Vợ ba - Kiệt tác ngớ ngẩn

Khổng Tử nói:

Xảo ngôn lệnh sắc, tiển hỉ nhân!

Tôi bắt đầu bài viết này từ một ví dụ (và sau đó là mệnh đề) mà bản thân tôi luôn sử dụng làm tiêu chuẩn cao và duy nhất đối với cái gọi là nghệ thuật:

Một trường hợp trích điển xuất sắc vào bậc nhất của lịch sử văn chương Việt Nam:

"Trước sau nào thấy bóng người,
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông" (Nguyễn Du)

Và một trường hợp trích điển kém cỏi vào bậc nhất từng được đưa vào sách giáo khoa:

"Nhân tình, nhắm mắt chưa xong,
Biết ai hậu thế khóc cùng Tố Như" (Tố Hữu)

Loại thứ nhất, có thể hình tượng hoá như thể là một huyền thoại vĩ đại giấu mình dưới lớp áo tầm thường; còn loại thứ hai lại là một gã tầm thường mặc long cổn đi nghênh ngang ngỡ mình vĩ đại.


Có một đoạn trích có thể ghim vấn đề này trở lại câu chuyện nghệ thuật:

“"Mona Lisa“, “Đức Mẹ khóc Chúa Jesus“, “Cô gái đeo khuyên tai ngọc trai“. Trong vòng hai chục thế kỷ, các nghệ sĩ đã làm xã hội phương Tây phong phú bằng những tác phẩm đẹp kinh ngạc của họ. “Đi tuần đêm“, “Người suy tưởng“, “Dãy núi Rocky“. Từ Leonardo, đến Rembrandt, đến Bierstadt, các bậc thầy nối tiếp các bậc thầy đã sản sinh ra những tác phẩm gây hứng khởi cho chúng ta, nâng cao chúng ta và khiến chúng ta thêm sâu sắc. Và họ đã làm điều này bằng cách đòi hỏi chính mình phải có những chuẩn mực cao nhất của sự xuất sắc, hoàn thiện dựa trên tác phẩm của mỗi thế hệ các bậc thầy đi trước, và tiếp tục khao khát vươn tới chất lượng cao nhất có thể..."
Nhưng vào thế kỷ 20 có một chuyện đã xảy ra. Tính Uyên Thâm, Sự Truyền Cảm và Cái Đẹp đã bị thay thế bởi Cái Mới, Sự Khác Biệt và Cái Xấu Xí. Ngày hôm nay, sự ngớ ngẩn, sự vô nghĩa, và sự tởm lợm toàn diện lại được đưa lên như cái hay nhất của nghệ thuật." (Robert Florczak).

Tôi không hoàn toàn phủ nhận tất cả mọi thứ tốt đẹp, để rồi từ đó lạnh lùng xếp Vợ Ba vào nhóm thứ hai (bởi vì chắc chắn nó không thể xếp vào loại một vì cái nhìn đầy hận thù châm chọc đến toàn bộ quá khứ, giới tính và sự bác ái), vì dù gì, bạn cũng không thể tìm thấy một bộ phim tỉ mỉ và đẹp (về mặt hình thức thuần tuý) đến như thế, ngay cả đối với các bộ phim đến từ các vùng đất có nhiều thành công hơn trong điện ảnh.


Bạn không thể tìm thấy một bộ phim miêu tả những ánh mắt sống động đến vậy, từ cô đơn của cô ba lúc mới về nhà chồng, đến đằm thắm của cô Xuân khi xoa bụng cho Mây, từ đau đớn tan vỡ của bà Hà, đến cái dè dặt quyết tâm của cô dâu mới. Cả con bé Liên, bé Nhàn, thằng Sơn, bà vú, thậm chí cả người chồng không tính cách thuần tuý... không một ai không làm say đắm khán giả, không một ai không làm tan vỡ những trái tim, không một ai không làm run rẩy hồi hộp những kẻ dõi theo... mà thậm chí, họ có khi chẳng cần phải nói đến một lời.

Sức mạnh của một đoàn làm phim nữ làm cho cái gạt nước giữa lòng Tràng An, giọt nước mắt rơi xuống bên con bê non giãy chết, cái mím môi uất ức giữa trời gió tốc, tiếng khóc của đứa con mới chào đời, hay thậm chí cả những tiếng rên nhẹ nhàng của những buổi tối chỉ toàn tình dục, cũng trở nên chân thực đến run người.


Sức mạnh của một đoàn làm phim nữ làm cho câu chuyện về một thế giới xa xưa trở nên tỉ mỉ, chân thực và tinh tế đến mức có thể hít thở được. Đây là điều mà không một đoàn làm phim nam tính hơn nào có thể làm được. Đàn ông, về cơ bản là một loại sinh vật tương đối hời hợt và không có khả năng quản lý tốt các chi tiết nhỏ.
Nhưng tất cả mọi thứ chỉ là như vậy!

Có một sự thật là, bạn có thể mô tả một không gian rất đẹp, những con người rất đẹp, và những chốt chặn rất đẹp. Nhưng điều đó không có nghĩa là câu chuyện của bạn cũng sẽ đẹp. Thậm chí, đa số các trường hợp, câu chuyện sẽ nhạt nhẽo như ý nghĩa nhân văn của đa số các bộ phim nhát ma mà bạn vẫn thường hay xem.

Tôi là người hoàn toàn không có ác cảm gì với tất cả các thể loại đấu tranh đòi quyền thượng đẳng của các bà các cô. Tuy nhiên, tôi lại chắc chắn có tị hiềm đặc biệt với những người tin rằng bản thân chuyện đấu tranh đòi quyền thượng đẳng này đã là một mục đích (thay vì phương tiện).

Nói 1 cách đơn giản: Bạn đấu tranh đòi quyền thượng đẳng để làm gì? Nếu nó là để bạn được sống một cuộc sống hạnh phúc hơn - Bạn gần như đi đúng hướng. Nhưng nếu bạn chỉ đấu tranh, vì để đấu tranh. Bạn chẳng xứng đáng với điều gì.

Vợ Ba đúng thuộc nhóm này.

Yếu tố cốt lõi mà toàn bộ bộ phim nhắm tới là tình dục. Người chồng xuất hiện như một cái máy làm tình không hơn không kém. Người vợ cả khao khát đòi lại những cuộc truy hoan để sinh đứa con trai tiếp theo - một chìa khoá để bà tiếp tục nắm giữ những cuộc làm tình khác. Người vợ hai loạn luân với cả con trai chồng. Mây hoài phí tất cả mọi buổi tối chỉ để đi tìm khoái cảm, sau đó nguyền rủa mọi thứ (kể cả những người đối tốt với cô) chỉ để bản thân có thể sinh con trai (một công cụ để giữ lại những cuộc truy hoan mỗi tối), cuối cùng giết chết đứa con gái ruột mới sinh chỉ để bỏ qua gánh nặng và dễ dàng có con trai sau này... Không có một mục đích nào trong tất cả những cuộc đấu tranh đó. Và không có một mục đích nào từ những người làm phim khi mô tả sự bế tắc khốn cùng của tất cả mọi người phụ nữ trong phim. Thứ hơn muốn, đơn giản là để nói: "thấy phụ nữ khổ chưa".


Khổ, vốn là do mình.

- Sau này em lớn lên làm đàn ông.

Bởi vì đối với họ, đàn ông như chồng (và cha) chỉ là những cỗ máy làm tình. Họ nghĩ đàn ông xem họ như công cụ tình dục. Nhưng thực ra lại ngược lại, chính họ mới xem đàn ông là máy làm tình. Họ không cần biết người khác nghĩ gì. Vậy nên người chồng mới câm lặng không cá tính. 

Một bộ phim mà không một ai đối xử với nhau như một con người, cũng không cổ vũ một hành vi hướng thiện nào (chưa kể nó còn khuyến khích vô số hành động tàn ác, xem đó như giá trị đích thực) thì còn có thể toát lên giá trị nhân văn gì?

Quay trở lại, một lần nữa, với mệnh đề nghệ thuật ở trên, có thể thấy Vợ Ba ăn khít với các tiêu chuẩn "nghệ thuật" thời kỳ của cái khác này đến đâu.

Họ tạo ra vô số biểu tượng vô nghĩa, lặp đi lặp lại quá nhiều lần các cú máy gây khó chịu cho người xem (khiến cho ý nghĩa đặc biệt của các cú chuyển này trở thành lỗi lặp thay vì nghệ thuật), cố khoác lên mình một chiếc áo lấp lánh nhất có thể, để rồi từ đó, ngỡ như mình đã sánh được với các tác phẩm vĩ đại nhất lịch sử.

Không! Thực ra giản dị là đỉnh cao của mọi kỹ thuật. Và những bộ phim vĩ đại đều không bao gồm những thứ siêu thực vô nghĩa.

Vì bản thân siêu thực là vô nghĩa!

Cố gắng trúc trắc câu chữ, hình ảnh, thanh điệu, rồi tự hào cho rằng mình là thiên hạ vô song, gật gù tán thưởng với tác phẩm không phải tiếng người, thậm chí, chúng nó còn vờ "khen ngợi" nhau rằng không hiểu nổi người kia viết gì.

"Thương ba oát cảnh tâm ba mộng,
U lý sa quân đãi chính đà"

Đó là một câu tôi vừa nghĩ ra, trong khoảng 10s. Nói theo "quan điểm nghệ thuật" hiện đại, nó xứng là kiệt tác.

Thực ra đơn giản là mộng tinh thôi! Đừng nói cái gì mà đỉnh cao nghệ thuật sắp đặt gì đó!

Tôi dành cả một ngày cũng không thể viết nổi câu tagline đơn giản đại loại như "lắng nghe cơn khát của bạn", nhưng mấy loại bát cổ như trên thì thậm chí còn chẳng cần suy nghĩ. Thế ra, nghệ thuật tầm thường thế sao?


Có nhà văn nói: "Tôi mong rằng tác phẩm của tôi sẽ không được mang ra làm phim. Vì nếu thế thì nó quá dễ hiểu rồi!"

Thật đáng tiếc, nếu bạn thậm chí không thể viết dễ hiểu, thì làm sao bạn trở nên vĩ đại?

Vì sao phải dễ hiểu? Vì sao phải khó hiểu?

Dễ hiểu là để dễ đọc. Ai cũng biết được mình nói gì, thì mới biểu đạt được suy nghĩ sâu xa.

Khó hiểu, ngoài lý do để đối phương không đọc được (hoặc phải cố đoán), cuối cùng che giấu suy nghĩ nông cạn của mình, thì còn là gì nữa đâu.

Để mà lỡ có ai đoán được ý, thì còn tiện đường mà chối bay chối biến, bảo rằng ý tao sâu xa hơn thế cơ. Còn sâu xa thế nào thì chịu, "thiên cơ bất khả lộ".

Có muốn cũng chẳng có gì để lộ.

Vợ Ba là một kiểu, cố tỏ ra khó hiểu, để rất nhiều khoảng trống, ôi chào, chỉ để làm cho khó hiểu như thế mà thôi!

Vậy nên nếu muốn tốt, keep it simple!







Đăng nhận xét

0 Nhận xét