Vụ Độ Mixi vs VTV: Lý tình đúng sai

Lâu lắm rồi mới lại khui cái blog lên.

Lời đầu tiên thì xin lỗi tất cả mọi người vì... thay đổi tên miền liên tục, khiến người xem cứ... đi lạc khi cố gắn tìm kiếm tôi thế này. Thực tế, tôi vẫn đang tìm kiếm một tên miền nào đó phù hợp với các nội dung... tạp nham tầm xàm của mình. Và Lesor chắc chắn vẫn chưa phải là cái tên mà tôi cần, ít nhất là trong thời điểm này. Có thể về sau tôi sẽ mua tên miền Albatross. Tôi khá thích cái tên này. Haha.

Anyway, chúng ta sẽ quay trở lại với câu chuyện về vụ lùm xùm giữa streamer top 1 Việt Nam hiện tại - Độ Mixi, và đài truyền hình quốc gia Việt Nam - VTV, đúng hơn là một cuộc công kích 1 chiều từ phía VTV nhắm vào giới streamer ưa chửi tục, mà Độ Mixi là người đứng đầu.


Tóm tắt lại một chút để những người xem blog của tôi theo kịp (nếu họ may mắn chưa nghe đến những điều này):

- Cuối tháng 8/2020, Độ Mixi phá kỷ lục streaming Việt Nam với gần 400.000 người xem cùng thời điểm.

- Cùng thời gian, Độ Mixi chia sẻ rằng anh vừa xây xong 1 ngôi nhà mới khang trang hơn để làm streaming house.

- Ngày 09/09/2020, Trong bản tin thời sự toàn cảnh, các BTV của VTV nhắc đến hiểm họa tiềm tàng từ thuốc lá điện tử, đồng thời sử dụng resouce (tài nguyên) video từ kênh youtube của Độ Mixi (được làm mờ mặt) như là một dẫn chứng cho việc "thần tượng của giới trẻ hút thuốc lá điện tử trên live stream".

- Tối hôm đó, trong buổi live stream hằng ngày, Độ Mixi tỏ ra khó chịu về việc VTV sử dụng videoclip của mình mà không hề có bản quyền, đồng thời còn làm mờ mặt mình trong bản tin. Anh cũng phản bác rằng việc anh hút thuốc lá điện tử là không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, để đề phòng fan của mình gây rối, anh cũng yêu cầu người xem không phản ứng lại với đài truyền hình.

- Ngày 12/09/2020, nhân dịp sinh nhật 32 tuổi, Độ Mixi ra mắt MV "Stream đến bao giờ". MV này xô đổ các kỷ lục công chiếu và trở thành top 1 trending Youtube sau đó.

- Ngày 17/09/2020, VTV cho chiếu video "Phản ứng của Cộng Đồng về STREAM GAME trên Mạng Xã Hội | VTV TSTC". Họ nhấn mạnh vào 2 chữ stream game trong tiêu đề, nhưng lại nhắm thẳng đến vấn đề"chửi tục trên stream" của Độ Mix. Trong video này, họ có lưu ý cụ thể về khẳng định của một luật sư về việc phạt hành chính lên đến 20 triệu đồng đối đối với người chửi tục; và tuyên bố "phải thay đổi" của streamer PewPew.

- Cùng ngày, trong buổi stream hằng ngày của mình, Độ Mixi xin lỗi VTV và tuyên bố không nói tục nữa vì sẽ ảnh hưởng đến ngành streamer nói chung.

- Ngày 19/09/2020, VTV tiếp tục cạnh khóe về việc streamer nói tục trong Bản tin tuần của BTV Việt Hoàng, so sánh với chuyện đánh ghen, các vụ chửi bới dẫn đến tai nạn giao thông, và cuộc chiến của các sinh vật hoang dã.

Câu chuyện đến đây là kết thúc. Tất nhiên giữa các cột mốc kia còn có nhiều chuyện bên lề khác, nhưng ta cứ đại khái như thế đã.


Lý đúng tình sai?

Dĩ nhiên đây không thể và không bao giờ có thể xem là một cuộc chiến được cả! Ai cũng biết rằng VTV là một đài truyền hình quốc gia, và Độ Mixi chỉ đơn giản là một gã trai quê mùa stream game, dù cho có là top streamer đi chăng nữa. Dân không đấu nổi với quan. "Huyện quan phá gia, Phủ doãn diệt môn" chẳng bao giờ sau. Nhưng chỉ ít ta cũng có quyền xem thử, trong lần này ai đúng ai sai.

Về lý thì dĩ nhiên VTV đúng: Cả thuốc lá điện tử và chửi tục đều là những hành vi không chuẩn mực của xã hội, và xứng đáng bị lên án. Độ Mixi là một streamer có hàng triệu tương tác, nhưng lại vướng vào cả 2 "tệ nạn" ấy. Vậy thì chọn Độ "Tày" làm đối tượng chỉ trích chẳng có gì là sai cả!


Nhưng về tình, những người làm chương trình này của VTV sai lè!

Sai ở chỗ, Độ Mixi không phải là người duy nhất stream game ở Việt Nam, không phải nhân vật tiên phong trong phong trào... chửi tục trên stream, cũng không phải người duy nhất hút thuốc lá điện tử trên sóng truyền hình. Thực tế thì những điều này đã xảy ra từ 3-5 năm trước. Thậm chí, thời gian từ 1-2 năm trước đây, phong trào chửi tục trên stream còn rầm rộ hơn bây giờ nhiều. Nhưng không một ai trong chúng ta (và các BTV của VTV) quan tâm. Thứ họ quan tâm là những cô BTV nóng bỏng như minh tinh khoe dáng sexy của họ, những vụ scandal ăn cắp ăn trộm của KOL, vài ba bản MV đầy tranh cãi...

Mãi cho đến khi Độ Mixi bất ngờ xây căn nhà to đùng đến 7 tầng ở Hà Nội và có 1 MV đạt top 1 trending (vượt qua hàng loạt các ca sĩ con cưng của đài, và đối tác của đài), vụ lùm xùm này đột nhiên diễn ra.

Nhiều người đọc bài viết đến đây sẽ cười xòa vì lỗi ngụy biện này của tôi. Đúng là như vậy! Chửi tục và hút thuốc lá điện tử thì bao giờ cũng là sai, hôm nay không chỉ trích thì ngày mai chỉ trích, chả ai có quyền hỏi vì sao trước kia không chỉ trích mà bây giờ lại chỉ trích cả! Nhưng đó là chuyện CÁI LÝ tôi đã nói ở trên.

Còn cái tình, chẳng ai đi tân gia nhà người ta, mừng sinh nhật nhà người ta, và chúc mừng thành công của người ta bằng một loạt các chỉ trích cả! Làm thế khác nào chườm mặt ra cho thế gian chửi là "ghen ăn tức ở"?

Gặp tôi, tôi cứ để thế 1-2 tháng rồi chỉ trích sau. Chả ai dám nói gì tôi! Khi đó tôi thắng luôn về tình.

Nhưng các BTV của VTV có vẻ không quan tâm lắm đến cái tình. Có lẽ vì dàn BTV nữ của họ đã PR hết cả rồi, không còn ai khoe mông khoe vếu trên báo chí nữa, mà VTV thì lại cần tin nóng.


Không chỉ về tình, VTV còn sai tiếp ở 3 điểm khác:

- Một là, Các BTV của VTV vi phạm nghiêm trọng về quyền sở hữu trí tuệ. Bạn lấy hình ảnh của người khác, công sức lao động của người khác (là videoclip) để sử dụng mà không hề xin phép. Dù cho bạn có "làm mờ" mặt đối tượng đi, thì ăn cắp vẫn là ăn cắp. MC Trấn Thành trong scandal bị vu khống cũng còn phải xin phép "bị cáo" trước khi quay chụp và sử dụng hình ảnh của họ, còn VTV, vì họ nghĩ họ là quan, họ không cần?

- Hai là, chẳng có "ông lớn" nào lại có cách cư xử như trẻ con kiểu các BTV của VTV cả! Sau khi bạn sử dụng hình ảnh người khác để chỉ trích, người khác phản ứng lại thì bạn làm ngay 1 phóng sự khác để chỉ trích "một tội lỗi khác" của họ. Giống như kiểu: Tao với mày bước ra so kè xem ai phạm lỗi nhiều hơn? Lỗi thằng nào to hơn thằng đó thua, lỗi thằng nào ít hơn, thằng đó là chính nghĩa. Đó là một trong những kiểu ngụy biện cực kỳ phổ biến và buồn cười mà mấy đứa nhóc quanh nhà tôi vẫn hay dùng.

- Ba là, các BTV làm chương trình này có cả tấn lỗi ngụy biện trong riêng video clip dài 33 phút của mình. Ta sẽ bàn đến điều này ngay trong phần tới.


Các lỗi ngụy biện của BTV đài VTV

Phân tích này được làm dựa trên 2 video được xem là chỉ trích trực tiếp nhất đến Độ Mixi và việc chửi thề là:

Lưu ý, tôi vẫn tin rằng việc chỉ trích streamer nói tục và khuyến khích streamer nên nói chuyện có văn hóa hơn là điều đúng đắn, và ta sẽ hoàn toàn không bàn về đúng sai của vấn đề này. Ta chỉ bàn về cách thể hiện, cũng như các lỗi ngụy biện trong đó và thông qua đó, là trình độ của các BTV khi cố gắng phản biện xã hội.

1. Đánh tráo khái niệm bằng tiêu đề gây sốc và không đi đúng với nội dung

Sai lầm này nhằm thẳng vào video clip "Phản ứng của Cộng Đồng về STREAM GAME trên Mạng Xã Hội | VTV TSTC"

Tôi không hiểu! Vì sao nội dung video nói về việc "Nói tục chửi bậy", nhưng lại có tiêu đề là về stream game?

Hay là mục đích của BTV ở đây là nhắm thẳng vào tâm lý "ghét chơi game", thay vì đơn giản là "nói tục - chửi bậy" của các bậc phụ huynh trong các bài phỏng vấn?

Ngụy biện này xuất hiện khi BTV thừa hiểu một sự thật là: Không một người lớn nào không nói tục - chửi bậy (hoặc nếu có thì là rất ít). Nhưng họ vẫn muốn tìm kiếm sự đồng thuận của người được phỏng vấn.

Nói đơn giản hơn, nếu bạn hỏi: "Bạn nghĩ sao về nói tục chửi bậy?", thì sẽ có khoảng gần 1 nửa số người phỏng vấn sẽ trả lời là "bình thường". Bởi vì trong khoảnh khắc nào đó, họ sẽ nghĩ bản thân mình cũng chửi tục nói bậy, và đáp án bình thường là phản ứng tự vệ của tâm lý.

Nhưng nếu bạn hỏi: "Bạn nghĩ sao về những người STREAM GAME chửi tục nói bậy?", bạn sẽ loại phần lớn đối tượng phỏng vấn ra khỏi nội dung hỏi. Khi đó, người ta có thể thoải mái trả lời đúng ý bạn, rằng chửi tục là vô văn hóa.

2. Không dẫn chứng

Một điểm rất buồn cười là, ngay sau khi MC của chương trình tuyên bố: "Hàng loạt các video stream với ngôn từ tục tĩu xuất hiện tràn lan trên MXH, gây ảnh hưởng lớn đến trẻ vị thành niên...", họ không đưa ra được dẫn chứng nào, mà lại quay sang phỏng vấn các bậc phụ huynh có con em còn đang học tiểu học.

Điều này nhìn qua thì có vẻ không sai, nhưng nó vi phạm logic của một bài báo/công luận/tin tức. Bởi vì: Nếu không có dẫn chứng, mọi lời nói ra đều vô nghĩa về mặt khoa học.

Thậm chí trong cả 2 video dài đến tổng cộng gần 1 tiếng đồng hồ, không một dẫn chứng cụ thể về việc "streamer chửi tục" được đưa ra.

BTV Việt Hoàng, trong đoạn cuối cùng có giải thích rằng: Họ không đưa các dẫn chứng là vì sợ video dẫn chứng sẽ chỉ toàn tiếng "beep".

Nhưng thực tế thì không phải vậy! Để tìm hiểu sâu hơn về cuộc tranh luận này, tôi đã xem 1 video talk show của Độ Mixi, và thấy rằng bạn hoàn toàn có thể tùy tiện cắt ra một video có lồng tiếng "beep" để che bớt như sau:

"*beep* từ bé đến giờ anh mới gặp một trường hợp như thế nhé!"

Thế thì che cũng... dễ mà nhỉ?

Thay vì nhắm thẳng vào nội dung, các BTV lấy dẫn chứng thế nào?

Họ lấy vào video game Liên minh Huyền thoại không tiếng để làm video nền minh họa cho các phân đoạn kể về "streamer nói tục".

Giống như chỉ mèo mắng chó vậy đó!

Không biết sau này tôi viết công luận, bảo rằng "Tôi là một trong những người đẹp trai nhất thế giới", rồi ví dụ minh họa bằng hình ảnh của Franz Kafka (một nhà văn). Như thế có được khen như VTV không nhỉ?

3. Lenin luôn đúng

Thời đi học, môn logic học cơ bản, thầy tôi có đưa ra một ví dụ được xem là tiêu biểu nhất cho lỗi ngụy biện chính là:

"Lenin nói như thế, nên điều đó đúng! Vì Lenin không bao giờ sai"

Trong trường hợp này, BTV của VTV sử dụng một ông Luật sư để trở thành Lenin luôn đúng trong phát ngôn của họ. 

Phát ngôn rằng:

Các hành vi văng tục, chửi bậy, hay thậm chí là xúc phạm lẫn nhau diễn ra một cách khá phổ biến trên mạng internet. Và đây là hành vi vi phạm pháp luật với mức xử phạt là 10 đến 20 triệu đồng...

Ông cũng chỉ rõ quan điểm của mình là dựa theo Khoản A, Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

Nhưng "chửi thề - nói tục" không phải là xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của bất kỳ cá nhân nào! Thực tế, theo án lệ một vụ kiện tương tự ở Cà Mau năm 2018, tòa án tin rằng nói tục chửi thề chỉ được xem là thiếu văn hóa chứ không phải xúc phạm hay thóa mạ một ai.

Mà thực tế sau khi xem 1 stream của Độ Mixi, tôi cũng thấy rằng anh ta không hề nhằm vào ai trong các câu chửi "đ*t mẹ" của mình.

4. Vẫn là đánh tráo khái niệm: Nói tục và xúc phạm

Trong video "Chuyện đánh ghen và nói tục", BTV Việt Hoàng đã có một mở bài... tiêu chuẩn thi HSG Quốc gia môn Văn bằng một so sánh tương liên: 2 lái xe ô tô chửi bới mạt sát lẫn nhau dẫn đến đánh võng và ẩu đả trên đường => Việc chửi bới => Việc chửi bới trên sóng stream.

Với học sinh cấp 3 thì như thế là có óc sáng tạo và linh hoạt khi xử lý đề bài. Nhưng với người trưởng thành, thậm chí là một BTV ở trình độ đài truyền hình quốc gia thì như thế là thiếu kiến thức, hoặc đánh tráo khái niệm, hoặc cả hai.

Bởi vì xúc phạm thóa mạ là dùng những lời tục tĩu nhắm thẳng vào đối tượng giao tiếp, ví dụ:

Tôi nói với anh: Đ*t mẹ mày

Nhưng nói tục - chửi thề thì lại hoàn toàn khác! Nó vẫn nhắc đến rất nhiều từ ngữ không chuẩn mực, nhưng không nhắm vào ai. Một số người, theo thói quen, còn dùng nó như một trợ từ ngữ khí. Ví dụ:

Tôi đ*t mẹ, nhớ vợ tôi vãi cả l*n

Hay ý anh chàng Việt Hoàng kia là câu trích dẫn phía dưới của tôi là đang xúc phạm & thóa mạ vợ tôi?

Cho nên đôi khi tôi vẫn thường nói với bạn bè mình rằng, có lẽ các BTV của VTV ngày nay, nam chỉ biết cà khịa, nữ chỉ biết lên báo khoe vóc dáng, chứ năng lực nghề nghiệp có lẽ không bằng đàn anh đàn chị ngày trước nhiều lắm.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét