[Đối thoại] Minimalism - Chủ nghĩa nhu cầu tối thiểu

Tôi gặp bạn trong một cuộc hẹn bất ngờ tối chủ nhật. Mọi thứ nhanh chóng chuyển biến trước khi một trong hai kịp nhận ra là đã đi quá xa vấn đề. Nhưng tôi yêu những cuộc chuyện trò bất tận, giống như cách mà tôi yêu những người trẻ tìm đến tôi với những câu hỏi về sách vở. Câu chuyện về chủ nghĩa nhu cầu tối thiểu – cái mà bạn gọi là Minimalism:


- Tôi nhớ rằng mình đã từng là một người đam mê đồ high tech với Ipod trong túi áo, Iphone trong túi quần, Ipad trong ba lô, một dàn loa, một laptop, một PC, một PS và một tivi công nghệ cao trong phòng. Tôi cũng có một chậu hoa hồng, một bể cá nho nhỏ, một máy pha cà phê và nhiều thứ đáng yêu khác để phục vụ cho sở thích cá nhân mỗi ngày. Vào mỗi buổi sáng, tôi thức dậy sớm hơn mọi người bạn cùng tuổi (những người thường nằm nướng đến tận trưa), tập thể dục, chăm sóc bể cá, tưới hoa và pha cà phê trước khi bắt đầu một ngày. Khách quan mà nói, những thú vui này thực sự khá phiền phức, nhưng nó là phong cách sống của tôi, và mỗi thứ trong số chúng trở thành một phần trong cuộc sống của tôi. Và tôi hoàn toàn không thoải mái nếu mỗi ngày không động đến chúng.

Sau này, khi công việc bắt đầu bận rộn hơn, tôi phải thức khuya hơn, và dậy sớm hơn để chuẩn bị mọi thứ, thêm nữa là những chuyến công tác xa liên tục khiến tôi không còn thời gian để chăm sóc bể cá và chậu hoa hồng nữa. Tôi quyết định mang bể cá và chậu hoa tặng cho người khác. 

Một tuần, hai tuần, ba tuần... trôi qua, tôi chợt nhận ra rằng, tôi còn không còn sử dụng tất cả những món đồ high tech yêu quý của mình nữa. Một nửa trong số chúng bám bụi, và chỉ có duy nhất điện thoại và laptop là thường xuyên bị thay đổi vị trí.

Điều đó có nghĩa là, tôi không còn cần đến chúng nữa.

Trong suốt thời gian đó, tôi lại cảm thấy thoải mái hơn nhiều so với trước vì không phải dọn dẹp rất nhiều đồ đạc trước khi đi ngủ hay chăm bể cá, chăm sóc hoa mỗi buổi sáng nữa. Thậm chí, công việc duy nhất mà tôi duy trì chỉ là quét nhà và vệ sinh thân thể.

Một cuộc sống bình thản.

Từ đó, tôi quyết định bán, hoặc cho đi đi từng món đồ một: Từ đĩa CD cho đến quần áo cũ, từ tablet đến dàn PS một thời tôi rất yêu quý, thậm chí đến sách vở báo chí không đọc nữa cũng đi luôn. Thứ cuối cùng còn lại, ngoài những vật dụng thiết yếu, chỉ là cái laptop và điện thoại.

Tôi thề rằng, những trải nghiệm khi cho đi từng món, từng món một mà một thời gắn bó như máu thịt của mình, thực sự là những trải nghiệm có một không hai trong cuộc đời. Thực tế mà nói, tôi từng tự hào vì có một chiếc tivi xịn, một chiếc điện thoại mốt, hay một dàn âm thanh chất lượng. Nhưng điều đó chẳng có ý nghĩa gì cả nếu tôi không thật sự cần nó nữa. Giống như bạn chỉ xem bóng đá một mình, thì chiếc tivi 50 inch rõ ràng là không cần thiết, hay mục đích chính của bạn chỉ là check mail, thì chiếc smartphone dát vàng chẳng hề giúp công việc thuận lợi hơn. Đại loại như thế. Bởi vì hạnh phúc đến từ những trải nghiệm, không phải từ tài sản.

- Điều đó hoàn toàn không đồng nghĩa rằng bạn cần phải vứt bỏ hầu hết mọi thứ để cố gắng sống một cuộc sống đơn giản? Vấn đề là, bạn phải xác định được rằng, đâu là nhu cầu tối thiểu của mình, đâu là thứ khiến cuộc sống của bạn trở nên rườm rà.

- Đúng là như vậy! Nếu như đầu giường tôi chất hàng đống sách nhưng tôi không bao giờ đọc chúng, hoặc có thể dễ dàng đọc được trên laptop, tôi sẽ không ngần ngại quẳng cuốn sách vào sọt rác. Thú vui sưu tầm sách có thể khiến bạn trông có vẻ trí thức hơn trong mắt những vị khách, nhưng nó thực sự rườm rà khi buộc bạn phải quét bụi hằng ngày, kiểm tra mối mọt hàng tuần và sắp xếp đi sắp xếp lại tủ sách bất cứ khi nào có thêm một cuốn sách mới.

Tôi cũng hạn chế luôn thời gian mua sắm. Hàng tá thứ giảm giá cồng kềnh khiến cho căn phòng của tôi chật cứng. Mọi thứ đều có thể nhiều lên, nhưng căn phòng bạn thì vĩnh viễn không thể rộng ra. Thật phiền phức khi phải sống trong một không gian nhỏ hẹp với hàng đống đồ đạc xung quanh. Dù cho có cố sắp xếp thế nào, chúng cũng trông quá bề bộn.

- Nếu tiếp tục mở rộng vấn đề này ra, tôi tin rằng ngay cả những mối quan hệ rườm rà cũng cần phải bị cắt bỏ. Tôi đã từng luôn là một người theo chủ nghĩa nhu cầu tối thiểu về mặt vật chất khi quyết định chỉ đi Sirius để phục vụ nhu cầu di chuyển thay vì một chiếc tay ga đắt tiền nào đó (thêm vào đó, sự giản dị và tông màu đen của nó cũng đặc biệt khiến tôi yêu thích), một chiếc smart phone chỉ có thể truy cập internet để check email và chạy một số ứng dụng nhắn – nhận tin kiểu như Zalo, một đôi giày êm ái để tránh đau chân khi di chuyển quá nhiều, một laptop đã dùng đến hơn 10 năm nay để soạn thảo văn bản và chạy một vài ứng dụng đơn giản. Tôi không sử dụng máy lạnh hoặc máy quạt vì cảm giác chúng gây phiền nhiễu nhiều hơn là có ích. Tôi duy trì thói quen viết blog – liên lạc facebook nhưng chỉ để thỏa mãn thú vui viết lách và không bao giờ quan tâm đến kỹ thuật SEO như nhiều người khác... Đại để vậy.

Nhưng tôi không thể thực hành nguyên tắc tối thiểu này trong phạm vi các mối quan hệ. Tôi có khoảng một triệu các mối quan hệ nhạt nhẽo, một chiều, và thậm chí ít thân thiết đến mức hai bên gần như không biết nhau tên gì, không thể ngồi yên lắng nghe đối phương nói chuyện, hoặc đôi khi chỉ xuất hiện để... nhờ vả và biến mất ngay sau đó mà không một lời cảm ơn. Thật khó có thể thay đổi một quan niệm đã ăn sâu vào tâm trí tôi thuở nhỏ rằng: “Chỉ khi ai đó cần bạn, bạn mới thực sự tồn tại”. Nhưng mọi thứ có thể thay đổi, khi mà tôi bắt đầu lười biếng hơn, dễ mệt mỏi hơn, và nhận nhiều hụt hẫng hơn khi cố gắng duy trì mối quan hệ nào đó. Một sự cố chấp có giới hạn.

Một điều thậm chí còn siêu hình và siêu lý thuyết hơn nữa chính là: Một loạt các lý thuyết được cho là mới mẻ và hấp dẫn nhất hành tinh sinh ra từ các nền Giáo dục – Thương mại là Hậu thuộc địa, Nữ quyền, Sinh thái học, Văn hóa học và Phản biện lịch sử: Những thứ vô dụng, rườm rà và ngớ ngẩn nếu bạn thực sự hiểu được bản chất của chúng – Loạt nguyên tắc quyền lực và uy tín của Foucault và Lebon. Trừ bỏ toàn bộ chúng sẽ khiến đôi mắt bạn thấu suốt và trí não bạn thong dong. Bạn nhận ra rằng những thứ màu mè đều vô nghĩa. 

“Tình yêu là sự hòa hợp của con tim và cảm giác bình yên khi bên cạnh nhau chứ không phải là khoái cảm xác thịt” (Rousseau). 

Một cô gái đáng được yêu vì cô ấy có ánh mắt biết nói và một nụ cười đẹp (đối với riêng mỗi người) chứ không phải làn da trắng, thân hình bốc lửa và đôi môi ngọt lịm. Tôi có thể dễ dàng thừa nhận bản năng tính dục của mình khi tiếp xúc với những cô gái quyến rũ hoặc chỉ có đủ quần áo – dáng điệu để hứa hẹn một cuộc truy hoan hoàn hảo, nhưng vĩnh viễn không bao giờ thừa nhận tình yêu thương, thái độ tôn trọng và sự ấm áp của tâm hồn đối với họ. Với tôi, sắc đẹp vô nghĩa trong tình yêu.

- Quay lại với Minimalism, dường như nó không còn là một cách tiếp cận cuộc sống?

- Nó còn là một cách để thấu suốt thế giới nữa! Những người có đủ hiểu biết luôn yêu thích sự giản dị, mặc dù căm thù mọi thứ tầm thường. Giản dị và tầm thường là hai thứ hoàn toàn khác nhau. Mọi ý muốn, hành động có thể đạt được mục đích một cách trực tiếp và không cần tư duy đều thuộc khái niệm tầm thường. Còn giản dị, mặc dù cũng không hề xa lạ, không trau chuốt màu mè, cũng như không phức tạp ẩn nghĩa, nhưng lại không thể phù hợp với những kẻ không có tư duy. 

Nói một cách đơn giản hơn, tầm thường khiến bạn bật cười trước khi kịp kết thúc câu nói, còn giản dị khiến bạn phải ngẫm nghĩ rồi mới khẽ mỉm cười.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét