Chiến thắng sự nhút nhát - Phần 2: Nghĩ đúng

Trong phần 1, Lesor tôi đã nói về những thói quen tốt mà bạn nên bắt đầu để tạo nền tảng cho con người tự tin (là bạn) trong tương lai. Đến phần thứ 2 này, tôi muốn bạn cùng chia sẻ với tôi một số điểm mấu chốt của phong cách tư duy mà bạn nên có.

Xem lại phần 1: Xây dựng nền tảng

Hiểu rằng sự nhút nhát là bình thường

Một trong những điều khiến việc chiến thắng cảm giác nhút nhát trở nên vô cùng khó khăn chính là, những người ngại giao tiếp tin rằng, họ khác biệt với đa số người khác, và chỉ bản thân họ mới phải những vấn đề lo sợ giao tiếp thực sự khủng khiếp. Kết quả là, dù người khác có khuyên can cỡ nào, thì họ cũng sẽ một mực tin rằng người khác không thể hiểu được những khó khăn của họ. Và tất cả những lời khuyên, vì thế, đều vô ích.

Điều này cũng giống với tất cả trường hợp đại loại như khuyên giải các cô gái, đàn bà, và phụ nữ. Phụ nữ họ luôn tin rằng, họ là một cá thể độc lập độc đáo không lặp lại, đến mức tất cả đàn ông trên thế giới đều không thể hiểu được họ, thậm chí, cả những cô gái khác, đôi khi cũng không thể hiểu luôn. Kết quả là, nỗi đau của họ luôn lớn hơn người khác, khó khăn mà họ đối mặt luôn khắc nghiệt hơn người khác, đôi khi, chuyện đứt tay của họ cũng nghiêm trọng hơn nhiều so với người khác.

Các cậu trai mới dậy thì cũng thuộc loại này. Và ví dụ, cũng y chang.

Thực tế là hầu hết mọi người đều phải đối mặt với cảm giác sợ hãi giao tiếp trong suốt cuộc đời họ! Dù bạn có là một chuyên gia diễn thuyết trước đám đông, người hùng, nhân vật của công chúng, hay bất cứ một vai trò đặc biệt phải làm việc thường xuyên với cộng đồng nào đó chăng nữa, thì chuyện ngại ngùng, thậm chí lo lắng, bồn chồn, sợ hãi trước khi tiếp xúc với người khác cũng là điều hết sức bình thường (và thường xuyên). Vấn đề là, khác với bạn, họ có thể khống chế sự sợ hãi, và chiến thắng nó.


Nghe có vẻ giống như một cuốn sách self help phổ thông, nhưng nếu họ làm được, vì sao bạn không thể?

Ít nhất, bạn cũng phải tự hiểu rằng, cảm giác sợ hãi của mình là chuyện ai cũng gặp phải, là điều bình thường như ban đêm trời không nắng vậy.

Lặp đi lặp lại trong đầu: Xấu hổ không chết được

Ngại giao tiếp xã hội có nguồn gốc sâu xa từ vô thức thức tự vệ để tăng khả năng sống sót trong môi trường xã hội nguyên thủy. Cảm giác sợ hãi này phản xạ tự nhiên để đảm bảo rằng chúng ta không đi quá xa khỏi khu vực an toàn, qua đó tránh được các nguy cơ bất thường. Chính vì điều này, mặc dù đã trải qua hàng trăm nghìn năm, khi mà môi trường sống đã trở nên tương đối an toàn và không phải lo lắng về các mối nguy hiểm tự nhiên, bộ não của chúng ta, theo thói quen, vẫn không ngừng tạo ra cảm giác căng thẳng khi đối mặt với những điều mới lạ, khó kiểm soát, hoặc nhiều nguy cơ.

Mặc dù đôi khi nguy cơ đó chỉ đơn giản là sự xấu hổ khi bị từ chối, hoặc bị chọc ghẹo, hoặc gì đó tương tự vậy, trong giao tiếp.

Vậy làm thế nào để bạn vượt qua bản năng nguyên thủy vốn đã trở nên quá lỗi thời trong môi trường xã hội hiện đại, từ đó giảm bớt gánh nặng sợ hãi giao tiếp?

Thời gian gần đây, nhờ tham gia các chương trình luyện tập thể hình để giảm cân, nâng cao sức khỏe, cải thiện thể chất, tôi phát hiện ra rằng, nếu như người ta có thể dùng các kỹ thuật huấn luyện đặc biệt để đánh lừa não bộ, từ đó nâng cao thể lực và cải thiện sức bền bằng cách đánh lừa bộ não, vậy thì họ cũng có thể làm tương tự với tâm lý, hay cụ thể hơn, là cảm giác sợ hãi.

Lý thuyết của các huấn luyện viên thể hình là, khi tập thể dục, bộ não sẽ thông báo rằng chúng ta đã kiệt sức ngay khi cơ thể chưa thực sự đi đến giới hạn. Người ta gọi hiện tượng này là cơ chế phản vệ nhằm lưu giữ nhiên liệu sinh lý để tăng khả năng sống sót trong tự nhiên (tương tự như cơ chế tự động shut down khi chỉ còn 20% pin của máy tính.


Điều này có nghĩa là, những mệt mỏi, đau đớn từ buổi luyện tập là không có thực, và bạn hoàn toàn có thể tập tiếp. Ngoài ra, bạn không phải là cái máy tính. Cái máy tính dùng hết pin hoài sẽ hỏng, còn các sinh thể, thì càng tiến gần đến giới hạn, bạn càng khỏe hơn.

Tương tự với vấn đề giải quyết sự nhút nhát tâm lý. Giống như khi tập thể dục, não bộ của bạn luôn phản ứng thái quá đối với các nguy cơ giao tiếp, khiến bạn vô thức tin rằng có điều gì đó sẽ đe dọa đến tính mạng nếu bạn tiếp tục.

Nhưng làm gì mà tệ đến thế? Bạn vẫn có thể tiếp tục. Và xấu hổ không thể giết chết bạn (trừ khi bạn cố ý tự sát, không vì lý do gì cả).

Nếu bạn tạo ấn tượng xấu ngay trong lần đầu gặp mặt với crush của bạn, điều gì sẽ xảy ra? Ờ! Tất nhiên người kia sẽ nghĩ bạn hơi kỳ quặc, đôi khi sẽ hơi khó chịu một chút. Nhưng vậy thì sao? Bạn không thể chết, bạn cũng không thể mất người yêu chỉ vì 1 lần gặp. Nếu cô gái trong mơ của bạn không chịu đi cafe với bạn, điều tồi tệ nhất là gì? Bạn mãi mãi sẽ không có vợ à? Không! Có hàng tỷ người phụ nữ khác ở ngoài kia đang chờ đợi được sống một cuộc sống hạnh phúc mà bạn có thể tìm đến. Đó là chưa kể, nếu bạn dũng cảm hơn, bạn ít nhất cũng không tệ như lúc đang nhút nhát đứng đợi ở đây và không làm gì cả.

Vì vậy, nếu bạn cảm thấy căng thẳng trước, trong hoặc sau khi giao tiếp, hãy liên tục nhắc nhở bản thân rằng những khoảnh khắc khó xử này không làm bạn chết ngay lập tức như não bộ đang cố lừa dối bạn. Khi bắt đầu cảm thấy những cảm giác lo lắng, ngại ngùng, hãy tiếp tục lặp lại trong đầu: Tốt! Mọi thứ đều ổn. Đây không phải là 10 nghìn năm trước công nguyên, vậy nên bộ não ơi hãy bình tĩnh! Mình sẽ không chết được!


Nếu ai đó không thích mình cũng không sao (dù sao thì bạn cũng có thích tất cả mọi người đâu)

Một phần của sự lo lắng bắt nguồn từ một thực tế khá phi lý là, người ta luôn muốn tất cả mọi người phải yêu thích mình, và chỉ cần một ai đó không thích mình thôi, thì cũng là thảm họa. Tại sao anh ấy không nghĩ mình tuyệt vời? Tại sao cô gái kia không phát cuồng lên vì mình? Tại sao họ không quan tâm tới tôi?... 

Thế nhưng, nếu như tự hỏi lại chính mình, thì bạn có thích tất cả mọi người trên thế giới này không? Tôi nhắc lại: Cả hơn 7 tỷ người trên cái hành tinh này!

Nếu không, thế thì tại sao bạn lại đau đớn khi phát hiện có ai đó không thích bạn?

Thực sự thì chẳng có chuyện gì xảy ra ở đây nếu ai đó chẳng may không thích bạn, hay thậm chí là ghét bạn. Chín người mười tính. Nếu bạn không hợp với một số người, và chuẩn bị đau lòng vì điều đó, hãy nhớ rằng, bạn cũng đã từng ghét cay ghét đắng một kiểu người nào đó. Trên đời này làm gì có chuyện kiểu người này thượng đẳng hơn kiểu người khác! Vậy nên, thay vì đau khổ vì một người không thích mình, hãy vui mừng vì mình sớm nhận ra họ không phù hợp để tiếp tục giao tiếp.


Đón đọc phần 3: Tập luyện không ngừng

Đăng nhận xét

0 Nhận xét