[Trò chuyện cuối tuần] Thơ và những câu chuyện khác


Nàng hỏi về câu nói cửa miệng của tôi khi tôi làm thơ: "Tôi thích làm thơ, học làm thơ đơn giản bởi vì đối với tôi, viết thơ dễ hơn khoảng một triệu lần so với nhạc. Và về âm nhạc, thú thực là tôi mù nhạc lý."

Tôi cười. Một số người vẫn không biết cách phân biệt một câu nói hài hước với những lời nghiêm túc, cũng giống như họ không phân biệt được các câu chuyện và sự thật vậy!

Thực ra, theo quan điểm của tôi, văn chương là một nghệ thuật, và không có nghệ thuật nào là nô bộc cho một nghệ thuật khác cả! Mặc dù nhiều nhà văn thích viết tiểu thuyết/truyện ngắn thật nhiều màu sắc điện ảnh để "hi vọng" rằng tác phẩm của mình sẽ ĐƯỢC dựng thành phim, nhiều nhà thơ thích viết thơ giàu nhạc tính để dễ phổ nhạc... đại loại thế, nhưng đó là sở thích của mỗi người, không phải là bản chất, hay là mục đích của văn chương. Ngày nay, công chúng đam mê các đối tượng nghe - nhìn, và văn chương, như một đối tượng cần đọc - ngẫm, dường như không "thời thượng" lắm. Nhưng đó lại là một câu chuyện khác mất rồi!

Thơ, ngẫm đi ngẫm lại thì cái số của nó cũng hẩm hiu lắm! Trong buổi bình minh của nhân loại, khi người ta bắt đầu học cách sử dụng ngôn ngữ một cách tinh tế, thơ xuất hiện. Như một tồn tại tiên phong và duy nhất: Nó đồng nghĩa với văn chương. Thế rồi, người ta, bằng sở thích thời thượng của nhân loại, chợt nhân ra rằng, sử dụng ngôn ngữ một cách "màu mè" như thế khiến cho nội dung của nó nhạt toẹt. Những thay đổi khủng khiếp của xã hội loài người, và cái mà người ta gọi là "văn chương như một phương tiện", đã tạo ra văn xuôi tự sự - cái mà người xưa không bao giờ công nhận là văn chương đích thực vì cách dùng từ dễ dãi của người viết. Kể từ giờ phút đó trở đi, thơ trở thành MỘT THỂ LOẠI, thậm chí là một thể loại THỨ YẾU của văn chương. Chà! Đừng liên tưởng bậy bạ! Tôi chỉ đang cố nói tới văn chương mà thôi!

Thế rồi nàng cãi lại. Văn chương luôn phải bắt nguồn từ văn xuôi mới đúng! Như một điều hiển nhiên, người ta không thể nói ra một câu thơ đầy trau chuốt trước khi họ nghĩ một cách giản dị kiểu văn xuôi được! Tôi gật đầu. Nhưng đó có phải là nghệ thuật chưa?
Nàng khăng khăng cho rằng tôi cần phải đặt lại khái niệm về cái gọi là nghệ thuật, rồi bô lô ba la về các khái niệm hậu hiện đại nào đấy tôi không rõ. Tôi cười. Thật khó khăn khi tranh luận với một người ưa thích nhầm lẫn về khái niệm. Nghệ thuật trước tiên chính là một kỹ thuật, và chỉ khi nó được công nhận là một kỹ thuật, nó mới có thể tiếp tục được tranh luận tiếp về các tiêu chí hầm hố mà người đời sau gia công thêm thắt vào. Nàng lại hỏi về kỹ thuật. Tôi đáp, không xuất hiện như nó vốn có. Nàng lại biện hộ rằng tất cả mọi lời nói đều không xuất hiện như nó vốn có. Tôi cho nàng biết, nàng đang nhầm lẫn các khái niệm. Vì dùng cái chủ quan để  mô phỏng thế giới (phản ứng, tiếp thu, mô tả) chỉ là bản chất của mọi mô phỏng, chứ chưa phải kỹ thuật! Kỹ thuật chính là tái hiện sự mô phỏng đó không theo cách mô phỏng thông thường, nghĩa là giả tạo lần thứ 2 chứ không phải giả tạo lần thứ nhất (nên hiểu Giả tạo theo cách của Aristotle). Và đó là điều khác cơ bản, tôi đã không có ý định giải thích tiếp.

Quay trở lại với câu chuyện về thơ. Sau khi trở thành một thể loại thứ cấp, thơ lại bị người ta xem như một SẢN PHẨM LAI TẠP giữa âm nhạc và văn chương chứ không phải văn chương thuần túy. Lý do là, văn chương (lúc này được hình dung là tiểu thuyết - truyện ngắn các kiểu, nói tóm lại là cái thứ dùng để đọc hiểu) chủ quản ngôn từ, nhưng không chủ quản nhạc tính của thơ. Thường thơ là phải đọc thành tiếng, đọc lên không có NHẠC thì không phải thơ. Cái điều bình thường đó (vốn là do kỹ thuật trau chuốt câu từ ngày trước sinh ra) bỗng chốc biến thơ thành một đứa con lai trong chính đất nước mà mình dựng nên. Thơ, dưới sức mạnh của âm nhạc, trở thành một kẻ nô bộc, hoặc một thứ gì đó đại loại thế, phục vụ cho âm nhạc. Trong quá khứ, hiếm người biết soạn nhạc nên điều này còn chưa đáng sợ. Nhưng trong khoảng vài trăm năm gần đây, chỉ cần có nền giai điệu là bất kỳ bài thơ nào cũng có thể mang ra làm bài hát. Kể từ lúc đó, một nửa các bài thơ được mang ra thẩm định giá trị bằng "khả năng phổ nhạc", một nửa khác điên cuồng đạp phá ranh giới thể loại, phá hủy nhạc tính để gào lên như một thằng trẻ trâu rằng: "Tôi không phải là đàn em của âm nhạc! Mấy người nhìn đi! Không có nhạc tính thì tôi vẫn cứ là tôi đấy thôi!". Thế nhưng thơ mà không có nhạc tính thì cũng hỏng! Thành ra chả được cái tích sự gì cả!

Có người lại nói với tôi rằng, giá trị thực sự của văn chương nói riêng, và nghệ thuật nói chung chính là, chỉ cần được chiêm ngưỡng nó theo cách của nó (nghĩa là đọc tiểu thuyết, ngâm thơ, nghe nhạc, ngắm tranh...), mỗi con người với những cá tính khác nhau, thuộc những thời đại khác nhau sẽ có những cảm ngộ hoàn toàn khác nhau. Chính vì văn xuôi thường tác động được đến nhiều người thuộc nhiều thời đại khác nhau hơn, thêm nữa lại có thể làm thay đổi cảm xúc người đọc, trong khi thơ thì hạn hẹp, lúc vui thường khó đọc nổi thơ buồn, lúc buồn thì nuốt không nổi thơ vui, nghĩa là nó nương theo người ta, chưa chả ai nương theo nó cả, lại còn cái chứng ƯA PHÁT TRIỂN của ngôn ngữ nữa, làm cái thứ vần điệu ngọt ngào du dương của thời này dễ trở thành chối tai, khiên cưỡng của thời khác. Đấy! Thế nên thôi văn chương cứ trả về cho văn xuôi là hơn cả! Giống như nhạc vậy, dù lời hát nó giống thơ thật, nhưng lời thì chỉ là thứ yếu, còn âm mới là quan trọng, thành ra vẫn có tác động liên thời đại được.

Cái đó thì e là không cãi được! Tôi nói, nó cũng giống như tình yêu và cảm giác an toàn vậy. Cả hai thứ đó đều khiến bạn dễ chịu. Nhưng an toàn thì vững chãi, còn tình yêu thì bấp bênh. An toàn thì vĩnh viễn, còn tình yêu thì sớm nở tối tàn. Đại loại thế! Người thông minh nên chọn những điều an toàn. Còn tình yêu chỉ dành cho kẻ ngốc. Nó chẳng có ý nghĩa gì cả!

Ầy! Thế rồi nàng lại nổi cáu. Tôi bảo tôi chỉ thích so sánh cho vui, không có ý gì cả! Nhưng nàng không tin. Già rồi nên tôi cũng nhác thanh minh. Kệ!

----------------------

Tôi suýt kể cho nàng nghe về điều khiến tôi phiền lòng. Nhưng nàng không nên là người lắng nghe tôi, cũng không thể là người lắng nghe tôi! Tôi chưa bao giờ tìm thấy một người như vậy trong suốt hai mươi lăm năm cuộc đời. Tôi bảo: "Tôi là một kẻ thích im lặng bằng cách huyên thuyên không ngớt". Nhưng rồi những lời huyên thuyên ấy lại khiến câu nói đó nhanh chóng tan cùng với mấy viên nước đá trong ly cà phê cách điệu. Nàng không nghe thấy. Hoặc giả nàng nghe thấy nhưng vờ như không nghe. Khi tôi muốn che giấu điều gì đó, những người như nàng có thừa tinh tế để không mang nó ra ánh sáng.


LÚC ĐỔI MÙA
Ngày cuối tuần
sự ồn ào phá tan không gian tĩnh mịch
Biết đi đâu trống trải lòng buồn
Hai người bên nhau
Mà hôm nay vắng một
Gió sớm mai thổi qua
Trời bừng sáng
Dẫu có xa cách nhau
Nhưng tình yêu vẫn nối những tâm hồn

Hết nưa,trời nắng lại về trên đất mẹ
Những ngày bên nhau kỉ niệm không mờ

Muốn khóc to lên
Khóc cho hả
Dù mưa to gió lớn
Dù nắng hạ chói chang
Dù mùa đông tuyết ngập tràn
Niềm tin vẫn dâng tràn
Hết mưa trời lại nắng vàng

Đất mẹ ta.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét