung dị hơn, để cho mọi người, từ trẻ đến già, đều có thể tiếp nhận dễ dàng. Vì thế, trích dẫn cứ liệu là chuyện mà người viết gần như không bận tâm. Cuối cùng, nếu như bạn vẫn không thể chấp nhận lời giải thích này, thì phần chú thích phía chân bài viết có thể phần nào làm bạn nguôi ngoai nỗi tức giận chăng?


Phần phía dưới đây, tôi giải thích một chút về khái niệm “tự do”. Nếu như bạn cảm thấy nó hơi khó hiểu, bạn có thể trực tiếp bỏ qua. Tôi đã quyết định ném nó vào thẻ quote để bạn tiện tránh nó đi:

“Tự do”, đó không phải là một từ có sẵn trong các nền văn hóa Hán hóa (Trung Quốc – Nhật Bản – Triều Tiên – Việt Nam…). Theo hiểu biết hạn hẹp của tôi thì nó xuất hiện lần đầu tiên khi người Nhật Bản dịch cuốn “On Liberty” của John Stuart Mill. Ngày nay, lẽ ra người phương Đông nói chung nên biết ơn người Nhật, dân tộc đã đưa về vô số tác phẩm kinh điển của phương Tây, sáng tạo ra hàng loạt các khái niệm chưa từng có trong lịch sử văn hóa phương Đông để chuyển dịch các tác phẩm đó (như Kinh tế, Thần thoại , Dân chủ, Siêu hình…). “Tự do” là một trong những từ như vậy.
Nói tóm lại, hỏi “tự do là gì” thì nhất thiết phải tìm hiểu trong văn hóa phương Tây, chứ không thể phân tích từ nguyên tiếng Việt được!
“Tự do” vốn là “Libertas” trong ngôn ngữ Latin, Anh ngữ viết là “Liberty”. Nghe nói người Mỹ dùng “freedom”. Nhưng tiếng Mỹ thì không can lắm với Latin, thành ra so với tư duy phương Tây có hơi chênh.
Libertas vốn là tên một vị nữ thần được thờ phụng khá rộng rãi ở Đế quốc La Mã. Không có nhiều tư liệu về xuất thân của vị thần này. Tuy nhiên, sự tồn tại của bà trong văn hóa phương Tây có thể được hiểu một cách ngắn gọn như sau: TỰ DO LÀ BẢN CHẤT VÀ LÀ QUYỀN LỢI LỚN NHẤT CỦA MỖI CON NGƯỜI. Ở ĐÓ, CON NGƯỜI ĐƯỢC TỰ MÌNH ĐỊNH ĐOẠT NĂNG LỰC, VẬN MỆNH, VÀ HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH MÌNH.
Nói thế mới thấy, người Nhật dùng từ “Tự do” để dịch Liberty là không thể chuẩn xác hơn: Tự do – Tất cả mọi thứ đều có nguồn gốc từ bên trong chính mình, và hoàn toàn do chính mình quyết định.
Từ rất lâu trong ký ức của nhân loại, con người đã luôn khao khát tự do, nơi mà họ được phép là chính mình. Tuy nhiên, khi bắt đầu xây dựng một công đồng, nơi mà mỗi người đều có thể dựa dẫm vào người khác để tồn tại, hàng loạt các vấn đề xuất hiện: Một vài người không thích tôi, không thích những tính cách của tôi, không thích những thói quen của tôi, không thích cả những hiểu biết và khả năng của tôi, vì đôi khi những thứ đó của tôi làm phiền lòng họ, hoặc đôi khi tôi làm họ mất một vài miếng thịt trong bữa cơm, một vài mét vuông chỗ nằm khi đi ngủ... Nói chung là, khi trở thành một phần của cộng đồng, tự do của tôi sẽ là gánh nặng cho người khác. Họ không muốn điều đó. Đương nhiên, nếu tôi là họ, tôi cũng nghĩ thế. Tất cả mọi người đều nghĩ thế.

Lịch sử văn minh của loài người là lịch sử những cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ giữa tự do cá nhân và đạo đức cộng đồng. Một vài cá tính mạnh không muốn phải đi đứng khoan thai, nhưng nếu anh không đi đứng khoan thai, anh có thể sẽ va phải người khác, đôi khi làm họ đau. Một vài cô gái không thích việc cho con bú, nhưng nếu cô không làm thế, những đứa con của cô có thể sẽ bị đói... Bạn biết đấy! Những mâu thuẫn từ lớn đến nhỏ, theo kiểu này, không bao giờ kết thúc, nếu như người ta không có cách nào hiểu một cách khác hơn về tự do và đạo đức, tức là về hạnh phúc cá nhân và hạnh phúc cộng đồng.

Các triết gia, thật may mắn khi loài người có họ, cũng đã suy nghĩ không ít về những điều này. Liệu chúng ta, những người đang phát cáu lên được khi phải đi học, đi làm, hoặc chăm con, đóng thuế... các kiểu để đảm bảo cuộc sống của gia đình, có cảm thấy thoải mái một chút nào không khi lắng nghe về cái gọi là tự do của họ?

1. John Stuart Mill - Tất cả mọi người đều được tự do, nếu tự do của bạn không làm tổn thương người khác.

Có một ví dụ nho nhỏ thế này:

Một anh chồng trẻ rất thích uống rượu. Thực ra anh cũng chả phải sâu rượu, nhưng cứ 1 tuần thì phải đi uống một lần. Ở cái xứ này, cuối tuần đi nhậu là chuyện thường! Người Việt mình được gọi là dân tộc hạnh phúc chủ yếu là vì cuối tuần biết đi nhậu. Bởi vì ngoài đi nhậu ra thì cũng chẳng còn chuyện gì đáng để hạnh phúc lắm. Cười!
Nhưng mà vì anh ta là chồng, anh ta nhất định phải có vợ. Tuần đi làm 6 ngày, có mỗi cái cuối tuần để ở nhà ôm vợ, thế mà anh ta cứ lỉnh đi nhậu mãi! Mà nhậu xong thì phải xỉn. Một vài người cứ xỉn là chửi bới, đập phá, số khác thì lăn ra ngủ vật ngủ vờ. Đằng nào cũng làm phiền các chị em cả! Cuối tuần đã chả có gì vui, lại rước thêm phiền phức. Có cô nào không bực không? Nhắn cho tôi cái info để tôi tán tỉnh nào!
Cô vợ của anh chàng này dĩ nhiên không phải loại cao thượng đó. Khuyên chồng không được, đi theo chồng cũng không ổn (vì làm chồng mất tự do), cô bắt đầu chơi trò... trốn đi chơi. Cứ hôm nào chồng đi nhậu là cô đi chơi. Chẳng ai biết cô đi chơi với ai. Anh chồng cũng thế.
Những tưởng hai người đều sung sướng với niềm tự do của chính mình, thì anh chồng lại phải đối. Thế là hai người, không ai còn tự do nữa! Mỗi cuối tuần, hai người giả vờ hạnh phúc trong niềm vui đạo đức của vợ hiền và chồng thảo.
Mill cho rằng, hai tự do của cả ai đều làm ảnh hướng đến nhau, cho nên đều không phải là tự do đích thực. Giả sử như anh chồng cuối tuần đi nhậu, nhưng cố gắng không xỉn (hoặc chỉ xỉn chút ít) để ở bên vợ, ngược lại, cô vợ đi chơi, nhưng giúp cho chồng hiểu rằng, danh dự của người chồng là anh ta không bị ảnh hưởng, thì chẳng có vấn đề gì xuất hiện cả! Cả hai đều được tự do, cả hai đều hạnh phúc.

Tức là tự do, suy cho cùng chính là làm những gì mình thích, nhưng không ảnh hưởng xấu đến người khác.

Điều này thì ai cũng biết rồi! Nhưng có ai hoàn toàn đồng ý với Mill hay không?

Có một vài ý kiến phản đối thế này:

- Tôi là sinh viên, nhưng tôi không thích học! Tôi chỉ thích chơi game, tán gái, xem phim, hoặc đi du lịch các kiểu! Thế thì đâu có làm phiền tới ai nếu như tôi tự mình kiếm tiền để chi trả cho những thú vui đó? Thực tế thì nhiều sinh viên đã làm như vậy! Nhưng gia đình họ, thật không may, không thích cách suy nghĩ này! Họ bắt con cháu họ PHẢI đi học. Sinh viên thì đã hơn 18 tuổi rồi! Nghĩa là đầy đủ quyền công dân rồi! Phải chăng xã hội vẫn chấp nhận rằng việc tự do làm theo sở thích của sinh viên là sai trái?

- Gần đây, rất nhiều người bị các công ty đa cấp lợi dụng bòn rút tiền bạc. Những người đang đọc bài viết này chắc không lạ gì chuyện đó. Nhưng tại sao chúng ta lại phản ứng mãnh liệt với chuyện đó đến như vậy? Rõ ràng, những người bị lừa có toàn bộ quyền tự do đối với tiền bạc của họ. Vì thế, họ mất tiền cho các công ty đa cấp là một việc hoàn toàn tự nguyện (cho dù là bị lừa). Tại sao chúng ta lại không cho phép họ phí phạm tiền bạc của chính họ khi mà việc đó không làm ta mất một cọng tóc nào?

- Để phục vụ nghiên cứu và chữa bệnh, người ta được quyền hiến nội tạng của chính mình cho bệnh viên, thậm chí là bán cho người khác. Vậy tại sao việc hiến nội tạng cho bệnh viện, hoặc giúp đỡ một người cần nội tạng nào đó đang hấp hối lại được tôn vinh, trong khi bán cho một gã lái buôn chuyên kinh doanh nội tạng kiếm lời nào đó thì bị lên án?

Ý kiến đầu có thể được giải thích, rằng việc học hành liên quan mật thiết đến tương lai cậu sinh viên đó. Giả sử như cậu ta không hoàn thành tốt việc học, trong tương lai, cậu ta có thể là gánh nặng của gia đình, là tấm gương xấu cho những đứa trẻ, hoặc tệ hơn là làm ảnh hưởng đến sự phát triển của quốc gia. Cái này khá đơn giản.

Ý kiến thứ 2 trông có vẻ cũng đơn giản: Nếu người bị đa cấp lừa có gia đình, người thân các kiểu, ông ta có thể gây hại cho họ, hoặc dĩ vì túng thiếu, ông ta có thể phải vay mượn người khác, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người. Nhưng nếu như người bị lừa sống độc thân, và đến khi khánh kiệt cũng không chịu vay mượn người khác thì thế nào? Người ta cũng sẽ vẫn phản đối việc ông phí tiền cho các công ty đa cấp mà thôi! Hay là việc ông nghèo khổ làm ảnh hưởng đến niềm vui của người khác? Cái này có vẻ hơi khiên cưỡng! Hay là mục tiêu công kích của chúng ta không phải là ông mà là các công ty đa cấp? Rõ ràng là không đúng! Đứng trên quan điểm của Mill, ta không thể phê phán hành động của các công ty này nếu như họ không dí dao đe dọa từng người để đòi tiền. Những người bị lừa (cho dù là vậy) đều là tự do đưa tiền cho các công ty này. Nói cách khác, họ không làm người khác mất tự do.

Ý kiến thứ 3 lại càng khó giải thích hơn! Giả như những người hiến nội tạng không có người thân, cái chết của họ tất nhiên sẽ không làm người khác đau lòng. Thêm nữa, nội tạng của họ sẽ có ích, vừa mang lại tiền bạc cho các lái buôn, vừa giúp cho những người sắp chết có cơ hội được sống, lại có ích cho nghiên cứu y học nữa! Vậy tại sao nhiều người vẫn không thể chấp nhận?

Nói như thế có nghĩa là, phải chăng tự do còn là một cái gì đó phức tạp hơn là "được quyền làm những gì mình muốn mà không ảnh hưởng tới người khác"

Vậy rốt cục, tự do là gì?

2. Imanuel Kant - Tự do là được tự mình hành động theo đạo đức.

Nghe... vô lý thật nhỉ? Người ta thường nói "tự do", hoặc "tự do trong khuôn khổ", "tự do trong vòng đạo đức", chứ chẳng bao giờ nói "tự do là đạo đức".

Nói như thế có khác gì bảo: Nếu như tôi làm những gì mình thích, nhưng nó vô đạo đức, thì tôi không tự do?

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao tôi lại không tự do khi tôi làm những gì mình muốn? Tôi chơi game 24/24 vì tôi muốn thế, vậy tại sao tôi lại không tự do? Không có ai buộc tôi phải chơi game, thế thì mất tự do ở chỗ nào?

Một số câu hỏi tương tự cũng nảy sinh với anh chồng trẻ thích nhậu, cậu sinh viên ghét học, những người bị đa cấp lừa, và người hiến nội tạng trong các ví dụ ở trên.

Kant trả lời như sau:

Giả sử ta cầm một viên đá, rồi thả xuống đất. Theo bạn, nếu viên đá có ý thức, nó có muốn rơi không? Đáp án là, dù có muốn hay không muốn, nó cũng PHẢI rơi!

Bây giờ, để ví dụ trở nên dễ hiểu hơn, tôi đã "lén" tráo viên đá của Kant bằng một con người. Anh chàng này hình như có giãy nãy đôi chút, nhưng vì tôi là người viết, nên anh ta không có cách nào chống cự lại được.

Tôi ra hiệu bảo anh ta rằng, anh ta là một người muốn tự tử. Anh ta bảo rằng cho dù mình có muốn tự tử hay không thì rốt cục cũng phải nằm bẹp dưới đất. Tôi đồng ý với anh.

Việc rơi xuống đất không phải là điều anh chàng này có thể quyết định được! Thứ quyết định phải là lực hút của trái đất - một cái gì đó không thuộc về anh. Anh bị cuốn theo mà không cách gì kháng cự lại được! Kết quả là, tự do không còn. Kant cho rằng, những sở thích phi đạo đức khác cũng tương tự vậy.

Ta quay lại các phản biện ở trên: Về cậu sinh viên, người bị đa cấp lừa, và người hiến nội tạng.

Rõ ràng là anh sinh viên kia bị game, du lịch, và các cô gái mê hoặc. Anh ta không thích chúng, mà là bị chúng quyến rũ. Sở thích của anh bị lên án không phải vì nó có thể gây hại cho người khác, mà là vì nó khiến anh không còn là chính mình. Một con nghiện, người ta nói vậy.

Vậy thứ gây nghiện cho những người bị các công ty đa cấp lừa là gì? Là ước muốn giàu sang! Các công ty đa cấp không tạo điều kiện cho người ta tự do đưa tiền cho họ, mà là nhồi vào đầu óc họ ham muốn giàu sang, để rồi như ma túy, nó khiến họ điên cuồng "ném tiền qua cửa sổ" trước khi nhận ra mình bị lừa. Tự do chỉ có thể là hạnh phúc. Nhưng những người này không hạnh phúc (mất tiền), cho nên họ không có tự do.

Vẫn chưa! Ví dụ cuối cùng mới là điều làm học thuyết tự do của Kant trở nên đặc biệt và được yêu thích nhất trên toàn thế giới (mặc dù nó thực sự khó hiểu): Tại sao người ta không bao giờ có thể chấp nhận để cho người hiến nội tạng bán nội tạng cho lái buôn (và chết)? Rõ ràng là, tiền có thể là chất gây nghiện trong trường hợp này. Nhưng như thế hình như chưa đủ!

Ta phân tích lại ví dụ thứ ba này một chút:

- Trường hợp 1: Giả sử rằng, ban đầu, để có tiền trả nợ, hoặc nuôi con ăn học gì đấy, người này quyết định bán 1 quả thận lấy một số tiền lớn. Tất cả mọi người đều không phản đối. Vì ông ta có quyền tự do với cơ thể mình, hơn nữa, ông không chết. Vài năm sau, một chính khách lớn rất được lòng dân (tổng thống, chủ tịch nước, hoặc hoàng đế gì đấy) cần gấp 1 quả thận nhưng không có bất kỳ một người nào để hiến (trừ ông). Ông quyết định hi sinh quả thận cuối cùng của mình để cứu vị chính khách nọ. Ông được tôn vinh là anh hùng.

- Trường hợp 2: Ban đầu ông hi sinh 1 quả thận để cứu vị chính khách trên. Vài năm sau, ông quyết định bán quả thận cuối cùng của mình để lấy một số tiền lớn (để trả nợ hoặc nuôi con ăn học gì đấy). Tất cả mọi người đều phản ứng. Nhiều người trong số họ chê trách ông, một số khác chê trách chủ nợ hoặc những đứa con cần ông nuôi ăn học, đôi khi còn chê trách cả vị chính khách mà ông ta từng cứu. Đại loại thế.

Có gì khác giữa hai trường hợp này? Tại sao cùng là bán 1 quả thận, và tặng 1 quả thận, nhưng một trường hợp thì là anh hùng, trường hợp kia lại bị chê trách?

Kant lý giải như sau:

Xem con người là công cụ thì dù có biện hộ thế nào cũng là vô đạo đức!

Người ta không thể nhìn thấy hành động bán quả thận trong trường hợp thứ nhất gây ra hậu quả nghiêm trọng đến như thế nào cho đến khi vị chính khách kia xuất hiện. Nhưng hành động cứu người anh dũng của người này khiến cho họ cảm động. Họ quên rất nhanh, rằng người bán nội tạng từng xem cơ thể mình là công cụ kiếm tiền, chỉ nhớ là, người đàn ông kia dám hi sinh để cứu người (hơn nữa là một người rất được lòng dân): Một hành động vô cùng CÓ ĐẠO ĐỨC.

Ngược lại, người ta không thèm quan tâm xem ông ta đã dũng cảm đến như thế nào trong quá khứ, chỉ biết rằng, vì tiền, ông đã tự giết chết chính mình. Một người chỉ có một quả thận thì không được phép BÁN quả thận đó! Vì lý do gì đi nữa cũng vậy! Tuyệt đối không!

Đó là lý do. Kant nghĩ vậy! Nhưng ông còn nói thêm rằng: Cho dù cộng đồng có phê phán hay là đồng tình, thì hành vi bán thận của người này (trong cả 2 trường hợp) đều là vô đạo đức hết! Người ta có thể quên một việc trái đạo đức, nhưng nó vẫn cứ là trái đạo đức! Và vì trái đạo đức, nó không tự do!

Đấy là còn chưa kể, chuyện hi sinh quả thận của mình cho vị chính khách kia cũng là chuyện không hề tự do (không làm thì vị chính khách sẽ chết)!

3. Vì sao nói: Tự mình làm theo đạo đức mới là tự do? Vì sao đạo đức lại không giống với những ham muốn khác?
(...) Còn tiếp

Đăng nhận xét

0 Nhận xét