Birdman hay là câu chuyện về một huyền thoại đã chết

"Nếu những kỳ công trong quá khứ được tạo ra từ các vị thần trong sử thi, thì giờ đây, chúng được tạo dựng từ các quảng cáo bột giặt" - Roland Barthes

Tôi đã gần như có cơ hội xem "The Grand Budapest Hotel" và "Boyhood", nhưng cuối cùng lại xem Birdman trước cùng với Salon điện ảnh. Và có lẽ đây là điều may mắn! Tôi chưa đủ dũng cảm để xem tất cả những thứ đó, ít ra là xem một mình.

Cú máy, steadicam, và sự điên rồ về kỹ thuật

1 cú máy duy nhất, 2 tiếng đồng hồ, Steadicam và 4 giải Oscar. Birdman trong lời giới thiệu của Bá Vũ đã gần như khiến tôi thốt lên hai chữ "Điên rồ!". Bạn biết đấy! Lớn tiếng như vậy trong một buổi salon có thể khiến bạn, dù là bất kỳ ai, trở nên kỳ dị trong mắt phần đông những người còn lại. Điều may mắn là, tôi gần như không nhìn thấy bất kỳ điều kỳ lạ nào từ trong đối mắt của tất cả mọi người xung quanh mình, ngoại trừ ông Bá Vũ. Có lẽ, tôi là người duy nhất chưa từng đọc kỹ lưỡng bất kỳ lời giới thiệu nào trước khi đến đây.

Nhưng Alejandro González Iñárritu đúng là điên rồ thật! Một người am hiểu đôi chút về điện ảnh sẽ sớm nhận ra rằng, lịch sử điện ảnh chưa bao giờ ghi nhận bất kỳ một tác phẩm nào chỉ được quay trong đúng 1 cú máy. Chúng ta đã từng được chứng kiến bộ phim tài liệu (mà tôi quên khuấy mất tên) 1 cú máy do người Nga những năm đầu thế kỷ đã từng thực hiện, hay một loạt các cú long take (cú máy dài) trong phim Hugo vừa nổi đình nổi đám gần đây. Thế nhưng từ những cơ sở nhạt nhòa đó, quyết định mang toàn bộ tác phẩm 120 phút gói gọn vào trong một cú super-long take (cú máy siêu dài) vẫn là một ý tưởng điên rồ về mặt kỹ thuật: Thứ nhất, diễn viên có thể phải học thuộc hàng nghìn chi tiết nhỏ nhất, như động tác kéo ghế, ánh mắt nhìn, cách trở mình... đến mức vai diễn gần như là chính bản thân họ để tránh khiến cho toàn bộ ekip phải trở lại điểm xuất phát cách đó nhiều chục phút; thứ hai, gần như không có bất kỳ một ekip nào có thể sắp đặt mọi thứ hoàn hảo trong suốt 120 phút diễn xuất đến như vậy; thứ ba, giả sử ekip có sắp đặt hoàn hảo, thì chỉ một sai lầm nhỏ nhất của người quay phim khi điều khiển steadicam, hoặc đám đông quần chúng (ít nhất là cảnh tồng ngồng trên Broadway của Birdman - Riggan Thomson) cũng đủ khiến toàn bộ sự hoàn hảo đó sụp đổ.

Đó cũng là lý do mà Alejandro González Iñárritu đã gần như tuyệt vọng khi mang ý tưởng quái đản nhưng thiên tài này chào hàng khắp kinh đô điện ảnh Holywood. Tôi thực sự không hiểu, cuối cùng thì nhà sản xuất nào, và nguyên nhân bí ẩn nào đã khiến cho nhà sản xuất đó gật đầu với Alejandro González Iñárritu? 18 triệu dollar là một con số không hề lớn đối với các bộ phim Holywood, nhưng áp lực trong quá trình dàn dựng có thể khiến tất cả mọi người nản lòng, ngoại trừ những kẻ thực sự ngốc nghếch. Tôi thề rằng tất cả các thiên tài đều trông giống những kẻ ngốc

Dĩ nhiên là Alejandro González Iñárritu không ngốc! Ông ta và đồng nghiệp của mình biết cách biến sự điên rồ của mình thành sự thật. Thực ra, như những gì mà một người xem tinh mắt sẽ nhận ra, Birdman có khoảng 16 đoạn cắt nối khi nhân vật đối mặt với màn đêm hoặc chuẩn bị mở cửa bước sang một không gian khác. Nhưng 120 phút/16 cú máy thật vẫn là một con số quá khủng khiếp đối với cả đạo diễn, diễn viên, quay phim và toàn bộ ekip thực hiện. Kinh khủng! Mặc dù ít hoang đường hơn ban đầu.

Nhưng ông ta đã thành công phải không? 4 giải Oscar quả thực là quá nhiều cho một bộ phim chỉ tiêu tốn chưa bằng 1/3 so với American Sniper và còn khuya mới xứng đáng để so sánh với The Avengers. Dĩ nhiên là đối với phim nghệ thuật, nhà làm phim có một ưu thế nhất định về tiền catse cho diễn viên so với phim bom tấn, nhưng điều đó không thực sự quá quan trọng, nhất là khi giá thành của tác phẩm điện ảnh chủ yếu được nảy sinh từ kỹ xảo. 

Một điều may mắn khác của Birdman chính là, quay phim duy nhất của họ, không ai khác, chính là Emmanuel Lubezki, người vừa giành giải Oscar dành cho Quay phim xuất sắc nhất nhờ bộ "Gravity". Tôi đã gần như phát cáu vì ống kính xoay mòng mòng quanh các nhân vật đứng vòng tròn diễn xuất, hay lảo đảo cùng bước chân tấp tễnh của các diễn viên băng qua dãy hành lang dài và hẹp, nhưng lại không có cách nào rời mắt khỏi màn hình. Một kỹ thuật tuyệt vời với sự hỗ trợ của ống kính mắt cá, steadicam và kịch bản đạo diễn tỉ mỉ đến từng chi tiết. Tự hỏi, không hiểu sang năm, giải Oscar dành cho Quay phim xuất sắc nhất sẽ phải làm thế nào để vượt qua cái bóng quá lớn của Lubezki như cách mà ông đã làm đối với sản phẩm của chính mình năm 2013?

Cái bóng cuộc đời dưới đôi cánh Birdman

Về nội dung câu chuyện, Birdman khiến tôi cảm thấy bản thân thật non nớt nếu có dự định đưa ra một lời giới thiệu nào đó. Những gợi ý đến từ Báo Đất Việt không khiến đoạn viết này trở nên dễ dàng hơn một chút nào: Cái bóng của quá khứ? Sự tầm thường hóa bi kịch hay là bi kịch của cái tầm thường? Một góc nhìn cay đắng về cái gọi là Showbiz? Thật nhàm chán! Quá nhàm chán để miêu tả về Birdman!

- "Phải có một sự dũng cảm nhất định để có thể xem được Birdman và Boyhood"

Mặc dù có một chút thất vọng khi không thể đi cùng một người mà tôi cho rằng sẽ không ngáp vặt, hoặc xem một nửa liền bỏ về..., tôi vẫn hơi hài lòng khi kết thúc cuộc phiêu lưu nhỏ của mình trong trạng thái vô hình - thói quen ưa thích của tôi mỗi khi đến những chốn toàn những người ưa gật gù tỏ ra sâu sắc trước văn hóa và nghệ thuật. Sau rằm tháng giêng, bầu trời vẫn không một gợn mây, và Birdman thì vẫn sẵn sàng tung cánh bay trên bầu trời New York, phủ đôi cánh xuống mái đầu đã hói non một nửa của Riggan Thomson (nhân vật trong phim), cũng là cựu minh tinh Michael Keaton của vai Batman những năm cuối thế kỷ trước. 

Birdman của Iñárritu đã khiến Keaton run lên vì hạnh phúc như thể đây chính là kịch bản được viết ra từ cuộc đời của anh vậy: Cuộc đời của một Batman chết đuối trong ánh hào quang xưa cũ do chính mình dựng nên, một Keaton luôn phải dằn vặt vì quyết định kiêu căng sai lầm của chính mình trong quá khứ khi từ chối vai diễn chính trong Batman 3 chỉ vì... ghét thằng đạo diễn, một siêu anh hùng đã chết đang nuối tiếc cảnh tung hô của dân chúng New York khi nhìn thấy anh dang rộng đôi cánh bay trên bầu trời, và một cái mũi gãy. Thật tồi tệ khi bạn gần giống như người duy nhất trong khán phòng hiểu vì sao cái mũi của Riggan Thomson lại không hề bị bắn nát, trong khi tất cả mọi người đều dễ dàng bật cười trước cảnh Birdman, sau khi bay lượn như một loài chim thực sự, lại bị níu lại vì chưa trả tiền taxi. Nhưng bạn biết đấy, muốn hiểu được vì sao cái mũi vẫn còn đó, trước tiên bạn phải hiểu vì sao Riggan của chúng ta lại bắn cái mũi chứ không phải là thái dương như ban đầu ta vẫn tưởng.

Thú thực là tôi đã thoáng cảm thấy thất vọng khi tưởng rằng cảnh Riggan cầm súng thật (thay vì súng giả, vì là trên sân khấu) chĩa vào thái dương và bóp cò. Có ba lý do sau đây khiến cho mọi khán giả đều có thể gật đầu với tôi:

- Một là, không có bất kỳ người nào lại tự sát bằng cách để nòng súng cách thái dương xa đến mười mấy centimet như thế! Người ta sẽ làm thế này: Ghì sát họng súng vào huyệt để tránh hiện tượng giật súng, hơi cắn môi dưới một tí - như là bản năng, và mắt trái sẽ hơi khép hờ.

- Hai là, nên nhớ đây là một câu chuyện điện ảnh xoay quanh một vở kịch. Điều độc đáo thú vị nhất mà bộ phim có thể tạo ra chính là, khiến cho khán giả phải vắt não ra vì mối quan hệ nhì nhằng giữa phim - kịch - đời. Nhưng chỉ với một phát súng, mối nhì nhằng đó sẽ chấm dứt. Riggan muốn sống! Ông đã chiến đấu để bước ra khỏi chính mình, tức là Birdman, và chẳng có lý do gì để ông ta phải tự vẫn dưới ánh hào quang nằm ngoài đôi cánh của hắn cả! Một phát súng vào đầu chỉ có nghĩa rằng ông ta đã phân biệt rõ ràng cuộc sống của chính mình - quá khứ mà ông luôn ôm ấp, với Birdman và với cả ánh đèn sân khấu nữa. Mà phân biệt, thật vô nghĩa và ấu trĩ! Ông ta chưa từng làm được điều đó!

- Ba là, nổ súng để hoàn thành vở kịch đẫm máu cả nghĩa đen lần nghĩa bóng? Đừng nói là tôi đang xem kịch với tất cả các quy chuẩn ước lệ của nó nhé!

Nhưng ông đã không bắn vào đầu! Tạ ơn trời! Tạ ơn ông đạo diễn! Và tạ ơn Keaton vì đã không dừng lại ở chi tiết mà tất cả mọi người đều nghĩ rằng đó là một kết thúc tồi! Riggan bắn vào cái mũi của mình. Bắn nát bấy! Để rồi sau những cánh chim bay náo loạn, người ta lại được nhìn thấy ông ở bệnh viện, với khuôn mặt được băng kín không khác gì người chim.

"Người chim mà không có mũi thì sẽ thành thế nào nhỉ?"

Chỉ một câu đó thôi, điều tốt nhất mà khán giả nên hiểu chính là: Ông ta muốn vĩnh biệt Birdman theo cách riêng của mình. Ông kết thúc quá khứ bằng một phát bắn, kết thúc chuỗi những hành động quá quắt, ám ảnh và thiếu trách nhiệm diễn ra khắp từ quá khứ trải đến hết bộ phim cũng bằng phát bắn đó. Và, nhìn nụ cười của Sam (Emma Stone) kìa! Có phải bất chấp phát bắn điên rồ (vào mũi) đó, Riggan nhìn vào gương, thở dài nhận ra cái mũi của mình vẫn còn, cũng giống như Birdman (vừa xả nước bồn cầu ngay bên cạnh ông) không thể bị bắn chết. Có trời mới biết ông/Birdman có thật là có siêu năng lực hay không! Có trời mới biết cuối cùng ông có tung bay như một loài chim không bị ảnh hưởng bởi trọng lực thật không! Hay là lại chơi một trò chơi ngốc nghếch quái đản nào đó. Và có trời mới biết cái mũi của ông có thực sự lành lặn không mặc dù trong cuộc đối thoại nội tâm (Vâng! Đối thoại!) của chính ông và Birdman thì cái mũi vẫn còn đó.

Đương nhiên, Birdman không chỉ có như thế! Sự hài hước đến từ một người chắc chắn không thể dưới ngũ tuần về Blog, Twitter, Facebook... cũng như những thứ công nghệ internet đại loại như thế trong mắt của một kẻ say sưa với ánh hào quang cũ; sự thật về ánh đèn, âm nhạc, diễn xuất, và tất cả mọi thứ điên rồ của nghệ thuật sân khấu; cuộc sống tù túng đến ngạt thở của những kẻ hào nhoáng; tình yêu gia đình và hơi thở cuộc sống; những kẻ phê bình cao quý và mạt hạng của nghệ thuật.... Birdman còn là hàng tá những thứ đó! Hàng tá những thứ khiến bộ phim trở nên khó thở đối với mọi đối tượng khán giả. Có lẽ, những nơi trình chiếu Birdman cần đặt ra một yêu cầu quái đản khác với tuổi tác để giới hạn khán giả: Chỉ cho phép những người có lá phổi to lớn và khỏe mạnh vào xem.

Ây chà! Nhưng với điều kiện này thì người có chứng viêm phổi kinh niên như tôi hẳn là gặp rắc rối rồi!

Dù sao thì, ông đang diễn một vở kịch tuyệt vời trước ống kính điện ảnh, vở kịch về cuộc đời thật của chính mình. Ây chà! Tôi cũng đã bắt đầu vướng vào sự nhì nhằng mà tác giả bung ra rồi đấy!

Sài Gòn ngày 8/3/2015
Trúc Phong

Đăng nhận xét

0 Nhận xét