Chữ người tiếng ta, hay là câu chuyện của PGS Đoàn Lê Giang

Thực ra thì chuyện này kể ra thì cũng lâu rồi, mà bận đủ thứ nên chẳng viết được.



Đầu đuôi câu chuyện, thôi thì cảm phiền mọi người, nếu như chưa phải rành rẽ lắm, thì có thể đọc bài báo trên Vnexpress trước rồi mới quay qua đây đọc chơi cho vui:


Cần có chữ Hán để bảo vệ tiếng Việt à? Nghe có vẻ... buồn cười trái khoáy nhỉ? 

Trừ phi bạn là một người có kinh nghiệm làm việc lâu năm với văn chương, hoặc thứ gì đó đại loại như thế, có phải bạn cũng nghĩ đây là một trò đùa, hoặc một cách nói đáng bị chỉ trích vì "sùng Tàu" hay không?

Ngoài ra thì khi bắt đầu đọc bài viết này, có lẽ bạn, nếu như biết đại khái về tôi, hẳn cũng sẽ cười khẩy mà rằng: Gã này đang viết bài bênh vực cho thầy hắn đấy thôi! Khua môi múa mép chẳng cần quan tâm làm gì. Nhưng đó là chuyện của bạn. Thầy tôi về cơ bản không cần tôi bênh vực. Thêm nữa là hiện tại công việc của tôi cũng chẳng dính dáng mấy tới Hán Nôm học, vậy nên bênh vực cũng chẳng làm gì.

Thế nên nếu bạn không phải là người tìm kiếm điều gì đó đúng đắn, mà chỉ chăm chăm quan tâm tới việc chỉ trích cá nhân dựa trên nhân thân và tiểu sử của họ như ai kia, vậy thì bài viết này không dành cho bạn. Đúng ra thì cả blog này, dù có hơi bụi bặm vì ít được quan tâm đôi chút, cũng không dành cho bạn.

Có điều, nếu bạn là một người thực sự sáng suốt, biết cách nhìn xa trông rộng, biết phân biệt phải trái, và sẵn sàng tranh luận một cách công khai đầy nam tính, vậy thì chắc chắn bạn sẽ quên mất không cười khẩy vào xuất thân của tôi để đọc lướt qua xem tôi đang cố gắng nói điều gì, vậy thì bạn chính là đối tượng của bài viết này! Tôi hết sức hân hạnh được chào đón bạn tại đây, và hi vọng rằng những gì mình viết ra không khiến bạn gặp bất kỳ khó khăn nào khi đọc.

1. Tiếng Việt và chữ Hán

Mối quan hệ này thì chắc ai cũng biết rồi! Tiếng Việt (nói đúng hơn là ngôn ngữ Việt) là một thứ ngôn ngữ. Mà ngôn ngữ thì gồm nói - nghe (tiếng) và viết - đọc.

Trước đây thì tiếng Việt (ngôn ngữ Việt) không có phương tiện ghi chép nên phải mượn chữ Hán (văn tự Hán), rồi thì chế thêm chữ Nôm (văn tự Nôm) để truyền bá. Sau đó khi các giáo sĩ phương Tây đến, họ học chữ Nôm không tiện, nên chế ra chữ Quốc ngữ (văn tự Quốc ngữ) để tiện ghi lại âm tiếng Việt theo cách hiểu của họ. Để hình dung kiểu chế chữ này thì cũng dễ thôi! Lúc nhỏ mới đi học tiếng Anh, chắc mọi người đều từng thử qua trò "ghi chú cách đọc tiếng Anh bằng tiếng Việt" kiểu:

- Gút mo ninh tích chờ (Good morning teacher)
- Nai tu mít du (nice to meet you)

Mấy ông phương Tây ổng cũng làm như thế!

Sau này thì các cuộc vận động Duy Tân, trong đó quan trọng nhất là của Phan Chu Trinh, bắt đầu đề xướng lấy cách phiên âm này làm văn tự viết chính thống cho người Việt luôn! Lý do là chữ Hán - Nôm quả thực quá phiền phức, khó truyền bá rộng rãi, thiếu khoa học... nói chung là về mức độ phổ thông mà nói thì thua xa văn tự Latin.

Chỉ có điều, văn tự là xương sống của văn minh, cũng giống như ngôn ngữ là khung sườn của văn hóa vậy.

Một khi thay đổi văn tự, bạn đã phải chấp nhận một sự thật rằng nền văn minh mà bạn xây dựng sẽ không còn bất kỳ can hệ nào với quá khứ nữa! Bạn phải làm lại, tất cả từ đầu.

Tất nhiên với tiếng Việt thì mọi thứ không phải nghiêm trọng đến thế! Sự thật là, chữ Quốc ngữ chỉ đơn giản là một thứ văn tự ký âm bình thường. Nó gần như không hề mang theo bất kỳ ý nghĩa hình tượng nào (trừ một số rất ít các từ tượng thanh và tượng hình), cũng không bắt nguồn từ các hình ảnh trong tiếng Latin cổ như các ngôn ngữ phương Tây. Nói cách khác, nó đơn giản chỉ là một cái vỏ rỗng của Latin, và phần hạt nhân (ý nghĩa) thì vẫn thuộc về Hán y như một nghìn năm trước.

Chính vì bản chất này, cho nên văn minh Việt Nam về cơ bản vẫn không phải đứt tiệt với quá khứ ngay cả khi thay đổi văn tự. Ví dụ cho dễ hiểu:

- "Ngôn ngữ": Nhìn cái chữ này thì ai cũng biết nó được viết bằng các ký tự Latin, nhưng đó chỉ là bề ngoài! Bên trong nó phải được hiểu là 语言 (chữ Hán, phát âm là ngữ ngôn), vì từ "ngôn ngữ" vốn chẳng liên quan gì đến từ "Lingua" trong tiếng Latin cả! So với Language trong tiếng Anh, hay Lengua trong tiếng Pháp, hình như chữ "ngôn ngữ" này có cái gì đó sai sai đúng chứ?

Nói cách khác, nếu muốn biết tại sao "con rồng" lại là "con rồng", thì phải đi tìm chữ "龍" (long) trong tiếng Hán, chứ đừng cố đi tìm ở chữ "Draco" trong tiếng Latin. Con rồng ở ta về cơ bản là một con thuồng luồng có thể cưỡi mây bay và phun nước. Trong khi đó, con Draco trong Latin có nghĩa là một con Dinosaurum (thằn lằn cổ đại) có cánh và phun lửa. Nếu đi tìm trong tiếng Latin - ngôn ngữ gốc của văn tự, thì chỉ có lầm đường lạc lối, sau đó đi đến một thứ khá tồi tệ là làm hủy diệt nền văn minh.

Có vài người sẽ cười bảo rằng: Chỉ là hiểu sai vài chữ, nền văn minh sao có thể hủy?

Có một ví dụ nhỏ sẽ làm bạn suy nghĩ lại cho chuyện này:

Thời Nam Đường, mấy ông vua thích nhất là là múa hát. Nhất là ông Lý Dục. Ông này có thời thích cái vũ điệu nhảy múa trên hoa sen (tất nhiên là hoa giả, nhưng cũng to bằng hoa sen). Vì hoa sen nhỏ, nên cô nào chân càng nhỏ, bước đi càng dịu dàng tha thướt, thì càng đẹp. Chuyện này sau thành giai thoại, thành ra toàn Trung Quốc bắt đầu chuộng đi hài nhỏ (giống giày búp bê bây giờ), và xem các cô gái chân nhỏ là chuẩn mực cái đẹp (giống vụ chân dài ở ta bây giờ). Truyện Tấm Cám cũng có khá nhiều ảnh hưởng từ cái tục này.

Từ đó thì người Tàu sinh ra cái truyền thống bó chân. Không phải để chân nhỏ lại, mà là để bàn chân khum lại cho vừa đôi hài tròn như cánh sen, đồng thời để bước đi uyển chuyển hơn giống như đi qua các bông sen vậy.

Tục này duy trì cho đến hết thời Nam Tống mà chẳng có tí than phiền nào.

Thế nhưng sau đó thì xong rồi! Mông Cổ tràn vào xóa đi cả tấn văn tự. Mấy trăm năm triều Nguyên làm nhiều tục lệ của người Tàu chẳng còn cách nào khác để lưu trữ ngoại trừ trí nhớ của các ông bà già. Câu chuyện kho cá lại tái hiện, nhưng với một chiều hướng chẳng tốt đẹp mấy.

Mấy trăm năm sau, sau khi đẩy lùi ngoại bang ra khỏi bờ cõi, chính phủ nhà Minh mới cho thu thập lại một số tục lệ cổ để phát triển lại (đậm đà bản sắc dân tộc mà). Trong số các tục lệ được khôi phục, có tục bó chân.

Có điều tục bó chân này, trải qua mấy đời chỉ được truyền miệng chứ chẳng có văn tự nào ghi chép cho tường tận, thành ra hơi khác một tí: Người ta nghĩ rằng: Bó chân nghĩa là bó riết lại cho chân nhỏ xíu, càng nhỏ thì càng đẹp. Logic mà!

Sau đó thì bạn biết rồi đó! Người Trung Quốc phát điên vì tục bó chân. Hàng nghìn, thậm chí hàng triệu cô gái đã tự làm thương tật đôi bàn chân, chẳng vì điều gì cả ngoài sự dốt nát của xã hội. Chuyện này về sau cũng được giải quyết, nhưng là giải quyết theo cái kiểu: Hủ tục phải bỏ, chứ chẳng thèm xem thử nó hay dở tốt xấu gì. Rốt cục một nét đẹp văn hóa bị giết chết.

May mà mới một chuyện. Và cũng may là người Tàu họ chưa có đổi văn tự, chỉ mới có đốt vài ba cuốn sách thôi mà đã vậy!

Giờ thì tiếng Việt đổi chữ. Đọc ngôn ngữ ký âm đó, muốn hiểu nghĩa còn khó, huống chi là hiểu đúng.

2. Chuyện bọn Nhật bọn Hàn nó học chữ Hán vì ngôn ngữ viết của nó trích từ Hán tự

Cái này sai lè! Ai cũng biết tiếng Nhật với tiếng Hàn, về cơ bản là loại ngôn ngữ ghi âm! Giống như đã nói ở đầu: Ghi âm (văn tự Hiragana trong tiếng Nhật và Hangul trong tiếng Hàn) hoàn toàn có thể thể hiện toàn bộ ý tưởng và ngôn ngữ của người Nhật - Hàn ra chữ viết mà không cần phải động vào bất kỳ chữ Hán nào! Tất nhiên, bạn cũng có thể vô tình nhìn ra rằng 2 loại chữ này khá giống chữ Hán. Nhưng đó là vì bạn không có hiểu biết, dân gian người ta gọi là ngu, vì các loại chữ này chẳng có mấy điểm chung cả! Thâm chí nói quá lên một tí thì nó còn khác nhau y như chữ Latin khác chữ... Thái Lan vậy.

Thế nhưng thực tế thì người Nhật và người Hàn họ vẫn dùng chữ Hán trong ngôn ngữ bình thường cũng như khi học hành. Lý do là gì bạn biết không? Không phải vì chữ thiếu, mà là vì Dùng chữ Hán giúp việc đọc hiểu trở nên cực kỳ dễ dàng, nếu chỉ viết chữ Ghi âm không sẽ khó đọc vì không biết từ bắt đầu và kết thúc ở đâu, và cuối cùng là chữ Hán không hề khó học. Đây là điều được chính ngành giáo dục của họ thừa nhận.

Nói cách khác, nếu tiếng Việt của ta mà dùng lẫn chữ Hán giống như người Nhật đang dùng trong văn tự của họ thì nó sẽ trông thế này:

- Đây là một lọ 香水 rất đắt tiền. Đương nhiên bạn cũng có thể viết: "Đây là một lọ nước hoa rất đắt tiền", nhưng nếu bạn viết "nước hoa" thay vì 香水, bạn có thể nhầm với nước nhỏ ra từ bông hoa chứ không phải chiết suất hương hoa, vậy nên nếu là người Nhật, bạn không thích làm thế.

Tất nhiên là sẽ không có chuyện ta sử dụng xen chữ Hán vào ngôn ngữ của mình như thế này! Nhưng ít nhất, bạn cũng thấy rằng chuyện người Nhật họ học chữ Hán là vì học chữ Hán cần thiết cho họ, chứ không phải vì văn tự của họ gắn với chữ Hán.

3. Chuyện tiếng Việt vốn đa nghĩa

Cái này cũng sai luôn! Đúng là tiếng Việt đa nghĩa thật! Nhưng lý do mà bạn cần chữ Hán không phải là nhắm tới những chữ đa nghĩa đó, mà là những chữ đồng âm khác nghĩa. Nếu bạn không biết thì tôi có lý giải ngay dưới này đây:

Khác với chữ Hán - Nôm, loại chữ mà nếu biết thì nhìn ra nghĩa luôn, chữ Quốc ngữ khá là phiền phức! Bạn nói "đá", thì nó có nghĩa là "dùng chân tác động mạnh vào một thứ gì đó", hay là "một khối vật chất cứng có nhiều trong tự nhiên"? Bạn có thể nói từ đó "đa nghĩa". Nhưng thực ra nó vốn là 2 từ khác nhau, chỉ là đọc lên nghe giống nhau thôi! Người ta gọi là đồng âm khác nghĩa. Thực ra chỉ có mỗi tiếng Việt mới có loại từ này.

Các ngôn ngữ hệ Latin cũng có khái niệm "đa nghĩa", nhưng đó là từ 1 nghĩa suy dần cho rộng ra các nghĩa liên quan. Giống như "thơm", ban đầu có nghĩa là mùi hương dễ chịu, sau mở rộng ra là những thứ tuyệt vời (kèo thơm, tình huống quá thơm...). Còn chuyện "thơm" là "quả dứa", thì lại là chuyện khác.

Kiểu như 2 từ gần âm "Hour" và "Our", 2 từ này có nghĩa hoàn toàn khác nhau giống kiểu thơm (quả dứa) và thơm (mùi hương), nhưng cơ bản thì nó vẫn viết khác nhau.

Như đã nói từ đầu, chữ Quốc ngữ vốn chỉ là để ký âm cho dễ học tiếng Việt, nên chuyện từ này giống từ kia mà nghĩa khác hẳn là chuyện tất nhiên phải có. Giống như khi ta phiên âm chữ "Hour" và "Our" cho người Việt dễ đọc, thì đằng nào cũng phải phiên là "Ao-ơ". Tiếng Anh họ đâu có giống thế.

Bởi vì tiếng Việt vốn cũng đâu có giống! Chỉ là lỗi của văn tự không thể hiện tốt mà thôi!

Nếu là chữ Hán thì nó có bộ thủ rõ ràng, nhìn ra ngay còn gì!

Vậy nên học chữ Hán - Nôm, có thể nói là chuyện nhất định phải làm để tránh ngu dốt hóa một dân tộc, cắt đứt quá khứ để thậm chí còn không được bắt đầu từ con số không vì dân gian vẫn cứ lưu giữ truyền thống của họ, vậy nên nếu không có hiểu biết, thì mọi truyền thống đều ngấp nghé nguy cơ trở thành tục bó chân tiếp theo. Tồi tệ tiếp theo là, vì bản chất văn hóa phương Đông là phản ứng kháng cự với cái mới, vậy nên nếu bạn thấy nó xấu, bạn yêu cầu xóa bỏ, thì bạn phải chống lại cả một xã hội. Cường quyền cũng được, nhưng sẽ hơi nhiều máu một chút.

4. Nhưng tôi nghĩ, cũng chẳng nên học chữ Hán mà làm gì

Hồi đi học đại học, về cơ bản thì vì là một sinh viên Hán Nôm, tôi vẫn thường được nghe quý thầy nhắc đi nhắc lại rằng: Học chữ Hán - Nôm (chứ không phải học tiếng Trung Quốc, khác nhau này chắc mọi người đều biết, nhưng nếu không may mà quên thì tôi sẽ chú thích ở cuối bài), là để sử dụng tiếng Việt cho chính xác. Tất nhiên tôi chẳng phải mẫu sinh viên ngoan hiền gì mấy, nên cũng kiểu nghe lỗ tai này lọt qua lỗ tai kia.

Tôi cũng rất ít thiện cảm với những người, kể cả thầy tôi, và nhiều nhà nghiên cứu giáo dục khác, vin cớ rằng ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và các nước phương Tây đều chủ động dạy ngôn ngữ gốc cho học sinh từ thời phổ thông để tránh "hủy diệt ngôn ngữ", cũng như tạo ra các "tục bó chân" phiên bản hiện đại. Cá nhân tôi là một người có rất ít ý tưởng liên quan đến sự mô phỏng. Không phải những người giỏi hơn bạn làm thế, thì nghĩa là bạn nên làm thế! Tôi thích Lenin, nhưng cái câu "Không thể làm cách mạng bằng một chiếc găng tay sạch bóng" làm tôi không ngửi nổi. Ngoài ra thì, tôi cũng tin rằng mình có thể làm tốt những điều mà Lenin làm tốt theo cách của tôi và phù hợp với tôi.

Tôi tin rằng, Hán Nôm là một môn học tối quan trọng trong bất cứ một chuyên ngành liên quan tới văn hóa - nghệ thuật - ngôn ngữ nào! Tôi nói thẳng ra là tôi hoàn toàn không có bất kỳ thiện cảm nào với những người đi học văn hóa - nghệ thuật ngoại lai (Trung Quốc - Đông Á - Phương Tây...) mà không biết cách hướng nó, bằng cách nào đó, về văn hóa - nghệ thuật dân tộc! Tôi ghét những thứ vô nghĩa đó cũng nhiều như ghét sự ngu dốt và cạn nghĩ. Và vì thế, nếu muốn đi đâu đó trên con đường liên quan tới văn hóa - nghệ thuật - ngôn ngữ, thì Hán Nôm là thứ bạn chắc chắn phải biết. Nếu không thì chỉ có một đường thôi!

Thế nhưng với đối tượng phổ thông, điều này hoàn toàn không hề đúng một chút nào! Bạn đi học hết mười hai, sau đó học một thứ gì đó liên quan đến khoa học kỹ thuật hoặc điện tử, hoặc thứ gì đó không liên quan nhiều đến văn hóa, và yêu cầu tối đa của bạn đối với ngôn ngữ, chỉ đơn giản là viết không sai, nghĩ không... tầm bậy, và không chỉ trích người khác vô tội vạ vì sự dốt nát chả chính bạn, vậy thì học chữ Hán thực tế là không cần thiết! Vì sao?

- Thứ bạn học ở chữ Hán không phải là: Tại sao chữ "Ngôn" lại có hình cái mặt người, chữ "Nhân" có hình người đứng thẳng, hay chữ "Trời" lại gồm chữ Thiên và và chữ Thượng, những điều chỉ được dạy rất nhanh trong một vài tiết học ngắn cũn cỡn. Cái bạn học là các cách viết cả đống ký tự ngoằn ngoèo, cách phiên âm của chúng và nên dịch thế nào cho phải. Tôi đồng ý rằng nhờ việc biết chính xác chữ Hán và cách phiên âm của nó, bạn có thể xác định chính xác chữ "Cổ vũ" vì sao lại là "Cổ vũ" chứ không phải "Cỗ vủ", hay "Khuyến mãi" khác với "Khuyến mại" thế nào (tổ cha tụi BTV trên VTC1 làm quảng cáo sai mợ nó chính tả sạch), nhưng thực tế thì điều này không thực sự quá quan trọng. Vì ngôn ngữ, về cơ bản không cần đến phán đoán! Nó là bản năng! Bạn chỉ có thể sử dụng phán đoán để khiến ngôn ngữ chính xác hơn trong các văn bản chính quy, chứ không thể buộc tất cả mọi người đều phải cố phán đoán chính xác ngôn ngữ mà họ sử dụng trong điều kiện bình thường được!

- Bạn cũng không cần biết tại sao cả mấy trăm chữ Hán đó lại có hình dạng như thế này thay vì thế khác! Rằng "Lâm" là chữ được tạo thành từ 2 chữ "Mộc", chỗ nhiều cây là rừng. Bạn chỉ cần biết đơn giản: Rừng là nơi có rất nhiều cây. Không cần đặt câu hỏi! Trẻ con lớn lên, chúng nó cần phải biết rừng là gì, và cây là gì, chứ không bao giờ cần phải biết, tại sao lại gọi đó là rừng mà không phải là một cái từ ất ơ nào đó, nhưng rang, tieu, hoặc một ký tự Latin vớ vẩn nào khác mà bạn tùy tiện nghĩ ra! Chúng tôi gọi là như thế vì chúng tôi muốn gọi như thế, không cần suy luận gì hết!
Vậy nên theo tôi, cách hay nhất để giữ gì sự trong sáng của tiếng Việt không phải là buộc học sinh phổ thông (từ lớp 1 đến lớp 12) phải học chữ Hán để tìm cách suy luận đúng sai của một chữ trước khi sử dụng làm gì cả! Thứ mà nó cần chính là thói quen tra từ điển: Cái gì đúng sẽ là đúng, mà sai thì chắc chắn là sai. Không cần bàn cãi làm gì hết! Những đối tượng phổ thông không cần tranh cãi về đúng sai của một từ bằng logic! Đó là chuyện của các chuyên gia ngôn ngữ (những người giỏi chữ Hán). Tôi đúng, vì từ điển ghi như thế. Bạn sai, vì bạn nói khác từ điển. Thế là đủ.

Mẹ tôi đi dạy cấp 1 phần nhiều là nhờ bản năng ngôn ngữ chứ không phải chữ Hán! Được cái là bà không bao giờ nói tiếng địa phương khi cho học trò đọc viết, vậy nên đa phần các từ cơ bản đều chuẩn cả! Có riêng một số từ phức tạp không rõ đúng sai thì bà thường gọi cho tôi để nhờ tôi tra từ điển giúp. Bà cũng chẳng có thời gian để tìm hiểu tại sao đọc cách này đúng, còn cách kia sai. Cá nhân tôi nghĩ bà làm tốt. Và học trò của bà, nhiều năm tháng lớn lên, có nhiều người đã có gia đình, công việc ổn thỏa, cũng thường chẳng mấy khi mắc lỗi chính tả. Ấy là cả bà lẫn học trò đều không học chữ Hán, chỉ đôi khi vô thức tra từ điển (sau này là thông qua tôi, trước đó là do kinh nghiệm)

Còn nếu bạn vẫn thích "học hỏi" các nước bạn, vậy thì tôi cũng nghe nói có vài quốc gia phương Tây và Mỹ cũng buộc học sinh mang từ điển khi đi học đấy!

Biết tra từ điển rồi, thì làm thế nào mà sai được nữa? Làm thế nào mà tiếng Việt không trong sáng được nữa?

Còn nếu từ điển sai thì chịu rồi! Đến các chuyên gia ngôn ngữ làm từ điển mà còn sai, thì các đối tượng phổ thông làm thế nào mà đúng được đây? Học chữ Hán mà làm gì?

Đăng nhận xét

0 Nhận xét