Rốt cục thì Ngu Công cũng có dời được núi đâu!

 Ngày nay chẳng mấy người trưởng thành nào ở xứ ta lại không biết tới chuyện "Ngu Công dời núi".


"Ngu Công dời núi" vốn là một trong số những câu chuyện nhỏ của Liệt Tử. Chuyện đại loại thế này:

Nước Đại Chúc có một ông cụ tên là Ngu Công, gần 90 tuổi. Trước cửa nhà ông có 2 ngọn núi lớn chắn đường là núi Thái Hành và núi Vương Ốc. Hai ngọn núi này cực kỳ bất tiện! Vì nằm ngay trước cửa nhà nên đi đâu cũng phải tìm đường vòng qua núi vừa xa vừa mệt nhọc, tầm nhìn cũng bị chắn mất.

Khó chịu quá nên Ngu Công quyết định san bằng 2 quả núi này cho... bõ ghét.

Có điều, núi lớn không phải muốn san bằng là san bằng! Núi cao lởm chởm toàn đá là đá, muốn dời đi thì phải đục vỡ ra từng tảng rồi mới cho vào sọt đổ đi được. Chưa kể đất đá nhiều như vậy thì chỉ có cách mang ra biển thì mới có chỗ chứa. Nhưng nhà ông thì cách biển tới cả chục dặm đường (mấy chục km tôi cũng lười tính - lời người viết). Vậy là mỗi ngày, ông dẫn cả gia đình từ vợ cho tới con cháu lên núi đục đá, đào đất bỏ vào sọt, rồi lại vác sọt lội bộ ra biển đổ.


Người làng thấy vậy liền cười ông. Bảo là núi to như vậy, đất đá nhiều như vậy, đường ra biển đổ đất lại xa như vậy, ông già rồi, sống được mấy nữa đâu mà đòi dời núi?

Ngu Công đáp, đời tôi có lẽ không kịp, nhưng con tôi, rồi cháu tôi, hết thế hệ này tới thế hệ khác thay nhau đào, thì sớm muộn gì hai trái núi cũng bị san bằng.

Người đó nghe xong không nói gì nữa.

Ròng rã dời núi hơn mười năm thì hành động của Ngu Công làm động lòng Thiên Đế. Người quyết định sai Khoa Nga Thị và Đại Lực Thần xuống dời hai quả núi đó đi. Thế là đường đi trước nhà Ngu Công không còn bị núi chắn nữa.

Người xưa xem đó là một câu chuyện vô cùng cảm động về lòng quyết tâm và ý chí chống lại vận mệnh của con người.

Nhưng truyện này xuất hiện lâu như vậy, ý kiến trái chiều dĩ nhiên là không ít. Trong đó tiêu biểu (và dễ thấy nhất) là những người "thực tế", bảo rằng sao không đơn giản là xây nhà khác, hoặc trổ cửa nhà ra hướng khác là được. Việc gì phải dời núi?


Trả lời câu hỏi này, người xưa đáp là: Đó đơn giản là một mệnh đề triết học (khái niệm này tôi tự thêm vào) liên quan đến cách thức đối mặt với những điều không thể (những ngọn núi khổng lồ), chứ không đơn giản là chuyện chuyển nhà. Nếu đó chỉ đơn giản là một ngôi nhà thì dễ rồi, nhưng theo nghĩa rộng, nó là những thứ quan trọng, sâu sắc và bất biến hơn, vậy thì cách giải quyết phải là thế nào? Chấp nhận số phận như bất kỳ người bình thường nào, hay chiến đấu chống lại nó dù biết chắc đó là điều không thể (như Ngu Công)? Chừng đó thì còn một giải pháp thứ ba nào nữa đâu!

Tuy nhiên bài viết này không phải nói về chuyện đúng sai của câu chuyện này.

Thứ tôi muốn nói ở đây là, nếu như bỏ qua tất cả các yếu tố bên ngoài, tức là xem chuyện dời núi hoặc không dời núi là 2 biện pháp duy nhất đối với một nan đề, thì cho đến cuối cùng, Ngu Công cũng có dời được núi đâu!


Theo lý tưởng của ông, ông biết chắc rằng bản thân mình sẽ không dời nổi núi. Nhưng đời ông không được thì đời con ông. Đời con ông không được thì đời cháu ông... Sẽ có một ngày, hai quả núi đó sẽ bị chính đôi bàn tay của gia đình ông dời bỏ.

Nhưng lý tưởng đó đã làm cảm động Thiên đế. Và hậu quả là Thiên đế đã thay ông hoàn tất phần công việc còn lại: Dời bỏ cả 2 ngọn núi để gia đình ông không cần phải cố gắng hơn nữa.

Vấn đề đặt ra là, những người theo chủ nghĩa duy mục đích sẽ cười thích thú khi kết quả diễn ra theo đúng ý mình. Nhưng kết quả đó liệu có ý nghĩa gì khi không phải do chính đôi bàn tay bạn (hoặc những người cùng đồng hành với bạn) tạo ra?


Mười năm dời núi là một khoảng thời gian quá dài! Ngu Công đã 90 tuổi, mỗi ngày đối với ông lại còn quý giá hơn hàng trăm lần so với bất kỳ một người trẻ nào. Thế những tất cả những gì ông và gia đình ông làm được, không phải là dời một ngọn núi, dời nửa ngọn núi, hay dời một phần nhất định nào đó của ngọn núi, mà là dời được cảm tình của Thiên đế. Nếu mục đích của ông là cảm động Thiên đế, ông đã thành công. Nếu mục đích của ông là dời núi, ông cũng thành công. Nhưng nếu mục đích của ông là TỰ MÌNH dời núi, ông đã thất bại.

Mao Trạch Đông hiểu rõ điều này. Vì thế nên trong kế hoạch Đại nhảy vọt của mình, họ Mao đã cố ý xóa sạch phần "Thiên đế cảm động" trong truyện "Ngu Công dời núi bản chỉnh lý". chỉ nói Ngu Công đã dời được núi. Vậy thôi!

Điều đó dĩ nhiên là vì mục đích chính trị rõ rệt. Tuy nhiên, xét từ trên một khía cạnh nào đó, ông cũng xứng đáng nhận được tán dương từ những người theo quan điểm trọng quá trình:

Tôi muốn dời núi, vậy thì thành công duy nhất có ý nghĩa đối với tôi là ĐƯỢC DỜI NÚI, chứ không phải là DỜI ĐƯỢC NÚI.

Tôi có thể được giúp đỡ. Nhưng giúp đỡ không có nghĩa là hoàn thành giúp. Bởi vì nếu được hoàn thành giúp, thành công sẽ chẳng còn là của tôi nữa!

Nên thật tiếc cho Ngu Công, vì cuối cùng ông cũng có dời được núi đâu!

-----------

P.s: Không có máy tính đúng là thử thách thực sự cho Blogger. Thứ này đã lỗi thời đến nửa thập kỷ khi mà không thể thích ứng được với màn hình điện thoại thông minh. Hờ! Đó hẳn là một trong những cái cớ tuyệt vời để tôi có thể viết ít hơn trong một khoảng thời gian dài...

Đăng nhận xét

0 Nhận xét