Những đứa trẻ ngoan (Nice Guy - Nice Girl)

Sếp của bạn luôn ném thêm cho bạn cả đống công việc vào cuối ngày và yêu cầu hoàn thành trước sáng hôm sau. Bạn vẫn đồng ý bất kể rằng hẳn chẳng hề có ý định trả lương tăng ca cho bạn. Đó là chưa kể, tối hôm đó bạn có kế hoạch hẹn hò với gấu sau nhiều ngày không gặp. Kết quả là bạn gầm gừ trong cổ họng, và phẫn uất làm việc cho đến tờ mờ sáng hôm sau.

Bạn đi ăn tại một nhà hàng đắt tiền, gọi một tô phở thật ngon. Nước phở mặn chát, còn rau sống thì héo khô. Gã phục vụ hỏi: "Thức ăn thế nào?". Bạn đáp: "Không vấn đề", rồi hằm hằm bỏ đi nửa tô phở.

Bạn muốn đi học lái xe, nhưng bạn nghĩ rằng vợ mình sẽ không vui nếu bạn phải xa rời cô ấy một hoặc hai giờ mỗi tuần. Kết quả là bạn thậm chí còn không dám bàn với cô về ý định đó.

Gã hàng xóm của bạn vác loa kẹo kéo ra hát karaoke đinh tai nhức óc suốt cả đêm khiến bạn không sao ngủ được. Bạn không thèm sang nhắc nhở mà quyết định lên facebook viết status nói xấu anh ta với bạn bè.

Nếu bạn lâm vào một trong số bất kỳ tình huống nào trên đây, hoặc tương tự, vậy thì tôi xin hết sức đau buồn mà nói rằng, bạn đã mắc chứng bệnh Trai tốt (good boy), hay nói theo ông Robert Glover, một tiến sĩ tâm lý học, thì là hội chứng Nice Guy. Dĩ nhiên tôi có thể gọi đơn giản là Nice Guy, nhưng theo kinh nghiệm của tôi thì chả riêng gì con trai, cả con gái bây giờ cũng có những người... chả khác gì. Vậy nên để cho công bằng, tôi sẽ gọi là TRẺ NGOAN. Từ này không đồng nghĩa với khái niệm trẻ ngoan mà chúng ta thường hiểu. Nên hãy lưu ý là tôi chỉ dùng nó cho riêng bài viết này thôi nhé!

Trẻ ngoan là mẫu người có thói quen tiếp cận cuộc sống hết sức thụ động! Thay vì thể hiện quan điểm của riêng mình, họ để mặc cho người khác dẫm đạp lên quyền lợi và tự trọng của chính họ. Họ sợ hãi các mối quan hệ tan vỡ, và chỉ cố gắng kìm nén bản thân để làm hài lòng người khác.

Chính vì tất cả những điều này, họ luôn gặp khó khăn khi từ chối yêu cầu của người khác, ngay cả khi đó là những yêu cầu hết sức vô lý! Họ để tâm quá nhiều đến những sai lầm của bản thân (tất nhiên tôi hiểu rằng chú ý đến sai lầm của bản thân là điều hết sức tốt đẹp để con người ta tiến bộ, nhưng để tâm quá nhiều sẽ khiến bạn trở nên tiêu cực và yếm thế). Đó là chưa kể, Trẻ ngoan còn ngại ngần cả việc yêu cầu người khác làm gì đó giúp mình, vì sợ làm phiền người khác. Họ ám ảnh đầy sợ hãi với mọi xung đột/tranh luận/cãi vã không khác gì nhân loại sợ Covid-19. Đối với họ, hòa bình giả tạo vẫn tốt hơn ngàn lần, thậm chí, so với sự tiến bộ.

Thoạt đầu, người ta có thể nhầm lẫn Trẻ ngoan với một vị thánh. Họ hào phóng, nhiệt tình, và cực kỳ lịch thiệp. Nhưng nếu như tiếp xúc sâu hơn, bạn nhất định sẽ phát hiện ra rằng từ sâu bên trong, họ là những kẻ bất lực đầy lo lắng và phẫn uất. Họ lo lắng vì tin rằng giá trị của bản thân phụ thuộc vào sự ủng hộ của người khác, hoặc nói cách khác, là được càng nhiều "like" càng tốt. Họ lãng phí rất nhiều thời gian để tìm cách nói "không" với người khác. Thế nhưng, dù phải suy nghĩ rất nhiều, đa phần các câu trả lời vẫn là "có". Lý do đơn giản là họ không dám.

Các Trẻ ngoan không cảm thấy mình đủ khả năng để theo đuổi một thứ gì đó mà họ thực sự thích. Ngoài ra, đôi khi họ còn không có thứ gọi là "thực sự thích" nữa!

Vì luôn bị bó buộc trong những việc mà "người khác nghĩ là tốt cho họ", Trẻ ngoan hiếm khi kiểm soát được chính cuộc sống của mình. Hệ quả là, những con người này luôn chất chứa trong lòng những phẫn uất, bực bội và thù hằn. Họ tin rằng người khác đang cố gắng lợi dụng họ, mặc dù chính bản thân họ mới là người cho phép điều đó.

Vấn đề là, họ phải làm gì để giành lại quyền kiểm soát cuộc sống của chính bản thân mình và từ chối bị cả thế giới thao túng như 70% nhân loại khác?

Một số chọn cách rất cực đoan là trở thành các Bad Guy (trẻ hư) đầy hung hăng. Tức là thay vì ngoan ngoãn phục tùng như trước đó, họ tin rằng mình cần phải chiếm ưu thế trong MỌI TÌNH HUỐNG.

Dĩ nhiên sự quyết đoán cương nghị sẽ rất thích hợp trong một số trường hợp, đặc biệt là các trường hợp có yếu tố cạnh tranh. Thế nhưng vấn đề là thế giới này không chỉ có cạnh tranh.

Thực tế là, hung hăng quá sẽ hỏng việc! việc sử dụng phong cách giao tiếp kiên trì, tích cực thường có thể phản tác dụng bằng cách tạo ra sự oán giận và hành vi hung hăng thụ động ở chính những người mà chúng ta đang cố gắng kiểm soát.

Vậy thì thay vì thụ động hoặc hiếu chiến, vì sao ta không chọn một cách giao tiếp nào đó trung dung hơn?

Sự quyết đoán: Lựa chọn trung dung giữa thụ động và hung ác:

Sự quyết đoán này bao hàm cả 2 ý nghĩa gồm sự cương nghị nam tính của đàn ông, và thái độ tự tin của phụ nữ.

Ngay cả trong bối cảnh hiện đại như ngày nay, những đứa trẻ đang trưởng thành, cả ở nam lẫn nữ, đều không thường được hướng dẫn rõ ràng về các cách ứng xử khôn ngoan và quyết đoán. Đa phần các bài học từ giáo viên, cũng như người lớn tuổi, đều yêu cầu họ nhún nhường hơn, hiền lành hơn, cam chịu hơn, và kỷ luật hơn. Trong khi đó, không gian mạng và các mối quan hệ xã hội lại gợi ý về những cách cư xử thô ráp hơn, hống hách hơn, và bạo lực hơn. Chính vì lý do này, những đứa trẻ ngoan lớn lên trong hoang mang, và không có cách nào để vạch ra được ranh giới giữa hung hăng và thụ động. Chúng không hiểu khi nào thì cần nhún nhường, khi nào thì cần ra oai, khi nào cần thỏa hiệp, khi nào cần gây hấn. Thêm vào đó, những bài học lý thuyết và thực tế vận hành trong xã hội lại liên tục tạo ra các mâu thuẫn không thể giải quyết từ tận sâu trong suy nghĩ chúng!

Vậy thực ra quyết đoán nghĩa là gì?

Nói ngắn gọn, sự quyết đoán là một kỹ năng giao tiếp giữa các cá nhân, trong đó bạn thể hiện cho người đối diện thấy cảm giác tự tin mạnh mẽ đủ để bảo vệ quyền lợi của bản thân, nhưng vẫn đủ tinh tế để tôn trọng quyền lợi của người đối diện. Một con người được xem là quyết đoán khi anh ta/cô ta tỏ ra trực tiếp và trung thực với mọi người. Bạn không cần phải hét thật lớn, hoặc đập phá tất cả mọi thứ, nhưng vẫn có thể cho người khác hiểu suy nghĩ của bạn/hoặc điều bạn muốn. Nếu có gì đó khiến bạn phiền lòng, bạn lên tiếng. Nếu bạn cần điều gì đó, bạn lên tiếng. Và dĩ nhiên, tất cả phải được trình bày một cách ngắn gọn và tao nhã

Sự quyết đoán này cũng có thể được hình dung rằng bạn, không giống như mọi đứa trẻ ngoan trên cuộc đời, có thể điềm nhiên chấp nhận quyền khước từ của người khác. Bạn có thể thỏa thuận lại theo một hình thức khác, hoặc đơn giản là không nhắc đến nó nữa. Bởi vì bạn hiểu rằng, người khác cũng có quyền được nêu lên ý kiến của họ giống như bạn.

Lợi ích của sự quyết đoán

Đó là cải thiện một cách sâu sắc các mối quan hệ của bạn!

Trong series bài viết Chinh phục một cô gái, Ghost có nói một lần rằng, một trong những phương pháp tốt nhất để xây dựng và cải thiện một mối quan hệ nào đó, chính là sự chia sẻ để thấu hiểu. Những đứa trẻ ngoan không dám chia sẻ suy nghĩ của mình vì sợ người khác buồn, không đủ chính trực để người khác có thể hiểu, và dĩ nhiên, không đủ vị tha để chấp nhận rằng người khác cũng có quyền được lựa chọn. Dần dà, tự đáy lòng họ sẽ tích tụ cảm giác lo lắng và oán giận với người còn lại. Và dù kết quả có thế nào, cuối cùng họ cũng sẽ là người cuối cùng ngồi khóc lóc kể lể về một mối quan hệ tan vỡ (dù họ chẳng thể nào hiểu rằng, chính bản thân họ mới là người có lỗi).

Cách đây mấy hôm, vụ việc của Thiều Bảo Trâm, Sơn Tùng, và Hải Tú khiến cộng đồng mạng gào rú điên cuồng. Trong đó âm thanh nổi bật nhất là từ bè lũ tay sai của Thiều Bảo Trâm, chửi bới Hải Tú "giật bồ", chửi bới Sơn Tùng "làm phí hoài thanh xuân của Trâm", và chửi bới đàn ông thiếu chung thủy "cộng khổ thì được nhưng không biết đồng cam". Tôi không bàn nhiều về chuyện này. Nên nếu muốn phân tích đúng sai, bạn có thể tùy tiện lên các fanpage trending hơn để tìm hiểu.

Điều duy nhất tôi muốn kể ở đây là, hành động của Thiều Bảo Trâm và bè lũ tay sai cũng có thể coi là phản ứng cuối cùng của những đứa Trẻ ngoan (hay vừa tiến hóa lên Trẻ hư), để kết thúc một mối quan hệ mà họ tin rằng họ mới là người bị phản bội.

Họ mạt sát người khác vì tin rằng mình bị lừa dối. Họ nguyền rủa người khác vì đối phương không tử tế với họ đúng như những gì họ nghĩ trong đầu. Và rất có thể, họ còn không ngừng càu nhàu, không ngừng lải nhải, không ngừng ca thán mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút, mỗi giây về những hi sinh chịu đựng của bản thân trong mối quan hệ (giờ đã là quá khứ) - những điều mà tôi khá chắc là chỉ do họ tự chuốc lấy. Cuối cùng, họ khinh bỉ tin rằng người còn lại đơn giản đã chưa bao giờ yêu thương họ, dù cho tình yêu trước đó có tươi đẹp đến cỡ nào.

Nói theo ngôn ngữ dân gian: Họ DẪM.

Khi bạn có một thói quen quyết đoán hơn, bạn sẽ cảm thấy bớt căng thẳng. Bạn ít suy nghĩ tầm phào vô ích bởi vì bạn không cần chúng. Bạn sẵn sàng nói không với những điều mình không muốn để tránh miên man chìm đắm vào khổ đau hi sinh. Bạn thôi lăn qua lăn lại bận tâm về việc người khác nghĩ gì về bạn, họ có ghét bạn không, bla bla. Bạn thôi phiền lòng vì ngay cả khi đối phương có từ chối một yêu cầu nào đó của bạn thì cũng là điều bình thường. Và cuối cùng, bạn kiểm soát được cuộc sống của mình.

Sự tự tin bắt nguồn từ đó!

Khi bạn quyết đoán hơn, bạn kiểm soát được tâm tính của mình. Thái độ và hành vi của bạn sẽ chỉ được điều chỉnh bởi chính bạn, thay vì lo lắng phụ thuộc vào suy nghĩ của người khác. Từ đó, bạn có trách nhiệm hơn với chính mình, hiểu rõ mình cần phải làm gì để tốt hơn, hoặc ít nhất là hạnh phúc hơn.

Bạn cũng sẽ bớt bực bội hơn vì người khác. Các mối quan hệ cũng sẽ trở nên thú vị hơn. Bạn sẽ không còn phải ngậm đắng nuốt cay khi nói đồng ý với một yêu cầu giúp đỡ từ ai đó. Bởi vì khi đó bạn làm vì bạn thực sự muốn làm, chứ không phải "để ai đó vui". Kết quả của tất cả những điều đó, là các mối quan hệ sẽ bền chặt một cách hoàn toàn tự nhiên.

Và dĩ nhiên, bạn sẽ thôi trở thành tay sai, hoặc một Thiều Bảo Trâm thứ hai, thứ ba, thứ tư nào đó đang ca thán về 8 năm thanh xuân sống hoài sống phí bên một thằng/con người yêu cũ chó má chẳng yêu thương gì mình ngay từ đầu.

Vậy làm thế nào để trở nên quyết đoán hơn?

Theo kinh nghiệm của cá nhân tôi, cách duy nhất để trở nên quyết đoán hơn, chính là tự bản thân bạn phải thay đổi suy nghĩ của chính mình. Bạn cần loại bỏ mọi suy nghĩ mông lung không cần thiết, và vạch ra đích xác những giới hạn và kỳ vọng của bản thân. Dưới đây là một vài gợi ý để đưa tư duy của bạn đi đúng chỗ.

1/ Đặt ra giới hạn:

Bước đầu tiên để trở nên ít "ngoan" hơn là thiết lập những giới hạn cho bản thân. Giới hạn ở đây là những quy tắc mà chính bản thân bạn tự tạo ra trong các mối quan hệ xã hội. Theo đó, người đối diện được phép làm bất kỳ điều gì "trong giới hạn cho phép", và chỉ trong giới hạn cho phép mà thôi!

Trước đây, tôi thường gọi là "cái vảy ngược". Nhưng giờ gọi là giới hạn cho nó dễ hiểu.

Trẻ ngoan thì làm gì có cái ranh giới này! Chúng sợ mích lòng muốn chết! Khó chịu cũng chỉ biết ngậm tăm, làm gì dám ngăn cản người khác?

Phải hiểu rằng bạn mới là người duy nhất chịu trách nhiệm về tất cả mọi vấn đề của chính bạn. Trẻ ngoan không biết vạch giới hạn, để rồi khi người khác xâm phạm chúng và tạo ra các vấn đề, chúng khóc rống lên, giãy nãy, và trông chờ người khác "chịu trách nhiệm" với mình. 

Những người quyết đoán thì không như vậy.

Nếu bạn thấy điều gì đó cần thay đổi trong cuộc sống của mình, hãy hành động! Nếu bạn không hài lòng với điều gì đó trong cuộc sống, hãy cải thiện chúng, dù là từ các bước rất nhỏ! Đừng mong đợi rằng, dù bạn không nói gì, người khác cũng sẽ "tự hiểu"! Chẳng ai có thể đọc được suy nghĩ của người khác, dù là thân thiết đến bao nhiêu chăng nữa! Vậy nên trước khi khoa học tạo ra một phát minh thần kỳ nào đó giúp cho thuật thần giao cách cảm trở nên khả thi như... truyền dữ liệu bluetooth, hãy tập cách nói ra. Nếu không cho rằng mọi người biết nhu cầu hoặc mong muốn của bạn, đừng mơ có thứ gì đó thành sự thực! Thứ bạn thấy trên phim ảnh về những chàng hoàng tử/nàng công chúa tinh tế nắm bắt mọi thứ để khiến bạn luôn hài lòng chỉ là ảo mộng không thực tế mà thôi! Đừng "em tưởng" nữa!

2/ Hiểu rằng bạn không chịu trách nhiệm với lời nói hay hành động của người khác

Cả đám Trẻ ngoan lẫn Trẻ hư đều có chung một vấn đề: Chúng nghĩ rằng chúng chịu trách nhiệm luôn với cách người khác cảm nhận hoặc hành xử. Chẳng qua cách thể hiện của chúng hơi khác nhau một tí.

Đám Trẻ hư quyết tâm chịu trách nhiệm với hành vi của người khác bằng cách sử dụng sức mạnh thể chất, tinh thần và áp lực cảm xúc (mè nheo, nhì nhằng, lải nhải...) của mình.

Trẻ ngoan thì chịu trách nhiệm với hành vi của người khác bằng cách phục tùng họ. Chúng tin rằng đó là cách giúp mọi người đều vui vẻ, ngay cả khi điều đó khiến chúng đau khổ.

Ngược lại với cả 2 loại, người quyết đoán hiểu rằng, anh ta không chịu trách nhiệm với những việc làm và suy nghĩ của người khác! Thứ duy nhất họ chịu trách nhiệm là cách hành xử và suy nghĩ của bản thân. Và vì thế, họ không đổ lỗi, cũng không có lý do để đổ lỗi.

Điều này dĩ nhiên không có nghĩa là bạn quan tâm đến cảm xúc hay hành động của người khác. Ở đây mọi thứ chỉ đơn giản là bạn không cố suy nghĩ quá nhiều về người khác. Bạn chỉ nên bảo vệ các giá trị cơ bản của bản thân để tránh bị khó chịu hoặc xúc phạm ai đó. Còn việc đối phương có khó chịu hoặc bị xúc phạm hay không, hãy để họ tự nói ra.

Tự chịu trách nhiệm với chính mình cũng là một bước quan trọng để trưởng thành. Bởi vì nếu bạn đã quyết định, bạn phải hiểu rằng một khi không ai có quyền sai khiến bạn (ngoại trừ chính bản thân bạn), thì không ai chịu trách nhiệm với chính bạn. Bớt "tại vì..." lại sẽ làm bạn giỏi hơn. Công ty nào chả nói thế!

3/ Quyết đoán trong hành động

Khi bạn đã có suy nghĩ đúng, bạn cần hành động:

Nếu ý nghĩ đứng lên vì quyền lợi của bản thân khiến bạn sợ hãi, hãy bắt đầu với những tình huống ít rủi ro hơn. Ví dụ: Nếu bạn gọi một ổ bánh mì thịt, nhưng bà chủ quán lại mang ra ổ mì chả, hãy yêu cầu đổi! Nếu bà ta năn nỉ, đừng chấp nhận! Nếu bạn đang muốn đi bơi, nhưng gấu lại đòi đi nhậu, hãy tát vào mặt nó, hãy nói với gấu là mình đang rất muốn đi bơi, sau đó cả 2 sẽ suy nghĩ xem nên chọn đi đâu.

Một khi bạn cảm thấy thoải mái trong những tình huống rủi ro thấp tương tự thế này, hãy bắt đầu với bước thứ 2:

Biết cách nói đéo KHÔNG.

Với nhiệm vụ này, hãy quyết đoán từ chối với những người bạn thân thiết nhất (đối với những việc bạn không thích). Đa số những người thân với bạn sẽ không khó chịu nếu bạn từ chối họ. Vì thế, những đứa Trẻ ngoan như bạn sẽ đỡ cảm thấy tội lỗi hơn.

Một số người sẽ thất vọng khi bạn từ chối họ? Có thể! Nhưng vì sao họ có thể từ chối bạn ở những việc họ không thích, còn bạn thì không? Và rồi nếu họ với bạn đủ thân, thì chỉ một vài lời từ chối có thể khiến mối quan hệ rạn nứt được sao?

Bước tiếp theo nữa là hãy dùng những câu đơn giản và trực tiếp nhất để thể hiện suy nghĩ của mình.

Ví dụ như khi sếp bạn yêu cầu bạn làm thêm 1 đống việc vào cuối ngày, và yêu cầu hoàn thành trước sáng hôm sau, thì thay vì lèo nhèo là:

Em mệt lắm sếp ơi! Bữa nay em đã làm muốn rã người ra rồi! Em hiểu là sếp đang cần gấp, nhưng mà em đéo làm kịp đâu!

Hãy gọn gàng hơn bằng cách:

Dạ không! Tối nay em bận!

Các ví dụ khác cho kiểu câu từ chối trực tiếp và gọn gàng:

Em cần phản nói năng cẩn thận hơn!

Nghĩa của nó là: Anh cảm thấy bực bội khi em toàn nói những thứ vớ vẩn hoặc xúc phạm anh trước mặt người khác.

Em bận rồi!

Nghĩa của nó là: Em có sẵn lịch làm việc rồi! Và nếu muốn em thay đổi lịch thì anh cần thông báo cho em trước 3 ngày! Còn không thì miễn!

Vân vân và vân vân

Mánh khóe ở đây là, câu càng ngắn, thì càng dễ nói! Nếu bạn không giỏi từ chối, thì thay vì viện lý do này nọ để người khác thương hại bạn, hoặc tự hiểu, hãy nói ngắn.

Dĩ nhiên khi nói ngắn thế này, phải hết sức cẩn thận để tránh chuyển thành lời buộc tội đối phương kiểu

Mày chỉ là 1 ngọn cỏ ven đường, làm sao với được mây như tao

Ngoài ra, cũng đừng xin lỗi, hay tỏ ra có lỗi. Vì nhu cầu của bạn là đúng đắn. Trừ phi yêu cầu của bạn quá vô lý, thì thôi thua.

Khác biệt lớn nhất giữa người quyết đoán và Trẻ ngoan chính là, người quyết đoán chỉ cảm thấy có lỗi khi họ sai. Còn Trẻ ngoan thì luôn nghĩ rằng, từ chối người khác thì luôn có lỗi, dù đúng dù sai.

Lý do cuối cùng để sử dụng câu ngắn chính là, bạn không cần phải biện minh / giải thích ý kiến ​​/ lựa chọn của mình. Bởi vì theo thói thường, nếu bạn giải thích / viện cớ, mà người khác cảm thấy lời ấy vô lý, họ sẽ yêu cầu bạn làm theo bằng cách gạt phăng chúng đi.

Trẻ ngoan, với nhu cầu làm hài lòng người khác, luôn cảm thấy có nghĩa vụ phải đưa ra lời giải thích hoặc biện minh cho mọi điều. Họ muốn đảm bảo rằng mọi người đều sẽ cảm thông với lựa chọn của họ. Dù thế nào đi nữa! Ôi chao!

Phần kết

Mặc dù trong cuộc sống, đôi khi bạn vẫn phải làm điều gì đó đi ngược lại với ý muốn của mình. Tuy nhiên, hãy học cách nói lên ý kiến ​​chính đáng của bạn (và tôn trọng ý kiến của cả người khác nữa). Bởi vì dù cho kết quả có thế nào, bạn vẫn sẽ cảm thấy cuộc sống của mình sẽ thực sự thuộc về chính mình hơn! kiểm soát được cuộc sống của mình nhiều hơn. Mà cuộc sống của bạn, nếu không do chính bạn kiểm soát, thì còn gì đáng sống nữa?

Đăng nhận xét

0 Nhận xét