Chuyện cái đồng hồ ở Vòng xoay Điện Biên Phủ

Cái đồng hồ ở Vòng xoay Điện Biên Phủ đã đổi nhà tài trợ từ lâu.


Hồi mười năm trước, lúc mới vào trung tâm đi học, một trong những điều khiến tôi chú ý nhất mỗi khi vào trung tâm, không phải đèn đuốc xập xình, không phải tòa nhà Bitexco cao vút, không phải những khu phố Tây - Tàu sầm uất, hay bất kỳ thứ gì khác, mà là những chiếc đồng hồ ở giữa các ngả tư, mà cụ thể là đồng hồ ở Vòng xoay Ngả tư Hàng Xanh và Vòng xoay Điện Biên Phủ. Vì tôi ở Thủ Đức mà!

Thế rồi năm tháng qua đi, người ta từ từ dỡ mất cái đồng hồ ở Hàng Xanh để xây thêm cầu vượt hỗ trợ giao thông. Đồng hồ ở Vòng xoay Điện Biên Phủ trở thành cái cuối cùng tôi được thấy mỗi buổi sáng đi học, và sau đó là đi làm.


Những năm mười tám, hai mươi, tôi cưỡi xe đạp lách qua từ Đinh Bộ Lĩnh, rồi gò lưng băng băng bên làn trong con đường Điện Biên Phủ. Những năm hai tám, ba mươi, tôi vi vu xe máy lướt trên cầu vượt Hàng Xanh, rồi lững lờ thả dốc ở làn ngoài, cũng trên đường Điện Biên Phủ. Không lúc nào không ngước mắt đôi lần, dòm xem cái đồng hồ ở vòng xoay ngả tư đang báo mấy giờ. Từ chỗ đó đến trường tôi là mười phút đi xe đạp. Về sau đi xe máy đến chỗ làm là mười lăm phút. Hôm nào thấy sớm thì xả hơi, tấp vào ăn sáng. Hôm nào thấy trễ, là lại cong lưng đạp, hoặc rồ ga chạy thục mạng. Không bao giờ khác.

Đến độ những năm 2014 - 2015, Facebook bắt đầu len lỏi vào khắp hang cùng ngõ hẻm cuộc sống chúng tôi, tôi mới hay rằng, hóa ra có đến hàng nghìn người ở phía đông Sài Gòn cũng cùng một dạng tâm lý y chang như thế.

Mà lý do để chúng tôi, tức là hội những đứa con chiên của chiếc đồng hồ Vòng xoay Điện Biên Phủ, "nhận ra nhau" cũng hết sức buồn cười: Một buổi sáng đẹp trời nọ, Hắn, tức là chiếc đồng hồ, bỗng nhiên chạy nhanh hơn hai mươi phút. Không ai biết điều đó. Thế là chúng tôi chạy như điên như dại đến chỗ làm/chỗ học vì tưởng đã muộn, rồi hốt hoảng nhận ra mình là một trong những người đến sớm nhất lớp/cơ quan. Phải đến một lúc lâu, chúng tôi mời cười khà khà nhận ra là tất cả đã bị Hắn, tức là chiếc đồng hồ, và những người quản lý của hắn lừa. Chúng tôi liền tỏ vẻ hết sức giận dỗi bằng cách lên Facebook viết một status đầy hài hước về điều ấy. Sau đó, chúng tôi tình cờ phát hiện trên new feed của mình, bạn bè của chúng tôi cũng đã viết một status như vậy cách đó không lâu.


Gần một thập kỷ đứng ở Vòng xoay Điện Biên Phủ, hắn, tức là cái đồng hồ, tổng cộng đã chơi khăm tất cả chúng tôi một lần, cộng thêm hai lần bị chết máy vào năm 2013 và 2016. Còn lại là hoàn toàn chuẩn chỉ không khác gì đồng hồ internet. Một chiếc đồng hồ đúng giờ, nghe có vẻ như là chuyện hết sức bình thường, giống như thiên kinh địa nghĩa vậy! Thế nhưng như người ta vẫn thường nói, sự ổn định miệt mài đầy tin cậy đó là một trong những điều đặc biệt và tuyệt vời nhất mà Sài Gòn từng có, và chỉ có khi tất cả những điều đó không còn nữa, ta mới bắt đầu cảm thấy thấy hối tiếc!

Hồi đầu năm nay, hay là cuối năm ngoái gì đấy, tôi không còn nhớ rõ nữa, người ta dỡ bỏ chiếc đồng hồ ấy đi, trùng tu, hay thay mới gì đấy, đổi lại một chiếc logo mới. Trước là ASIA, bây giờ thành BIDV.

BIDV là một ngân hàng. Trong mắt dân marketing chúng tôi, họ có lẽ đã bỏ một cái giá không nhỏ để mua lấy cảm giác an toàn, ổn định, và đáng tin cậy mà chiếc đồng hồ cũ đã mang về trong suốt hàng thập kỷ.

Đối với một ngân hàng, không có gì quý hơn là cảm giác an toàn.

Thế nhưng BIDV, trong suốt gần 1 năm "trị vì" tại đó, thay vì tiếp tục trở thành biểu tượng của sự an toàn, tin cậy, chính xác và cần mẫn như trước đây, lại chỉ đem về toàn những thất vọng!

Sai giờ, lệch giờ, ngưng chạy, hỏng kim, bảo trì... Nếu như trong gần một thập kỷ trước, chiếc đồng hồ chỉ "cố tình" chạy lệch 3 lần, thì dưới tay BIDV, họ đã có đủ số lần sai cho cả một thiên niên kỷ.


Xem đến đây, chắc hẳn là nhiều người sẽ cười khẩy cho rằng tôi đang làm quá. Một chiếc đồng hồ chạy sai giờ thì có ảnh hưởng gì đến giá trị thương hiệu và những giao dịch hàng nghìn tỷ?

Cá nhân tôi nghĩ rằng, tất cả những việc lớn đều phải bắt đầu từ những điều nhỏ nhoi. Con đê nghìn dặm bị phá hỏng bởi một tổ kiến. Có thể một chiếc đồng hồ chẳng ảnh hưởng đến hàng nghìn tỷ doanh thu. Nhưng trong mắt những người ngày ngày đều đi ngang qua con đường ấy mà nói, đến một chiếc đồng hồ cũng không quản lý nổi, thì làm sao tôi có niềm tin để trao cho bạn sản nghiệp cả cuộc đời?


Nhiều doanh nghiệp cứ cắm đầu làm mà không thực sự hiểu rằng tại sao phải bắt buộc nhân viên, nhất là những người phải giao tiếp khách hàng thường xuyên, mặc đồng phục. Mà đặc biệt, đồng phục đó nhất định phải là màu trơn, và, dĩ nhiên rồi, phải luôn trong trạng thái phẳng phiu.

Trong tâm lý học, dạng trang phục này khiến người ta có cảm giác về sự chỉnh chu, tỉ mỉ, và an toàn. Nếu các trang phục caro, hoặc sọc (ngang/dọc) dễ làm rối thị giác và tạo ra các góc khuất sáng ảo, thì trang phục trơn khiến người khác cảm thấy sáng rõ và đáng tin cậy. Chính vì thế, người ta thường sẽ có xu hướng mở lòng, và dễ phát triển Hiệu ứng Halo hơn. Tất nhiên không phải mọi trường hợp đều vậy! Nhưng riêng trong các dịch vụ khách hàng thì điều đó đúng.

Chính vì cảm giác đáng tin cậy từ trang phục của nhân viên đó đã khiến một số doanh nghiệp trở nên được yêu thích hơn so với một số doanh nghiệp khác. Nói rộng ra, tất cả những yếu tố tỉ mỉ, nhỏ nhỏ được chăm chút kỹ lưỡng và đầy toan tính (hoặc may mắn) đó đã khiến nhiều doanh nghiệp thành công vượt trội so với đối thủ mà không cần phải tốn quá nhiều chi phí cho quảng cáo, truyền thông, và các chương trình khuyến mãi.


Ngược lại, có rất nhiều doanh nghiệp tiêu tốn hàng trăm tỷ vào truyền thông, nhưng kết quả lại hết sức tồi tệ. Không phải bởi vì họ dở, mà bởi vì khi công bố hàng nghìn sản phẩm truyền thông, họ lại vô tình phô bày những điều thiếu tinh tế, thiếu tỉ mỉ, và thiếu trách nhiệm của chính mình trước mặt khách hàng.

Như chiếc đồng hồ của BIDV này là một ví dụ.

Tôi rất thích thương hiệu Thế giới Di động. Mặc dù giá sản phẩm tại đó đắt hơn bất kỳ đâu, nhưng thái độ của họ là gần như hoàn hảo, từ nhân viên đến hệ thống bảo vệ, từ đại diện cấp cao đến các bộ phận nhỏ.

Ngược lại có rất nhiều nơi, có thể nói là bạn đến bỏ tiền ra để mua lấy sự bực mình! Có thể đó là con bé ở Loteria hôm qua bảo tôi rằng "ở chỗ em không có giữ xe, để xe mất ráng chịu", có thể đó là bà bán bún gần nhà bán 5 phần bún mang đi mất hết 45 phút chỉ vì "mày mua nhiều nên đợi cô bán cho mấy bạn mua ít trước cho lẹ", hay một vài bệnh viện lớn, nơi mà gã bảo vệ đến hét vào mặt khách hàng chỉ vì họ không biết phải gửi xe ở hầm 3 hay hầm 4. Những việc đó, cũng giống như chuyện chăm chút cái đồng hồ ở giữa ngả tư, vốn chẳng liên quan gì đến việc bán hàng của bạn cả! Nhưng chí ít, nó để lại trong đầu tôi một suy nghĩ rằng: Đó là một doanh nghiệp chỉ biết chăm chăm nhìn vào ví tiền của mình.

Và nếu như một doanh nghiệp, mặc dù mỗi ngày đều thể hiện những sai sót mang tính thiếu trách nhiệm, vô kỷ luật, và không tỉ mỉ như thế, nhưng vẫn kiếm được hàng nghìn tỷ lợi nhuận; thì đơn giản là đối thủ của họ cũng quá kém cỏi đến mức khách hàng chỉ có thể lựa chọn một đơn vị ít kém cỏi hơn mà thôi!

Đăng nhận xét

0 Nhận xét