Chiến thắng sự nhút nhát - Phần 4: Vượt qua thất bại

Trong phần 1, Lesor tôi đã nói về những thói quen tốt mà bạn nên bắt đầu để tạo nền tảng cho con người tự tin (là bạn) trong tương lai. Phần thứ 2, tôi nhắc một số điểm mấu chốt của phong cách tư duy mà bạn nên có. Và phần 3, tôi tiếp tục đưa ra các cách tập luyện mà bạn nên thường xuyên trau dồi.

Xem lại phần 1: Xây dựng nền tảng
Xem lại phần 2: Nghĩ đúng
Xem lại phần 3: Tập luyện không ngừng

Nhưng như thế là chưa đủ! Bạn cần những phương án dự phòng khi giao tiếp không thành công để tránh rơi vào hố thẳm tuyệt vọng! Dưới đây là vài bí quyết nhỏ

Dễ dãi hơn với bản thân

Ý tôi là, chỉ khi bạn giao tiếp không thành công, thì đừng đổ mọi tội lỗi cho chính mình.

Một trong những điều đáng sợ nhất đối với những người nhút nhát chính là cảm giác thất bại khi cố giao tiếp với một ai đó. Thất bại ở đây có thể là bị mọi người lờ đi, có thể là bị phản ứng tiêu cực, bị ghét bỏ, hoặc gì đó đại loại vậy. Tất cả những thứ đó làm tổn thương bạn, củng cố niềm tin sai lầm rằng bạn không thể giao tiếp hoặc cả thế giới ghét bỏ mình.


Đừng để những suy nghĩ đó chiến thắng!

Thường thì người ta sẽ làm thế này, nếu thấy người đang nói chuyện của mình có ý lơ là, hoặc bỏ rơi mình, hoặc quay sang nói chuyện với một số người khác mà không quan tâm tới mình nữa, ngay lập tức, thay vì đổ hết mọi tội lỗi cho sự chán ngắt của mình (dù tôi khá chắc là điều đó đúng), hãy phân tích các tình huống, xem lý do chính xác nhất là gì, và mình sai ở đâu, người khác cần gì.

Một cách thậm chí còn hiệu quả hơn để dẹp những suy nghĩ tiêu cực là thách thức chúng bằng văn bản:

Viết nhật ký

Nghe có vẻ… nữ tính, nhưng thực sự thì viết nhật ký là một cách rất tốt để chống lại suy nghĩ tiêu cực. Sự lo lắng đi kèm với sự nhút nhát bắt đầu từ những niềm tin tiêu cực của ​​bạn về xã hội. Từ những suy nghĩ sai lầm này, bạn sẽ luôn tâm niệm trong đầu rằng bạn đang và sẽ luôn là một người nhút nhát; và bất cứ khi nào bạn cố nói chuyện với ai đó, bạn nhất định sẽ làm mọi thứ rối tung lên.

Cái này sai.

Trong cuốn Redirect , giáo sư tâm lý học của Đại học Virginia, ông Tim Wilson nhấn mạnh rằng, việc viết về một điều gì đó từng gây phiền toái cho bạn trong cuộc sống có thể có tác động sâu sắc đến việc thay đổi niềm tin của bạn về chúng. Ngay cả khi bạn không phải là người giỏi viết, thì việc viết lách cũng là một cách khôn ngoan để buộc chính bạn phải phân tích cảm xúc của mình bằng vỏ não, thay vì đơn giản là dùng... tóc suy nghĩ như từ trước tới nay bạn vẫn làm. Viết là chìa khóa giúp chúng ta suy nghĩ khách quan hơn về những lo lắng của chính mình, cũng là để phản tư về mọi thứ.


Bạn có thể dựa trên các gợi ý sau để chỉnh sửa, tường thuật lại về sự nhút nhát tiêu cực của mình trong các bài tập viết:

Dành 20 phút suy nghĩ về cuộc gặp gỡ trò chuyện cuối cùng mà bạn từng trải qua, hoặc là thời điểm mà bạn cảm thấy ngại ngùng hoặc lo lắng. Trả lời các câu hỏi sau đây càng chi tiết càng tốt:

  • Bạn thoáng nghĩ đến điều gì khi bạn bắt đầu cảm thấy lo lắng và khi kết thúc trò chuyện? Điều gì bạn nghĩ sẽ diễn ra, nhưng cuối cùng thì lại không?
  • Tình huống đó có quan trọng với bạn? Quan trọng đến mức nào?
  • Điều tệ nhất có thể xảy ra vào lúc đó là gì? Và điều đó có xảy ra không?
  • Tại sao bạn nghĩ rằng bạn cảm thấy lúng túng hoặc lo lắng lúc đó? Bạn có bất cứ bằng chứng chứng minh là những điều khủng khiếp đó chắc chắn sẽ đổ xuống đầu bạn bất chấp bạn có lo lắng hay không? Giải thích luôn vì sao bạn thấy khó xử?
  • Thành kiến có thể ảnh hưởng đến suy nghĩ của bạn thế nào? Bạn có bất cứ bằng chứng nào cho thấy những thành kiến ​​đó phù hợp với thực tế không?
  • Bạn đã đọc sách không? Bạn nghĩ mọi người nghĩ gì về mình? Bạn có bằng chứng cụ thể, khách quan rằng mọi người đang thực sự nghĩ xấu về mình?
  • Bạn có tự giác trong nhiều việc? Bạn nghĩ điều gì khi bạn cảm thấy tự ti?
  • Lần tới bạn có thể làm gì để kiểm soát sự căng thẳng và lo lắng? Bạn đã từng làm tốt bao giờ chưa? Bạn có thể học được gì từ những thành công đó để áp dụng cho lần tới khi bạn bắt đầu cảm thấy lo lắng hay khó xử?
  • Viết nhật ký tất cả những điều đó mỗi ngày, bạn sẽ ngạc nhiên về việc nó có thể thay đổi cảm giác của bạn về bản thân và sự nhút nhát của bạn.

Hãy kiên nhẫn

Bạn có thể thay đổi. Nhưng thay đổi cần có thời gian. Đừng mong trở thành một con bướm khi còn chưa làm xong kén. Rất có thể, bạn sẽ mất nhiều tháng và thậm chí nhiều năm để trở nên dạn dĩ hơn. Nhưng từng chút một, bạn sẽ dần dần thấy mình bớt lo lắng và lúng túng hơn trong giao tiếp.

Xem mọi cuộc gặp gỡ như một kinh nghiệm học tập. Khi nó diễn ra không suôn sẻ, đừng tự trách mình! Bỏ qua chúng, và suy nghĩ một cách vô tư về cách bạn có thể cải thiện trong lần tới. 

Vâng! Đây là tất cả những gì mà bạn cần để từ bỏ con người nhút nhát bên trong mình. Lesor hy vọng bạn tìm thấy thứ gì đó hữu ích trong loạt bài này, và tất nhiên, chờ đợi sự tiến bộ của bạn trong việc vượt qua sự nhút nhát. Hãy thả lại bài viết vài dòng ý kiến, hoặc nếu bạn có bất kỳ lời khuyên nào khác cũng có thể giúp người khác vượt qua sự nhút nhát, đừng ngại chia sẻ cùng tôi nhé!

Đăng nhận xét

0 Nhận xét