[Huyết sử 4] Bác Vương Chương

(Chương này hoàn toàn lấy từ cuốn Huyết sử, một số nội dung do người dịch tự thêm vào sẽ được để trong ngoặc đơn, hoặc chú thích rõ) 

Vương Chương, tự là Tử Trinh, hiệu là Lưỡng Tùng (Chú thích của tác giả)

Bác Chương là người tốt.

Thực ra, ông còn nhiều hơn cả một người tốt.

Năm đó, nhìn thấy hai thầy trò bọn tôi BỊ ĐÁM CHÓ ĐÙA GIỠN, ông không khỏi nóng mặt, mang gậy đến đuổi đánh “giải nguy” cho bọn tôi. Thậm chí, thương hai đứa trẻ khốn khó không nơi nương nhờ, ông còn giữ lại nuôi giấu cả hai trong suốt những tháng ngày khốn khó, trong khi chính gia tộc của Hành, cũng xem như là có chút quan hệ với tôi, lại sẵn sàng ruồng bỏ.

Tất nhiên tôi cũng không có ý chê trách dòng tộc đó. Chúng tôi tìm đến không một lời thông báo, gia thất lại vỡ tan, nên chuyện họ không thể nhận ra bọn tôi, giữa hàng trăm tay ăn mày nhan nhản khắp vùng, âu cũng là lẽ thường.


Ở cái thời ấy, Nghi Xuân không còn là “vương quốc” của gia tộc Xuân Quận Công nữa! Nạn kiêu binh trước đó mấy năm, cộng thêm nhiều cuộc đảo phá liên miên giữa các đảng phái khiến gia tộc của Hành sớm sa sút. Họ vẫn giàu có, vẫn thừa cả nhiều tấn vàng để sống sung sướng bất chấp mọi cuộc can qua. Nhưng họ chẳng còn nhiều tiếng nói trong cộng đồng nữa! Khi giặc đến làng, cũng không biết là thuộc phe phái nào, gia đinh họ Nguyễn lo đóng cửa thủ nhà đã mệt, còn mấy hơi sức đâu mà lo lắng cho người ngoài. Rồi thì hải tặc. Rồi thì đói kém… Ừa thì, tôi cũng không hiểu vì sao họ Nguyễn họ giàu thế, nhưng chẳng chẩn tai (cứu đói – lời người dịch) được mấy. Nhưng đó là việc của họ. Tiền của họ, tiêu thế nào là quyền của họ mà!

Chính vì thế nên tôi mới tin rằng người như bác Vương Chương không khác gì thánh thần xuống cứu vớt người dân nơi đây.


Nghe Hành nói, cả nhà bác Chương cũng chỉ mới chuyển đến trước chúng tôi độ chừng hơn một năm. Nghe nói là bị biếm trích (bị phạt đày đi xa – lời người dịch). Mỗi ngày toàn là đọc sách, viết chữ, đốc thúc con trai là Quan học hành, dự định sống một cuộc đời yên ả không dính đến thị phi cuộc đời.

Nhưng ở những vùng quê như thế này mà nói, chuyện một gia đình đột nhiên dọn đến chắc chắn không thể nào tránh được ánh mắt hiếu kỳ của mọi người trong làng. Chẳng bao lâu, chuyện bác Chương vốn là quan lớn trên kinh, vì buộc tội Chúa chuyên quyền mà bị giáng chức đuổi đi lan ra khắp nơi. Dân làng biết chuyện bỗng nhiên cảm thấy có chút vinh quang cho làng mình, nên quay sang kính nể bác, thường tranh nhau đến làm khách. Người thì đến tặng gạo, người thì đến tặng dầu. Có người sợ bác sống ảm đạm mà đào cả mấy hũ rượu gia truyền lên tặng. Thậm chí nhiều người còn tới cửa xin làm mai cho Quan, khi ấy mới có… năm tuổi.

Được nhiều người yêu thương quý mến, nhưng bác Chương không lấy đó làm kiêu ngạo. Ngược lại ông còn nhanh chóng rũ bỏ lối sống “quý tộc” của các bậc quan lớn lâu năm để hòa mình vào với cuộc sống dân dã. Ông mở lớp dạy học miễn phí cho trẻ nhỏ quanh vùng. Hồi đầu năm, Nghi Xuân có lụt lớn, ông dốc hết gạo thóc, lại tự mình gõ cửa từng nhà đề nghị chung lưng đấu cật cứu tế người dân, lại chỉ huy trai tráng đi nạo vét đường sông, đắp đê xây đập. Đến giữa năm có hải tặc đánh cướp, quan quân sở tại rúm ró bỏ chạy tán loạn, nhưng ông lại dẫn dắt thanh niên dựng rào thủ thành, khiến đám cướp biển sợ sa lầy vào tử chiến mà bỏ đi nơi khác. Vậy nên giữa vào thời loạn lạc chưa từng có trong lịch sử, nhưng dân xứ này có thể nói là có cuộc sống tương đối bình yên.

Danh vọng của bác Chương vì thế dân dần tăng cao. Tăng cao đến mức, cứ khi nào có gút mắc kiện cáo, người dân nơi đây lại toàn đến nhờ bác phân xử hộ. Nhiều nhà giàu còn không quản đường xá xa xôi, đưa con cháu đến lớp ông học.


Hôm tôi đến Tiên Điền (và bị chó đuổi cắn), bác Chương vừa mới ở ngoài ruộng về. Thấy mấy con chó lao vào đám nhỏ, ông chẳng kịp suy nghĩ, rút luôn một thanh rào lớn lao đến ứng cứu. Thật may là mấy con chó không làm gì chúng tôi. Ấy là không chỉ may cho chúng tôi, mà còn là may cho chúng nó.

Về sau, nghe Hành kể lại rằng, bác Chương quyết định giữ hai chúng tôi ở lại. Hành giúp ông dạy học. Còn tôi, khi ấy còn bé quá, nên cùng học vỡ lòng với Quan.

-----o0o-----

Những ngày sau đó là những ngày tháng hết sức êm đềm. Họ hàng bên Hành sớm nhận ra anh và cho người đến đón về, nhưng anh thà vắt võng nằm ngủ bên này chứ không thèm bước chân về nhà lấy nửa bước, lại bảo trì đến lớp hỗ trợ bác Chương dạy học mỗi buổi sáng. Tôi thì vì quá sợ hãi mấy gã gia đinh mặt mày bặm trợn nên cũng chẳng dám ló mặt sang. Dĩ nhiên, thân phận thật của tôi vẫn được giấu kín. Hành bảo rằng điều đó tốt cho tôi. Hai năm tiếp theo, bác gái Chương lần lượt hạ sinh thêm hai bé gái nữa, đặt tên là Quế Chi và Mai Chi. Hai con bé nghịch ngợm lớn nhanh như thổi, đuổi ba anh em tôi ra ngủ gian ngoài để nhường phòng trong cho hai chị em.


Sáu năm sau nữa, thì Thầy về.

Khi còn nhỏ, Hành chỉ dạy cho tôi đọc chữ trong Tam tự kinh, Ấu học ngũ ngôn thi, Sơ học vấn tân, Minh đạo gia huấn, Minh tâm bảo giám, Nhất thiên tự, Tam thiên tự, Ngũ thiên tự. Lớn hơn một chút lại dạy đọc Tứ thư, rồi thì Thi, Thư, Lễ, Dịch, Xuân Thu (ngũ kinh – lời người dịch), lại đọc cả Bách gia Chư tử, cổ văn các triều. Bản tính tôi ham chơi ghét học. Nhưng mỗi lần tìm cớ trốn học là y như rằng hôm sau lại phải chép phạt lấy mấy lần. Hành hiểu rõ tốc độ viết của tôi, lại thường nằm võng nửa thức nửa ngủ trông chừng tôi học.

- Nét chính định hướng, nét phụ đi theo, bắt đầu đưa bút từ nét mạnh, tiếp nối bằng nét nhẹ. Cứ vậy nối tiếp nhau, tự nhiên mà luân chuyển – Hành hờ hững nói vọng qua.

Tôi đưa bút, quả nhiên thấy lối viếc tự nhiên hơn hẳn. Hành lại nói:

- Có tốc độ rồi mới biết khống chế, biết khống chế rồi chữ viết sẽ thanh nhã tự nhiên. Tập viết là phải dựa vào cảm giác chứ không dựa vào đôi mắt. Nếu dựa vào con mắt, tiếp sau đó mới dùng tay để điều chỉnh thì viết không nhanh được. Đó gọi là ý trước tiên tại bút. Khi viết chữ, viết chữ này phải nghĩ tới chữ tiếp theo, không phải nhớ tới cách vẽ hình, mà phải nghĩ tới ý của chữ. Chỉ có như thế mới có thể vong ngã mà tâm thủ hợp nhất được!

Từ lúc đó tôi mới dần dần quên chú ý vào từng nét viết để thoát ra, nghĩ tới tiếp theo viết chữ gì. Ban đầu có chút băn khoăn vì sợ viết sai, nhưng quen rồi thì không ngờ càng viết càng nhanh, càng viết càng tự nhiên.

- Điều chỉnh tốc độ cho phù hợp với nhịp thở. Ngừng để hô hấp, ngừng để chấm mực, hay ngừng để xem câu chữ đều phải phối hợp nhịp nhàng theo nhịp tăng giảm tốc độ. Thô phải đẩy, tròn phải kéo. Bút phải chắc. Mực nhiều thì nhanh hơn, mực ít thì chậm lại. Kéo giấy phải như se chỉ luồn kim. Cái gọi là chân khí kéo dài, đều là được sinh ra trong lúc thay đổi tốc độ.

Hành càng nói càng trở nên nghiêm túc. Anh không còn nằm vắt vẻo trên võng nữa. Với thư pháp, anh thực sự trở thành con người hoàn toàn khác với chính anh thường ngày.

Khoảnh khắc ấy, tôi chỉ thấy dấu mực trôi như nước Trường Giang, từ xa cuồn cuộn đổ tới, tốc độ càng ngày càng nhanh, khí thế càng ngày càng đủ, lúc này trong mắt y chỉ có chữ, lòng y chỉ có chữ, bút của y chính là chữ.

Cái gọi là tốc độ làm cho tâm thủ hợp nhất...

Bốn bề như chìm trong vắng lặng, xung quanh tôi chỉ nghe thấy tiếng bút nhảy múa trên giấy nghe sàn sạt, những câu từ tân cổ cuồn cuộn trôi và cảm giác khoan khoái quấn quanh người. Tiếng ngáy của Quan, hay tiếng khóc đêm của Mai Chi thường ngày dường như biến mất.


Thế nhưng điều kỳ lạ là, gần tám năm học với bác Chương và Hành, chẳng một ai trong số họ giảng giải cho tôi rằng vì sao phải thế này, vì sao phải thế kia.

Đành rằng tam thiên tự, ngũ thiên tự… (tức là sách vỡ lòng – lời người dịch) thì không cần phải giải thích nhiều. Cá nhân tôi đọc xong đã hiểu, chẳng lấy gì làm khó khăn. Nhưng Luận ngữ, cũng như các cuốn khác thì lại là chuyện hoàn toàn khác! Mặc dù đại đa số nội dung đều đã có chú giải, nhưng quả thực là đọc chú giải cũng không dễ hiểu hơn bản chính bao nhiêu. Bạn bè trong lớp với tôi thì lớn nhỏ chưa ai học hết Minh Tâm Bảo Giám cả! Thành ra khó khăn cũng chẳng biết hỏi ai.

Nhưng rồi có lẽ vì tôi thông minh (cười), nên mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong việc cố nằm lòng một điều mình không hiểu, nhưng cuối cùng thì tôi vẫn làm được. Dù sao thì nếu đơn giản chỉ là học thuộc thì ta cũng không nên cố tìm hiểu những ý tứ sâu xa của chúng làm gì! Chỉ đơn giản hiểu được văn bản đang nói tới điều gì là được rồi!

Cho nên mãi đến khi thầy về, tôi mới cảm nhận được rằng, được một người thầy có tầm vóc tiến sĩ chỉ dạy là may mắn cỡ nào! Khắp huyện học, ông đồ tốt nhất cùng lắm chỉ xuất thân cử nhân. Hành thì mặc dù cũng là một trong những nhân vật xuất chúng nhất của dòng tộc họ Nguyễn lừng danh về khoa bảng, nhưng anh chẳng có một tí kỹ năng sư phạm nào! Mọi thứ anh làm giống như thể là việc tất nhiên, và một con người thiên tài như anh, đơn giản là không thể hiểu nổi những người bình thường như chúng tôi nghĩ gì.

Như có một câu trong Luận ngữ viết là "Hương nguyện, đức chi tặc giả". Tôi chẳng hiểu gì, mang ra hỏi Hành. Hành đáp:

- “Hương nguyện” là chỉ những người dân bình thường đó!

Rồi thôi…

Thế nên trước khi thầy đến, tôi cũng tuyệt vọng với chuyện hỏi Hành, vì hỏi nữa thì vừa chẳng hiểu gì, vừa bị cười vì ngốc nghếch.

Còn khi thầy đến dạy, người chỉ nói một câu toàn chữ Hán thế này:

- Vạn Tử viết: “Phi chi vô cử dã, thích chi vô thích dã; đồng hồ lưu tục, hợp hồ ô thế; cư chi tự trung tín, hành chi tự liêm khiết; chúng giai duyệt chi, tự dĩ vi thị”

(Vạn Tử nói: “Đó là cái kiểu người mà muốn phê bình cũng không có điểm gì để phê bình, muốn chỉ trích cũng không có điểm gì để chỉ trích, quen thói tập tục suy đồi, đồng dạng với thế gian ô trọc, tự nhận mình là người đàng hoàng liêm khiết, vui sướng vì nằm trong “suy nghĩ số đông” và tự cao tự đại”

Nghe xong, tự nhiên trong đầu tôi như sáng bừng. Hóa ra học chính là như vậy.

Lời người dịch: Đuối quá! Rảnh dịch tiếp vậy

Đăng nhận xét

0 Nhận xét