Trả lời ông Hoàng Tuấn Công, hay là về bài viết Trúc Phong "biện hộ" cho PGS.TS Nguyễn Công Lý

Những lời đầu tiên của bài viết này, tôi xin gửi lời cảm ơn đến tất cả những người đã đọc bài viết của tôi! Một vài trong số đó đã trả lời bằng email, hoặc cmt trực tiếp phía dưới bài viết. Xin lỗi mọi người vì đã không viết bài này sớm hơn để trả lời ông Hoàng Tuấn Công, cũng như giải đáp thắc mắc của rất nhiều người quan tâm. Công việc bừa bộn khiến tôi có khá ít thời gian để chăm nom blog. Và vì thế, trả lời sớm thật là điều không dễ dàng.


Tôi vẫn cho rằng blog của mình không có nhiều người đọc, chính vì thế, hết sức xin lỗi những người đọc lần đầu gặp phải những bài viết của tôi! Chúng thường cũng giống như tôi, ít khi nghiêm túc và không xét đoán quá chi li về câu chữ. Đương nhiên, những người u mặc một chút sẽ dễ dàng thông cảm cho điều này. Nhưng không phải ai cũng thế, và thực tế theo kết quả tiếp nhận bài viết trước của tôi là, số người nghiêm túc dường như là đông hơn khá nhiều so với số còn lại.

Chính vì thế, tôi sẽ lý giải cách nghĩ của mình, thông qua đó tranh luận với ông Hoàng Tuấn Công với thái độ tương đối nghiêm túc. Hi vọng có thể khiến cho người đọc không phải cáu bẳn.

Nguyên lai, tôi nhận được thông tin về bài viết Về bài viết Trúc Phong "biện hộ" cho thầy học PGS.TS Nguyễn Công Lý từ một người bạn. Người này gửi link và yêu cầu tôi giải thích cho họ một cách rõ ràng về quan điểm của tôi lẫn của ông Hoàng Tuấn Công (dĩ nhiên là đứng theo cách nhìn của tôi). Tôi đã định khước từ trả lời vì những tranh luận có thể dừng ở đó. Tôi không phải mẫu người thích nói đi nói lại. Nhưng "Tăng Sâm sát nhơn", không trả lời e không phải là điều hay!

Chính vì thế, dưới đây tôi sẽ lần lượt giải thích những hiểu nhầm không đáng có giữa tôi với ông Hoàng Tuấn Công và những người khác, đồng thời và đưa ra quan điểm về bài phê bình cuốn sách của thầy Lý. Hi vọng có thể làm hài lòng những điều mà người đọc cần giải đáp.

Cũng lưu ý ngay là tôi chưa đọc phần 2 của loạt bài này. Với sự tỉ mỉ nhìn thấy từ phần 1, tôi tin rằng phần 2 nhiều khả năng sẽ có giá trị

1. Những chuyện hiểu nhầm:

Nếu đọc bài viết trả lời của ông Hoàng Tuấn Công  thì rõ ràng là có 3 điểm hiểu nhầm giữa ông và tôi:

Thứ nhất, có vẻ như ông xem viết blog là một công việc hết sức nghiêm túc và tẩn mẩn. Nhưng tôi thì ngược lại. Tôi thích nói mào đầu một đằng, viết nội dung một nẻo, đôi khi lời mào đầu chỉ đơn giản là một câu cười đùa vu vơ, hoặc tỏ ra thiếu nghiêm túc các kiểu. Điều này có làm cho người khác khó chịu không? Trong các trường hợp khác, tôi không biết, nhưng trong trường hợp này, điều đó đúng. Và đây là một ví dụ:

Những người đọc kỹ và hiểu rõ hai bài viết sẽ hiểu lầm ông vì tình riêng mà thiên vị thầy học PGS.TS Nguyễn Công Lý, “...ra dáng một người không có chút tinh thần khoa học nào nữa rồi!” (chữ của Trúc Phong). Dù đầu bài viết, ông đã dẫn trước câu nói của Aristotle: "Tôi yêu thầy tôi, nhưng tôi còn yêu chân lý hơn". Phần độc giả, nhiều người sẽ thấy bị “nhiễu” thông tin, không biết ai đúng, ai sai. Cuối cùng, thầy Nguyễn Công Lý nếu biết, dẫu cảm kích về tình thầy trò, chắc cũng không dám nhận lời "biện hộ" của học trò Trúc Phong. 

Tôi tin rằng, những câu đùa cợt của mình không hợp với ông Hoàng Tuấn Công rồi!

Thứ hai, ông cho rằng tôi bảo ông đánh tráo khái niệm, và khẳng định là tôi đã "mất công giảng giải lại" (T.P nhấn mạnh) các khái niệm mà ai cũng biết:

Ý Trúc Phong cho rằng chúng tôi đã “đánh tráo khái niệm”, mà ông lại “là người không thích đánh tráo khái niệm (...) Cãi nhau ầm ĩ khi các khái niệm bị hiểu lộn xộn thì "ông nói gà, bà nói vịt", không hay cho lắm”.Thế nên Trúc Phong đã mất công giảng giải lại cho chúng tôi và bạn đọc biết thế nào là từ, thế nào là tự, thế nào là từ Hán Việt, từ đồng âm khác nghĩa...

Đây cũng là điều khiến cho câu chuyện giữa tôi và ông có "mùi" của một cuộc cãi vã. Tôi không thích cãi vã. Và đó là lý do từ đầu tôi muốn im lặng.

Quan điểm của tôi là, không có bất kỳ cuộc tranh luận nào được phép hiểu lầm khái niệm, nói cách khác là người tranh luận thường xuyên đánh tráo khái niệm của nhau. Không có bất kỳ một nhà khoa học nào tin rằng, đưa ra cách lý giải khái niệm để tránh trường hợp đánh tráo khái niệm lại đồng nghĩa với ngầm khẳng định người đối diện đang đánh tráo cả! Ông Hoàng Tuấn Công đã không đưa ra các khái niệm của mình nên tôi buộc lòng đưa ra khái niệm của tôi. Và cuộc tranh luận phải được tuân thủ theo đúng các quy tắc xoay quanh khái niệm đó. Ở phần tiếp theo, tôi sẽ lý giải về một trong những sai lầm nảy sinh do cách hiểu khác nhau về khái niệm, điều mà tôi đã dày công rào trước đón sau, nhưng ông vẫn nhầm. Lý do là, ông khẳng định rằng ông hiểu rõ về khái niệm và không chịu tập trung vào các khái niệm đó.

Thứ ba, tôi cảm thấy thích thú vì ông Hoàng Tuấn Công đã chỉ ra chính xác sai lầm của tôi: Khang Hi là một quyển tự điển chứ không phải từ điển. Đây chính là điểm tối quan trọng cho toàn bộ cuộc tranh luận: Tự hay là từ? Và lẽ ra, câu cuối cùng của bài viết trước, tôi phải viết là:

Vậy nên, có chăng là nên thêm 1 vài cuốn từ/từ điển khác kiểu như Khang Hi, hay từ điển Hán Việt từ nguyên gì đấy! Nó làm cuốn sách chính xác hơn.

Như tôi đã khẳng định trong bài viết trước: Đó là một điều rất đáng quý trong cách viết của ông Hoàng Tuấn Công.

Nhưng đó lại là một trò đùa.

Bởi vì nội dung của câu kết đó lại hoàn toàn nằm trong đoạn trước:
Hiểu rằng "từ điển" của Đào Duy Anh đã quá cũ, rất nhiều từ mà trong đó không ngờ rằng sẽ được dùng phổ biến trong tiếng Việt, tác giả cuốn sách đã khắc phục bằng cách sử dụng thêm (...) Tuy nhiên, điều này có lẽ vẫn còn chưa đủ để khẳng định nhiều thứ. Ví dụ như trường hợp từ "bạch". Bạn biết đấy! Không biết âm Pinyin thì còn lâu mới biết nó khác nhau (theo quan điểm của thầy Lý), mà không xác định được âm pinyin thì mục từ đó sai lất rồi!
Điều đó có nghĩa là, Khang Hi và Từ điển Hán Việt từ nguyên chỉ là những ví dụ đại diện cho những cuốn sách tốt nên dùng làm tài liệu bổ trợ nhờ những nét đặc biệt của 2 cuốn sách đó mà những cuốn từ điển được chúng ta liệt kê ra không sở hữu: Với Khang Hi, đó là chú âm, với Từ nguyên, đó là cách xác minh sự tồn tại của một yếu tố Hán Việt (chứ không phải yếu tố Hán). Đại để thế.

Và sai sót trong câu kết đó (từ điển Khang Hi) chỉ đơn giản là một cái bẫy đầy trào phúng để người đọc cẩn thận bị rối mà thôi! Tôi rất tiếc và xin lỗi! Tôi là người thích đùa!

2. Những vấn đề chính:

Như đã nói từ đầu, bài viết này được dùng để trả lời lại những phản ứng của ông Hoàng Tuấn Công và lý giải cách nhìn của mình. Nhưng tôi không hay nhắc nhở người khác đọc lại bài viết cũ (chính tôi cũng còn không thích kiểm tra từng chi tiết trong đó nữa cơ mà!), nên trong một số đoạn, tôi sẽ lặp lại ý của bài viết trước để bạn đọc đỡ mất công mở tới mở lui. Tôi vốn không thích chỉ ra cụ thể từng nội dung một, nên chỉ trình bày một cách khái quát những sai lầm (hoặc hiểu lầm) mà ông mắc phải. Nhưng rõ ràng là ông cần ở tôi một phản ứng mang tính khoa học và tỉ mỉ hơn. Và đó mới là lý do tôi cần phải viết lại tất cả những điều này. Dù chỉ trích không phải là điều khiến tôi thoải mái.

Một, ông Hoàng Tuấn Công ghi:

“Người viết dường như đã quên mất rằng, không phải mọi "chữ Hán" đều là "từ Hán Việt"... (HTC gạch chân).
Đúng vậy, “không phải mọi "chữ Hán" đều là "từ Hán Việt", chúng tôi hiểu

Tôi cũng tin điều đó. Mọi người đều hiểu. Nhưng lý do vì sao lại phải trình bày, tôi đã nói ở phần trên.

Và thực tế thì cách ông viết không giống như ông khẳng định:

Tuy nhiên, (...), đối tượng “giải thích” và “mở rộng” của thầy Lý không chỉ là “từ Hán Việt” mà còn có “yếu tố Hán Việt”. (xin xem ảnh “Bảng kê các yếu tố Hán Việt...” trong sách của thầy Lý) Mà “yếu tố Hán Việt” là gì? Nó chính là tự (chữ Hán), bộ phận cấu tạo nên từ Hán Việt đó thôi.

Tôi đã cố gắng giải thích khái niệm như thế này:

(...) Toàn bộ "từ Hán" bị phân thành 3 loại: Từ Hán được dùng phổ biến trong tiếng Việt gọi là từ Hán Việt (...); từ Hán chỉ được dùng hạn hữu trong các thành ngữ (...); và từ Hán không được dùng (...). Đương nhiên, một số người vẫn cho rằng, tất cả mọi "từ Hán" đều phải được xem là "từ Hán Việt". Tuy nhiên, điều này chẳng có chút lý lẽ gì cả! Vì đó chỉ là "âm Hán Việt", chứ người Việt nào dùng nó đâu mà đòi là "từ Hán Việt"! Gọi là "từ Hán" thì được đấy!

Đây là một sai lầm của tôi: Với cách giải thích thiếu tỉ mỉ này, người đọc rõ ràng chỉ có thể hiểu được sự khác nhau về từ Hán và từ Hán Việt mà không thể ngầm hiểu rằng: Không phải mọi "yếu tố Hán" (nghĩa là chữ Hán) đều là "yếu tố Hán Việt"! Điều đó có nghĩa là, tất cả mọi tự đều có thể là yếu tố Hán, nhưng không có nghĩa chúng là yếu tố Hán Việt!

Nghe có vẻ khó hiểu?

Nói một cách đơn giản là, (như phần trích đoạn trong bài của tôi vừa dẫn ở trên), Mọi tự/từ Hán đều có cách đọc Hán Việt, nhưng không phải tự/từ nào cũng là tự/từ Hán Việt! Lý do là nó không được dùng trong tiếng Việt (tức là ngôn ngữ người Việt chứ không phải văn tự Hán trong các văn bản chính thống thời xưa).


Ông Hoàng Tuấn Công đã trích dẫn đoạn viết này của tôi:

Như vậy, những "hạt sạn" trong sách không nhiều như bài viết nêu ra đâu! (...) Hơn 1 nửa trong số đó là sai lầm của bài viết”
Tiếp sau đó, ông nói:
Dĩ nhiên, đó là những nhận định sai của Trúc Phong, vì ngay từ đầu ông đã không hiểu “yếu tố Hán Việt” chính là đơn vị “tự” (chữ).

Và đó là niềm tin của ông. Tôi đã khẳng định ngay từ đầu về các khái niệm để tránh sự sai lầm này, nhưng ông cho rằng mình nắm rõ nó, và đây là kết quả.

Bởi vì ngay từ đầu, tôi đã không khẳng định mình hiểu yếu tố Hán Việt chính là đơn vị tự (chữ)! Bởi vì theo khái niệm phổ biến mà chúng ta đã khẳng định ngay từ đầu, yếu tố Hán Việt đương nhiên không phải là đơn vị tự (Hán), mà là đơn vị tự Hán Việt!

Và đây là các ví dụ chứng tỏ ông Hoàng Tuấn Công đã không hiểu (hoặc gần như vậy):

-“1/BIỆT - Chia xa; Rời xa đối tượng có quan hệ thân thiết; Không để lại dấu vết tăm tích gì; Chia, tách ra; Khác, riêng.
                Từ đồng âm khác nghĩa: không có.”(tr.17)
Thưa thầy Lý, sách của cụ Đào Duy Anh không có, nhưng sách khác có. Theo Thiều Chửu, Trần Văn Chánh và Nguyễn Quốc Hùng (sau đây tôi chỉ trích dẫn để chứng minh mà không nhắc lại ba nguồn tài liệu này) còn có các chữ “biệt” khác như: 1.Biệt 彆 chỗ cong ở hai đầu cây cung; 2.Biệt 蹩 sái, trặc què, khiễng chân.

Với kiến thức hạn hẹp của tôi, tôi không bao giờ biết đến chữ "biệt" có nghĩa là "chỗ cong ở hai đầu cung" hay "sái, trặc què, kiễng chân" cả! Theo Thiều Chửu và Trần Văn Chánh (như ông dẫn), 彆 có thể nằm trong cụm "biệt nữu", còn 蹩 có thể trong "biệt thống liễu cước", đều là những cụm không xuất hiện trong tiếng Việt. Vậy nhất định không phải 2 loại đầu rồi!

-“5/CHIẾN 戰 Đánh nhau.
          Từ đồng âm khác nghĩa: không có.”(tr.22)
Thực tế còn có chữ chiến 顫 nghĩa là: ① Rét run. Nhân rét mà chân tay run lập cập gọi là hàn chiến 寒顫. ② Cái gì nó rung động, đi lại nhanh chóng gọi là chiến động 顫動. ③ Những tiếng sợ hãi, xót xa gọi là chiến thanh 顫聲, v.v...

Ông Hoàng Tuấn Công cũng đã rào trước rằng:

Có bạn đọc sẽ nói rằng, các chữ "chiến" này không thông dụng. Đúng vậy, không thông dụng không có nghĩa là "không có".

Nhưng ông cũng mắc vấn đề tương tự như chữ trên: Không phải chữ này không thông dụng như cách ông nói, mà nó không phải yếu tố Hán Việt! Chỉ là yếu tố Hán mà thôi!

-“19/KHÁNG 抗 Chống cự lại.
Từ đồng âm khác nghĩa: không có”(tr.44)
Không đúng. Thực tế còn có: 1.Kháng 亢cao: như “Bất kháng, bất ti” -không tự cao, không tự ti; 2.Kháng 炕 hong, khô ráo, nướng sấy, hé ra, mở ra; 3. Kháng 閌 cao lớn, đồ sộ,v.v...

Tôi thề rằng, người đọc bài viết này chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ nói "bất kháng bất ti" hay 2 chữ "kháng" sau trong một diễn ngôn bất kỳ nào đó.

-“25/MÃNH 猛 Mạnh mẽ, dữ tợn.
Từ đồng âm khác nghĩa: không có”(tr.50)
Sai. “Mãnh” còn có các từ đồng âm, khác nghĩa:
1.Mãnh 皿 đồ đựng, đồ bát đĩa. (...)
 2.Mãnh黽 con chẫu, con ếch.

Trong tiếng Việt, chúng ta có từ "mảnh" là có liên quan đến đồ đựng, bát đĩa (vốn là từ xuất hiện cùng với sự hình thành của đồ gốm), nhưng nó chẳng can gì đến 皿 cả! Tôi tin là như vậy! Nhưng nếu niềm tin của tôi sai lầm, thì rõ ràng là ông Hoàng Tuấn Công đã đúng ở đây. Tuy nhiên, với từ 黽 thì khác! Dân gian có từ "ông mãnh" (những người chết yểu, không thành người lớn nên tính nết linh hồn dễ hờn dỗi). Tôi hiện chưa hiểu rõ lắm về xuất xứ của từ này, nhưng chắc nó không có can hệ gì với 黽 (con ếch) 皿 (vật đựng) 錳 (Mangan) 艋 (thuyền nhẹ)...

Đến đây thì tôi hơi mỏi tay rồi, nên sẽ điểm qua một loạt luôn cho tiện:

-“55/ 居 Chỗ ở.
Từ đồng âm khác nghĩa: không có” (tr.84)
Thực tế còn có: 1.Cư 据 Bệnh tay, kiết cư 拮据 bệnh tay. Cảnh huống quẫn bách cũng gọi là kiết cư; 2.Cư 椐 Cây cư, cây linh thọ 靈壽 gỗ dùng làm gậy chống, gọi là linh thọ trượng 靈壽丈; 3.Cư 裾 Vạt áo, tà áo; Cái áo dài Trung Hoa.

-“77/NHẬT 日 Mặt trời, ngày, ban ngày.
Từ đồng âm khác nghĩa: không có” (tr.108)
Không đúng. Còn có: Nhật 馹 chạy ngựa trạm để truyền tin tức ngày xưa (chữ “nhật” này gồm bộ mã 馬 ghi nghĩa và bộ nhật 日 ghi âm). Thiều Chửu chú rõ: “Dùng ngựa để truyền tin tức gọi là nhật 馹, dùng xe gọi là truyến 傳” (còn đọc là truyền-HTC chú)

-“11/DIỆP 葉 Lá, lá cây.
Từ đồng âm khác nghĩa: không có” (tr.23)
Không đúng. Ngoài "Diệp" nghĩa là lá, lá cây, còn ít nhất 3 chữ "Diệp" đồng âm, khác nghĩa nữa, như: 1.Diệp 爗 : sáng, sáng chói (Diệp diệp 爗爗 = chói lói); 2.Diệp 鍱 : Đồng sắt dàn mỏng ra từng phiến gọi là diệp. (Ví dụ: 金鍱子 kim diệp tử = Lá vàng); 3. Diệp 曄: phát đạt, thịnh vượng.

-“22/KHẨU 口 Miệng. Nhân khẩu (nói tắt). Từng đơn vị súng pháo. Cửa khẩu (nói tắt).
Từ đồng âm khác nghĩa: không có”(tr.38)
Không đúng. Còn có chữ khẩu 釦 nghĩa là: bịt vàng, lấy vàng nạm miệng đồ; cái khuy áo. (chữ khẩu 釦 này dùng bộ khẩu 口 ghi âm và bộ kim 金 ghi nghĩa)

-“36/THẠCH 石 đá.
Từ đồng âm khác nghĩa: không có”(tr.59)
Sai. Còn có chữ: Thạch 祏 Hộp đá chứa bài vị tổ tông trong tông miếu.

-“47/VỆ 衞 giữ gìn, che chở. Chỗ trú binh ở miền biên giới. Tên một nước chư hầu ở đời nhà Chu của Trung Quốc cổ đại.
Từ đồng âm khác nghĩa: không có” (tr.81)
Không đúng ! Còn có chữ vệ 躗 nghĩa là quá đáng. Như vệ ngôn躗言 lời nói quá đáng, nói khoác.

-“106/TÍN信 Tin, tin tức.
Từ đồng âm khác nghĩa: không có” (tr.152)
Sai ! Còn có chữ tín 顖 (còn viết 囟) là cái thóp máy động chỗ đỉnh đầu trẻ con.v.v...
Như các từ trên thôi nên cảm phiền bạn đọc tự giải thích hộ tôi.

Cũng trong phần này, tôi cũng thử đưa ra cách lý giải, vì sao thầy Nguyễn Công Lý lại có cách giải thích nhập nhằng (và ông Hoàng Tuấn Công gọi là "lỗi", tôi không phản đối. Đó là cách dùng của từng người) về cái gọi là "đồng âm khác nghĩa" như vậy.

Ở đây xin tóm gọn lại:
- Đồng âm khác nghĩa là 2 chữ có cùng cách đọc (cả pinyin lẫn Hán Việt), không cần biết hình thái.
- Đồng âm khác nghĩa là 2 chữ có cùng cách đọc Hán Việt và không cần biết hình thái.
- Đồng âm khác nghĩa là 2 chữ có cùng cách đọc Hán Việt, cùng hình thái nhưng mang nghĩa khác nhau.

Tôi cũng nói rõ luôn là, tôi không phải thầy Lý, và điều đó có nghĩa là, còn lâu tôi mới biết thầy tôi nghĩ gì khi viết sách. Tôi chỉ có thể đưa ra 3 cách hiểu về từ đồng âm khác nghĩa mà người ta thường hiểu mà thôi!

Nhưng ngay cả như thế, tôi cũng không thể hiểu nổi thầy Lý đã sử dụng cách nào. khi một mặt chấp nhận hai chữ "đường là 鏜 - Tiếng trống và 塘 - bờ đê, mặt khác lại không nhắc đến chữ 賦 - cấp cho. Nên nhớ, cả "鏜 - Tiếng trống, 塘 - bờ đê và 賦 - cấp cho, đều có mặt trong tiếng Việt.

(Mặc dù tôi không hiểu tại sao lại đọc chữ 鏜 là "đường" trong khi nó phải đọc là "thang" - tính từ chỉ âm thanh. Trong pinyin, nó là tāng chứ không phải táng như 2 chữ còn lại)

Ngoài ra, tôi cũng ghi chú luôn những phần mà ông Hoàng Tuấn Công đã nói đúng:

-38/THIỂU 少 ít (khác ĐA 多 nhiều)
Từ đồng âm khác nghĩa: không có”
Không đúng. Còn có: 1.Thiểu 悄 lo lắng, buồn rầu, lặng im (Truyện Kiều có câu: “Kể đà thiểu não lòng người bấy nay” chính là chữ “thiểu” này đó, thưa Thầy); 2.Thiểu 愀 Xịu mặt, tiu nghỉu: thiểu nhiên bất lạc 愀然不樂 (Vẻ mặt) tiu nghỉu không vui.

-31/PHÚ 富 Giàu có.
Từ đồng âm khác nghĩa: không có.(tr.57, tập I)
2. “Phú 賦-Tiền thuế-Cấp cho-Phô bày ra-Một lối văn của Tàu và Ta”. (thế nên ta hay nói “thơ với chả phú” là vậy) Đào Duy Anh trích dẫn: “Phú dịch 賦 役 - thuế má và lao dịch;  Phú bẩm 賦稟-Cái tư năng sinh ra đã có”.
(...)

- 94/TIỀN 前 Trước, trước mặt, phía trước.
Từ đồng âm khác nghĩa: không có” (tr.131, tập I)
(...) Theo chính Đào Duy Anh, ngoài chữ tiền 前 nghĩa là “Trước-Mặt trước-Tiến lên”, còn có “Tiền 錢-Đồng tiền-Tiền tệ-Một phần mười của lượng”.



-112/TRỢ助 Giúp đỡ
Từ đồng âm khác nghĩa: không có (tr.157, tập II)
Sai ! Thực tế còn có một chữ trợ rất thông dụng nữa, đó là: trợ 箸 nghĩa là đũa (ăn cơm). Ở Thanh Hóa, ngoài cửa biển Thần Phù (địa phận huyện Nga Sơn) có Chích Trợ sơn (núi Chiếc Đũa) rất nổi tiếng. 
Lý do tôi chỉ trích dẫn 1 trong số nhiều nghĩa được dẫn ra trong bài viết của ông Hoàng Tuấn Công là, chỉ có những nghĩa này là ông Hoàng Tuấn Công nói đúng, nghĩa còn lại thì không, nhưng bỏ mục này vào phần "sai lầm" của ông Hoàng Tuấn Công thì quả là hơi tỉ mỉ, khắt khe quá. Đó không phải thói quen của tôi!

Còn lại là 2 mục từ tôi còn khá nhiều khúc mắc, không rõ là đúng hay là sai:

84/TÂM 心 Lòng, tấm lòng; Trái tim.
Từ đồng âm khác nghĩa: không có.(tr.118, tập I)
Không đúng. Còn có chữ tâm 芯 nghĩa là ngòi, ruột, lõi. (chữ tâm này gồm bộ “thảo”  ghi nghĩa và bộ “tâm” ghi âm). Đào Duy Anh: “Tâm 芯Một thứ cỏ, cũng gọi là đăng tâm thảo, ta gọi là cây bấc.” Trần Văn Chánh: “Tâm 芯 Bấc (đèn), ngòi, ruột, lõi: đăng tâm 燈芯 Bấc (đèn dầu)". Thiều Chửu chú rõ: “Tâm 芯 Bấc đèn. Ruột một thứ cỏ dùng để thắp đèn gọi là đăng tâm 燈芯”; Nguyễn Quốc Hùng: “Tâm 芯: Tên một thứ cỏ, xưa dùng làm bấc ( tim ) đèn — Cũng chỉ cái bấc đèn”, v.v...

Thực ra chữ "tim" vốn nó là chữ tâm rồi! Cho nên chữ Hán viết kiểu gì thì chữ Việt cũng cứ dùng một chữ tâm/tim thôi! Cho nên nói "tâm" (một bộ phận trong cơ thể người) đồng âm khác nghĩa với "tim đèn" thì cũng đúng, mà bảo nó là 1 từ thì cũng đúng luôn! Phiền thế đấy!

Nhưng mà, từ này lẽ ra thầy Lý nên chú là:

84/TÂM 心 Lòng, tấm lòng; Trái tim.

Thế thì đố ai mà dị nghị được! Tiếc là thầy đã không làm thế. Giờ thì đúng sai do người đọc tự quyết định.

51/BẠCH Trắng, rõ ràng, bày tỏ ra, sạch sẽ.
Từ đồng âm khác nghĩa: không có (tr.79)
Thầy Lý vẫn tiếp tục bỏ sót. Đào Duy Anh có ghi nhận một chữ "bạch" 鉑 nữa với nghĩa là bạch kim. Ngoài còn có một chữ "bạch" rất thông dụng mà “Hán Việt từ điển” của cụ Đào thiếu, đó là: Bạch 帛 Lụa, thứ dệt bằng tơ trần gọi là bạch. Như bạch họa帛畫 Tranh lụa (Trần Văn Chánh); Bạch帛 Lụa trắng; Tên họ người (Nguyễn Quốc Hùng).

Tôi đã giải thích thế này trong bài viết trước:

(...) Về âm đọc, một là "bái", một là "bó" (pinyin). Tức là, 2 từ này vốn không có can hệ gì với nhau cả! Việc xem nó như "đồng âm khác nghĩa" (...) là điều khó có thể chấp nhận! Thậm chí, nó có thể dẫn đến hiểu biết hoàn toàn sai lầm về Hán Việt: Rằng tất cả những từ đọc âm Hán Việt giống nhau đều là một từ. Nếu cả 2 từ đều có cùng âm đọc trong cả Hán Việt lẫn Pinyin thì còn có thể chấp nhận được.

Tức là, nếu thầy Lý đúng, thì ông buộc phải thừa nhận là, "đồng âm khác nghĩa" chỉ có thể giải thích theo cách thứ nhất thay vì cách thứ 2 hoặc 3! Vì ông đã nhét 2 chữ đường ( 鏜 và 塘) vào thành đồng âm khác nghĩa với 堂 rồi cơ mà!

Thế nhưng, cứ bắt buộc các từ từ thuộc tiếng Việt phải có âm đọc chuẩn tương ứng giống nhau trong pinyin thì liệu có nên không? Tôi không cho là như vậy! Và nếu bạn đọc giống như tôi, thì điều đó nghĩa là ông Hoàng Tuấn Công đã đúng trong trường hợp này.

Nói tóm lại, trong số 17 trích dẫn mà ông Hoàng Tuấn Công đưa ra, ông đã sai ở 11 trích dẫn, còn lại 4 trích dẫn đúng và 2 trích dẫn... nhập nhằng đúng sai. Rõ ràng tôi đã có tư cách để nói:

Như vậy, những "hạt sạn" trong sách không nhiều như bài viết nêu ra đâu! (...) Hơn 1 nửa trong số đó là sai lầm của bài viết”
Và không cần phải bắt bẻ vì sự thiếu khoa học của nó nữa!

Hai là, về tài liệu tham khảo, tôi cũng nói rõ luôn là trong số những cuốn sách mà ông Hoàng Tuấn Công đưa ra, không có cuốn nào xứng đáng được dùng chính hơn cuốn của Đào Duy Anh. Tôi khẳng định rằng thầy Lý đã không sai khi ông chủ yếu dựa vào cuốn sách này thay vì một cuốn từ điển Hán Việt (chứ không phải từ điển Hán - Việt, lưu ý ở tính chất 2 cuốn từ điển này, một bên là giải nghĩa từ Hán Việt, một bên là giải nghĩa từ Hán sang tiếng Việt), hoặc tự điển Hán Việt (hoặc Hán - Việt, cái này không có ý nghĩa lắm). Nhưng tôi không thừa nhận rằng ông đã hoàn toàn đúng. Phải! Ông đã không đúng khi sử dụng cuốn của Đào Duy Anh thay vì một cuốn sách mới hơn, và thêm nữa, bổ trợ thêm bằng nhiều cuốn sách tham khảo thứ cấp khác. Nhưng tôi không biết đến một cuốn từ điển như vậy. có lẽ là cuốn của Nguyễn Quốc Hùng như lời ông Hoàng Tuấn Công chăng? Tôi chưa đọc cuốn đó nên xin không bàn luận!

Vậy vấn đề là tại sao lại "quan niệm quá máy móc về cách dùng “từ điển” và “tự điển”" như vậy? Ông Hoàng Tuấn Công viết:

Bởi trong “từ điển” không chỉ có “từ” mà (dĩ nhiên) còn có “tự” (vì tự là yếu tố Hán Việt cấu tạo nên từ- thường được nhà biên soạn nêu ra và giải nghĩa chung ở đầu mỗi mục từ). Trong “tự điển” cũng không chỉ có “tự” mà còn có cả “từ” (các ví dụ, trích dẫn về từ, ngữ của nhà biên soạn.

Không sai! Nhưng điều này chẳng có ý nghĩa gì cả! 

- Thứ nhất, các cuốn từ điển có giải nghĩa tự thì cũng chỉ nhằm làm rõ cho từ, còn tự điển thì đưa ra các từ để giảng nghĩa về tự. Nghĩa là thứ tự ưu tiên trong đó đã rất rõ ràng rồi! Vậy ta có nên mang một cuốn tự điển ra để làm tài liệu tham khảo chính?

- Thứ hai, vì bản chất của từ điển là giải nghĩa cho từ, nên nó sẽ đưa các từ vào trong cụm từ để chú thích. Trường hợp tự điển đưa tự vào trong cụm từ, thì chẳng qua là tự đó trùng với từ mà thôi! Vậy ta nên vì những trường hợp hi hữu này mà bỏ qua sự khác biệt giữa tự điển và từ điển?

- Và thứ ba, tôi không thích soi mói, nhưng lần này buộc lòng phải soi mói vì ông Hoàng Tuấn Công đã phớt lờ điều này: Cuốn sách của Đào Duy Anh chỉ được xem là tài liệu chủ yếu chứ không phải duy nhất! Tôi trích dẫn theo ông Hoàng Tuấn Công:

“Khi giải nghĩa từ, chủ yếu chúng tôi dựa vào Hán Việt từ điển của học giả Đào Duy Anh, Từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học do GS. Hoàng Phê chủ biên và Đại từ điển tiếng Việt của Trung tâm ngôn ngữ và Văn hoá Việt Nam-Bộ Giáo dục và Đạo tạo do GS. Nguyễn Như Ý chủ biên”.

Và khi đã soi mói, tôi chẳng thấy thích thú gì đối với việc tranh luận về tài liệu tham khảo này nữa cả! Xin bạn đọc thứ lỗi! Điều đó không làm cho tôi thấy thoải mái! 

Ở phần 2 này, tôi đã khẳng định, thầy Nguyễn Công Lý đã không đúng (dù cũng không sai). Nhưng sau đó, tôi cũng giải thích cho những người tin ông Hoàng Tuấn Công đã đúng khi phê phán cách làm của thầy Nguyễn Công Lý, rằng, cả người phê phán là ông Hoàng Tuấn Công cũng sai nốt.

Thật chẳng ra làm sao cả!

Sài Gòn ngày 15/11/2014
Trúc Phong

P.s: Tôi có 2 điều cực kỳ ghét: Một là nhắc đi nhắc lại những điều cơ bản, hai là tẩn mẩn dò tìm từng chút một. Bài viết này đã phạm cả 2 điều trên. Chính vì thế, hết sức xin lỗi bạn đọc về sự gay gắt nếu có trong bài viết này!

Đăng nhận xét

0 Nhận xét