Đối thoại tháng tám

Lần thứ tư ngồi giữa một cuộc thảo luận có liên quan đến cô nhà thơ trẻ ấy. Lý Khai Phục nói: "Đừng giao du với văn nghệ sĩ hay bọn văn sĩ trẻ, cũng như đừng làm bạn với những kẻ bất đắc chí, thiếu tâm huyết với đời". Tôi cười cười: "Không biết tôi có phải là một trong số đó hay không". Bạn đáp: "Đó giống như là một lời cạnh khóe nhắm vào tôi hơn"


Tôi không thích cách mà tất cả mọi người phê phán cô gái ấy. Cô gái trẻ nhiều tham vọng, hơi tiêm nhiễm thói quen gợi dục của bọn nghệ sĩ truyền thông rởm đời đang nhan nhản ngoài xã hội. Thơ của cô, như nhiều người vẫn nói, ngọt ngào, đáng yêu, trau chuốt, nhưng trống rỗng. Tôi không rành lắm! Tôi đã bắt đầu cuộc tranh luận thứ tư này cùng với cách bắt đầu ba cuộc tranh luận trước: "Là đàn ông, bạn đừng bao giờ đọc những bài thơ của các nữ nhà văn cùng thời với bạn" - tôi tin thế!

Thế rồi, tôi cự cãi với tất cả về cái gọi là "tính thơ" của những tác phẩm chưa từng gặp. Bằng một niềm tin mơ hồ, tôi mở điện thoại, và chộp ngay một câu nói quá quen thuộc, nhưng chỉ vừa được đăng tải trên Tạp chí Chim lợn: 
"Giáo dục không phải là dạy cho trẻ con biết thưởng thức Mozart để về nhà chửi nhau với bác hàng xóm đang nghe Ưng Hoàng Phúc. Người ta nói hậu hiện đại là phá vỡ các ranh giới, nhưng không phải để người ta mặc bà ba, quấn khăn rằn, ôm súng AK múa ba-lê. Đạo đức không phải là khúm núm rụt rè trước mặt thầy giáo hay không được chửi thề. Văn hoá cũng không phải là một mớ những bản sắc đầy tưởng tượng. Thách thức của giáo dục nằm ở chỗ làm sao cho người học biết chửi thề đúng chỗ, biết phân biệt giữa Facebook và thư tình, biết bàn luận về Mozart nhưng hiểu vì sao Đàm Vĩnh Hưng đắt show, biết ngất xỉu trước Bi Rain nhưng cũng để ở đầu giường một quyển sách về Einstein. Giáo dục không phải là dạy người ta cách loại trừ và phân biệt, mà dạy cách mở rộng tầm nhìn và trải nghiệm, dạy người ta biết đón nhận cuộc sống như một nguồn tư liệu vô tận…"

Bạn cười nhạt. Không có câu chuyện nào giữa tôi và bạn kết thúc một cách suôn sẻ, nên tôi cũng chẳng mong cầu gì về điều đó lúc này. Bạn cần một cái gì đó hữu hình hơn, sâu sắc hơn, cao khiết hơn, và dĩ nhiên, giàu giá trị tư tưởng hơn cho khái niệm "thơ" của bạn. Tôi gạt đi: "Có giá trị tư tưởng gì trong "Quan quan thư cưu tại hà chi châu"? Nhừng lời nói bất đồng không bao giờ chạm được vào trái tim nhau khi trong lòng cả hai vốn đã không đủ cảm thông với nhau. Chỉ mới hôm qua thôi, có người đã lặp lại câu nói đó (một cách khéo léo). Tôi vẫn tưởng mình đã đủ trưởng thành để thôi bốc đồng trong những cuộc cãi vã. Nhưng không. Điều đó không đúng đắn lắm, ít nhất là trong một vài trường hợp.

Bạn nói: "Tôi không bao giờ thỏa hiệp với những con người đang ngụy trang là họ thức thời, cấp tiến, những kẻ chỉ cố biện minh cho sự thua kém của bản thân". Tôi cười: "Đó là nói tôi? Tôi không ngồi trong tháp ngà của trường học rồi bảo nửa phê phán không thương tiếc mọi thứ, nửa tuyên bố yêu thương thế giới tươi đẹp và tiến bộ này. Tôi thấy rõ ràng cái đen tối của tất cả, sự bẩn thỉu của cuộc đời, sự xấu xa của con người, theo cách mà bạn cho là thực dụng và khốn khổ. Tôi tin vào sự quả quyết của mình, và tất nhiên, tin vào những gì tôi tận mắt nhìn thấy, không phải thông qua một đôi mắt nào khác ngoài chính mình."

Lại nói về sự thực dụng, tôi tin rằng: "Tôi biết yêu tiền bạc và phấn đấu để có chúng, nhưng biết cách vất bỏ chúng để phục vụ những giá trị tốt đẹp hơn. Tôi hiểu rõ về sự vô liêm sỉ khi phải ngửa tay xin thêm, dù chỉ một đồng, của bố mẹ, nhưng cũng không ngần ngại nhận những đồng tiền đó, những đồng tiền mà tôi biết, chúng được đưa vài túi tôi để đổi lấy sự an tâm của gia đình."

"Đó là vấn đề niềm tin?" - Bạn hỏi. Và khi tôi gật đầu, bạn tiếp lời: "Và kia là niềm tin của tôi: Niềm tin về những giá trị cao khiết, sâu sắc, và mạnh mẽ hơn, những giá trị mà văn chương chỉ có thể mô phỏng một cách dặt dẹo". Tôi muốn so sánh bạn với những nhà khai sáng, những kẻ ngồi trước bàn giấy trong tòa lâu đài tư tưởng Pháp và ca ngợi về giai-cấp-vô-sản-hồn-nhiên-xuất-chúng-vĩ-đại. Nhưng tôi biết bạn sẽ chối bỏ nó, như cái cách mà bạn từng tự chối bỏ mình. Lịch sử là minh chứng hùng hồn nhất cho một sự thật là: Thứ gì càng kích động được quần chúng, thứ đó sẽ chiến thắng, và mặc dù không phải lúc nào số đông cũng vĩ đại, nhưng không có sự vĩ đại nào tồn tại mà không có số đông. Vì thế, điều quan trọng nhất không phải là cao khiết, vĩ đại và sâu sắc, mà là có truyền được cảm hứng về sự cao khiết, vĩ đại sâu sắc cho quần chúng hay là không. Để hiểu được điều đó, anh phải là quần chúng cái đã! Hẳn nhiên, khi trong lòng anh còn day dứt về cái cao khiết, vĩ đại, sâu sắc, anh vĩnh viễn sẽ không thể hiểu được về quần chúng, cũng như hiểu về cái cao khiết, vĩ đại, sâu sắc của quần chúng hết! Không bao giờ!

Khi trời bắt đầu đổ mưa, câu chuyện bị dịch chuyển. Bạn kể cho tôi nghe về những người anh hùng dị giáo (Rogue), những kẻ thông minh và kỳ dị, với một giọng điệu rất gần với sự hào hứng. Vì không muốn cắt ngang cảm hứng đó, thế nên mãi đến khi câu chuyện kết thúc, tôi mới cười nhẹ rằng: "Có rất nhiều người trẻ, may mắn được đẹp đẽ một chút, thông minh một chút, và giàu có một chút, liền trau chuốt bản thân bằng một thứ thời trang kỳ dị nào đó: Những bộ trang phục quái đản, những quan điểm (hoặc tư tưởng) kỳ dị, hay thú chơi sang chảnh. Kết quả là, những đứa trẻ không hiểu biết tôn sùng họ, còn những người có hiểu biết thực sự thì chỉ nhìn họ đúng với kiểu tham quan sở thú"

"Điều đáng ngưỡng mộ không phải là những người anh hùng dị giáo, mà là những người lao động nghèo, những người mà bạn cho là tầm thường và nông cạn. Họ là người nuôi sống gia đình của họ bằng đôi bàn tay lương thiện và cần cù của mình. Và vì thế, giá trị của họ lớn hơn nhiều so với những kẻ rỗng tuếch và thông minh, những kẻ vẫn tiếp tục sống bám vào xã hội bằng thái độ kiêu căng và trịch thượng"

Bên ngoài, trời vẫn mưa...

Sài Gòn 19.8.2014
Trúc Phong

Đăng nhận xét

0 Nhận xét