Vì sao tôi ghét bìa "Truyện Thúy Kiều"?

Vốn là một câu chuyện nhỏ, nhưng viết thành cmt trong post của Hạ Nguyên thì dài quá, mà bản thân mình thì (dạo này) không thích tranh luận lắm, nên thôi nhét vào album "nhiều chuyện" cho tiện. Dù gì lâu lắm mình cũng không có một buổi "trò chuyện cuối tuần" nào.


Tôi đọc Kiều từ khá sớm. Hồi cấp 1 thì đọc "Cành lê trắng điểm một vài bông hoa", đến tầm lớp 9 thì lần đầu đọc cả cuốn. Tôi thích con gái, mới mẻ, tinh tế, và tươm tất, và vì thế, tôi suýt khóc đến hai lần vì "thương thay một đóa Trà Mi, con ong đã tỏ đường đi lối về". Tất nhiên, bạn biết đấy, không dễ để điên loạn như Bùi Giáng bật tung cửa sổ nhảy ra bên ngoài, nhưng để vài người bạn thân thiết ấu thơ cười ngặt nghẽo vì mau nước mắt thì cũng đơn giản thôi!

Tôi yêu Kiều thứ tình yêu gần như say mê. Hai mươi lăm tuổi, tôi vẫn miệt mài tìm kiếm hình ảnh của một người con gái như nàng, không nhất thiết phải "làn thu thủy nét xuân sơn, hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh", cũng không nhất định là "cung thương làu bậc ngũ âm", mà là một thứ gì đó giản dị hơn như thế, nhưng tinh tế và sâu sắc hơn thế.

Thứ gì đó nửa ngọt ngào nửa đanh đá như ánh mắt người con gái nhìn tôi trong một ngày tôi nắm tay ả mà chợt ngỡ lối sang vườn thúy.

Thứ gì đó nửa hoảng loạn nửa rắn rỏi biến cuộc đời thành một mảnh đò đưa.

Và thứ gì đó vừa bụi bặm vừa đoan trang mỉm cười trước trang tuấn kiệt mày ngài mắt phượng.


Nàng tối tăm, nàng bẩn thỉu, nàng u lãnh, nhưng nàng là con gái, mới tinh và tươm tất, luôn mới tinh và tươm tất ngay cả khi bị hàng nghìn đôi mắt lột trần cơ thể, hàng trăm gã đàn ông giày xéo. Có những người ngược lại, họ hóa thành đàn bà ngay cả khi vẫn còn trinh. Trinh tiết, đó là thứ gì đó gần giống như một phạm trù.

Tôi ám ảnh vì nàng. Ánh mắt nàng trong những giây phút cuối cùng tiễn biệt Thúc Sinh làm tôi say đắm nhiều đến mức thơ của Du Tử Lê mãi sau này cũng làm tôi nhớ đến nàng:

"Em áo lụa dáng gầy hơn bóng núi,
Rừng ơi rừng cây đợi đã bao năm"

Thế nên, Nhã Nam đã khiến tôi tràn ngập một thứ cảm giác gì đó tương tự như là sự chán ghét. Ảnh bìa đương nhiên không phải do họ vẽ. Nội dung ảnh cũng không phải quá tục. Nhưng cơ bản là, họa sĩ người ta vẽ đàn bà, còn Kiều vĩnh viễn là một người con gái mới tinh (và, chỉ là, không còn trinh). Bạn biết đấy! Cái ảnh bìa ấy, nhìn thế nào cũng không ra "trong ngọc trắng ngà" chi cả! Có lẽ, họa sĩ và Tố Như có hơi hiểu lầm nhau đôi chút, rằng "dày dày sẵn đúc" không phải là một ngữ tượng hình.

Bạn ngó sang nhìn tấm ảnh sẽ thấy! Dù sao thì Kiều cũng không phải người thời Đường (nàng sinh vào thời Minh), mà cái thân thể sồ sề đó tất nhiên chẳng quá giống với một người con gái vạn người mê. Nó giống đàn bà, cũ kỹ, và tâm hồn rách nát hơn...

Điều đó cũng giống như "xè xè nấm đất bên đường" không phải là ngữ tượng thanh vậy! Cười!


Nhưng ngoài ra thì Nhã cũng không đến nỗi tệ lắm! Tôi đoán vậy! Một thứ hình ảnh có đôi chút sexy để câu được không ít những cái gật đầu của đám trẻ đam mê ngôn tình 18+ và thời đại truyền thông sặc mùi giới tính không thông qua giáo dục, một cái tên không đáng bị tranh cãi mấy vì chỉ thêm đúng một tiếng không ảnh hưởng quá nhiều đến nội dung. 

Chán thật! Thời nào cũng vậy, người yêu Kiều thì ít, mà muốn mang bộ ngực và và "cái lỗ" của nàng ra buôn bán thì chẳng bao giờ thiếu. Hai trăm năm trời, nhan sắc nào mà bán mãi không phai như thế?

Đăng nhận xét

0 Nhận xét