Về vấn nạn "sợ hãi mạo danh" (Impostor) trong xã hội

Nếu như có một ngày, bạn phải sống trong cảm giác sợ hãi, rằng sẽ đến một lúc nào đó, người ta sẽ đạp cửa xông vào nhà bạn rồi hét lớn: Đồ dối trá!

Nếu như có một ngày bạn đã luôn nghĩ rằng mình không xứng đáng với những gì mình đang được nhận, rồi lo lắng một ngày ai đó sẽ tước hết mọi thứ và trả bạn về đúng với nơi bạn xứng đáng thuộc về.

Nếu như có một ngày, bạn sẽ mất hết tất cả mọi năng lực, kỹ năng, hay kinh nghiệm, dù là trời phú hay do chính mình cố gắng rèn luyện mà có. Người ta sẽ đá bạn ra đường vì hết giá trị lợi dụng.

Giống như cách mà các phi hành gia tống những người mà họ nghĩ là impostor ra ngoài không gian trong Among Us...

...

Nếu thế thì bạn được xem là đang bị vướng vào hội chứng Impostor mà chúng ta sẽ bàn đến trong bài viết này.

Tôi nghĩ là bài viết này sẽ khá dài, vậy nên dựa trên một vài gợi ý từ phía bạn đọc, từ bây giờ tôi sẽ viết ngay một cái mục lục để mọi người dễ theo dõi:

Hiện tượng Among us và các Impostor

Vào khoảng nửa cuối năm 2020 vừa qua, cộng đồng người chơi game thế giới lại được một dịp xôn xao vì một tựa game tuy đơn giản nhưng lại cực kỳ thu hút, gọi là Among Us. Trò chơi này nổi tiếng tới nỗi, nó thu hút cả những người chưa bao giờ chơi game, kể cả các game trên điện thoại đơn giản nhất trước đó, các trang mạng xã hội, cũng như báo chí, thì tràn ngập meme mô phỏng những tình huống trong trò chơi, và các cửa hàng gấu nhồi bông lại được một dịp bán đắt như tôm tươi từ các sản phẩm mô phỏng hình dáng các nhân vật trong trò chơi.

Điều thú vị nhất của trò chơi này, không phải nằm ở những nhân vật cute (dĩ nhiên là chúng vẫn cute), gameplay ấn tượng, hay đồ họa xuất sắc! Thực tế thì trò chơi đã... thất bại thảm hại trong suốt 2 năm ra mắt. Và rồi, bùm! Một streamer nổi tiếng đã mang nó lên live stream. Sau đó cả thế giới cùng chơi nó.

Theo lời một tiến sĩ tâm lý học (Chà! Tôi đã đọc được về chủ đề này từ khá lâu, nhưng giờ mới bắt đầu viết, nên đã phải mất hàng tiếng đồng hồ cũng không thể tìm lại được chính xác danh tính của bà ta, cũng như nguồn gốc của câu nói. Nên thôi thì bạn đọc của tôi cảm phiền để tôi ngừng ghi tên tác giả và nguồn gốc ở đây nhé), thì nguyên nhân cho tất cả mọi sự nổi tiếng của Among Us chính là đã "gãi đúng chỗ ngứa" trong tiềm thức của con người:

Điều khiến cho Among Us trở nên đặc biệt thú vị chính là, nó khiến con người tự do nghi ngờ mọi thứ, sợ hãi mọi thứ, nhưng vẫn khao khát được cộng đồng công nhận.

Thế nhưng chúng ta sẽ không đi xa hơn, bởi vì bài viết này không nói về Among Us.

Vấn đề ở đây là, đúng như trên trích dẫn ở phía trên, trong khi người ta thích Among Us vì nó đánh đúng vào tâm lý của nhân loại nói chung và từng cá thể chúng ta nói riêng, thì trùng hợp thay, trong tâm lý học, người ta cũng có một khái niệm có cùng tên gọi với nhóm nhân vật trong Among Us, gọi là: Hiệu ứng Impostor (Kẻ giả mạo/kẻ mạo danh).

Hội chứng Kẻ mạo danh, tức là một hiện tượng/căn bệnh tâm lý tương đối phổ biến trong xã hội, xuất hiện khi con người nghi ngờ chính tài năng, kinh nghiệm, năng lực, thành tích, hoặc tất cả mọi thành tựu mà họ sở hữu, bất chấp rằng tất cả mọi kiểm chứng.

Theo đó, những người bị hội chứng Impostor (từ giờ sẽ gọi là các Impostor, mặc dù nó không đúng nghĩa hoàn toàn, nhưng để cho gọn) sẽ cảm thấy như thể họ không xứng đáng với tất cả những gì họ đã đạt được, và thay vào đó, họ cho rằng thành công của họ, chẳng qua là sản phẩm kết hợp giữa may mắn và sự gian dối.

Nói một cách đơn giản, tất cả các Impostor đều có một nỗi sợ dai dẳng rằng ai đó sẽ phát hiện những trò “gian lận” của họ (mặc dù có thể họ không hề gian lận), và sau đó, cả thế giới sẽ dè bỉu khinh thường "con người thật" nào đó của họ.

Thực ra, ngay cả khi nhìn thấy chính mình trong những dòng phía trên thì bạn cũng đừng lo lắng! Có khoảng hơn 70% dân số nhân loại nói chung (tỷ lệ tương tự ở cả nam lẫn nữ) đều cảm thấy giống bạn, ít nhất là trong một thời điểm nào đó. Bản thân tôi cũng vậy (và đó là lý do tôi viết về chủ đề này).

Tiến sĩ Valerie Young, một chuyên gia về tâm lý học đã viết:


Hội chứng kẻ mạo danh là thứ gì đó còn vượt xa cảm giác thiếu tự tin. Các Impostor luôn đánh giá chính mình dựa theo một tiêu chuẩn năng lực hết sức không thực tế nào đó. Để rồi khi không thể đạt được tiêu chuẩn đó, họ xấu hổ và sợ hãi.

Bạn gái tôi năm nay mới 22 tuổi. Ở Việt Nam, đó là lứa tuổi phổ thông nhất cho những người vừa tốt nghiệp đại học và bắt đầu tìm kiếm công việc nghiêm túc để trang trải cuộc sống. Gần như ngay lập tức, cô vướng vào hàng loạt các rắc rối liên quan đến việc tự đánh giá năng lực của mình như tự ti với kinh nghiệm bản thân, lo lắng trước các yêu cầu của doanh nghiệp, sợ hãi vì tin rằng các thành tích quá khứ có được hoàn toàn do may mắn... Dĩ nhiên bạn gái tôi là mẫu người hết sức có chính kiến, và khủng hoảng thời đầu xin việc đó vẫn chưa được xem là một Impostor đúng nghĩa. Thế nhưng chỉ cần dựa trên thông tin trên mạng xã hội của những người cùng lứa tuổi, phóng chiếu ra một thế hệ, thì ta có thể dễ dàng nhận ra rằng, Impostor thực ra đang hiện hữu rõ ràng hơn bao giờ hết (và đó cũng là lý do chính để tôi viết những dòng này.

Vì sao chúng ta vướng vào Hội chứng Impostor?

Không thể có một đáp án chung cho tất cả mọi người! Tuy nhiên, chúng ta có thể lọc ra được một vài điểm tương đồng giữa các Impostor. Cũng theo Valerie Young, 5 đặc điểm chung của những người thường cảm thấy mình là Impostor, mặc dù có đầy đủ các bằng chứng khách quan thừa sức chứng minh ngược lại. Cụ thể là:

  • Người cầu toàn
  • Siêu nhân
  • Thiên tài bẩm sinh
  • Solo-er
  • Chuyên Gia

Bạn có thể tìm thấy những cách dịch tương đối khác đi đôi chút trên các trang viết khác. Nhưng về cơ bản thì là vậy!

Ngoài ra thì bản thân tôi không phải là một chuyên gia tâm lý! Bạn đọc của tôi, có lẽ cũng không có quá nhiều hứng thú để đào sâu hơn về vấn đề nguyên nhân, các phản ứng tâm-sinh lý bên trong cơ thể, và hàng loạt ẩn ức nhân loại đã dẫn đến hiện ứng Impostor. Vậy nên trong bài viết này, tôi sẽ chỉ nhắc qua hết sức đại khái về từng nhóm Impostor, và cách mà người ta cố gắng chiến thắng chúng. Nếu bạn muốn tôi đào sâu hơn về mặt nghiên cứu, xin vui lòng để lại lời nhắn bên dưới bài viết. Tôi mới sửa lại một chút về giao diện, nên bạn có thể dùng account Google hoặc Facebook tùy ý để comment! Rất đơn giản thôi!

Impostor: Người cầu toàn

Nếu bạn chỉ cảm thấy hơi khó chịu khi nhìn thấy tấm hình bên dưới đây, bạn có thể là người thích cái đẹp. Nhưng nếu bạn bị ám ảnh bởi nó trong suốt một khoảng thời gian dài, thậm chí đau đớn ngay cả khi ai đó chịu xoay cái nắp cống lại, nhưng lại để lệch đi... 0,1 cm, bạn chính là một người cầu toàn (Perfectionist).


Chuyện gì đang xảy ra với Người cầu toàn?

Người Cầu toàn luôn khao khát mọi thứ phải chuẩn chỉ 100% trong mọi mặt.

Họ đặt ra những mục tiêu cực kỳ cao với bản thân. Và dĩ nhiên, đa số chúng không thể thành hiện thực. Thậm chí, ngay cả khi chinh phục thành công những mục tiêu không tưởng đó, họ vẫn cảm thấy đau đớn, vì rằng đáng lẽ họ đã có thể làm tốt hơn. Kết quả là cảm giác nghi ngờ bản thân bắt đầu không ngừng len lỏi.

Điều này dĩ nhiên có 2 mặt:

Một mặt, đặt mục tiêu cao một chút rõ ràng là điều tốt! Bởi vì bản thân mục tiêu sẽ tạo ra động lực phấn đấu.

Nhưng ở mặt khác, nếu mục tiêu quá cao đến mức khiến bạn tê liệt về tinh thần, nó sẽ phản tác dụng.

Điều này liên quan gì đến bạn?

Những người theo chủ nghĩa hoàn hảo thường sẽ có suy nghĩ rằng “hoặc là tất cả hoặc không gì cả”. Nếu như không thể toàn tâm toàn lực làm điều gì đó, họ sẽ thậm chí không thèm bận tâm đến nó.

Tôi có một người bạn, anh ta say mê nghiên cứu triết học và văn chương đến quên mình. Anh ta đọc cực nhiều! Sách nghiên cứu nào cũng muốn quan tâm. Hội thảo/tọa đàm nào (trong chuyên ngành) cũng thấy có mặt. Tranh luận nào cũng thấy góp vai. Thế nhưng trong khoảng hơn một thập kỷ kể từ lúc quen biết anh ta, tôi không thấy anh ta viết một chuyên luận nào, ngoại trừ một nghiên cứu dài sáu mươi trang thời sinh viên (được viết năm 2010). Khi được hỏi, anh ta cho rằng bản thân không hài lòng với kỹ năng và kinh nghiệm bản thân, nghĩ rằng sẽ không thể viết ra được một thứ gì mà anh ta tin rằng đáng giá.

Anh ta cũng phê bình hàng loạt các nhà nghiên cứu trẻ vì tin rằng những thứ họ viết ra chưa bắt nguồn từ những nghiên cứu nghiêm túc, hoặc đơn giản là không đủ các ý tưởng mới mẻ.


Vấn đề đặt ra ở đây là: Khoa học không cần hoàn hảo! Nó cần sự tiến bộ! Và nếu một thập kỷ không tạo ra bất kỳ một ý tưởng nào, thì mặc dù nghe có vẻ giống như bạn đang làm việc nghiêm túc và chân thành, thì thực ra lại là vô nghĩa đối với khoa học!

Dĩ nhiên tôi không thể thuyết phục bạn tôi rằng, thà là thiếu khuyết nhưng có đóng góp nhỏ nhoi thì vẫn hơn nghìn lần hoàn hảo, nhưng không có gì. Nhưng tôi tin rằng khi bạn có mặt ở đây, bạn là người tìm kiếm sự thay đổi cho cuộc sống Impostor của mình, và vì thế, bạn có lòng muốn thay đổi! Và đây là cách:

Thay đổi kỳ vọng của bạn

Đúng vậy! Ai mà chẳng muốn tạo ra một sản phẩm tuyệt vời, hoặc tập thể dục đến 1 tiếng đồng hồ, hoặc một cuộc hẹn hoàn hảo, hoặc cả tỷ tỷ thứ đại loại như vậy! Nhưng chỉ cần làm được một tí tì ti thôi thì vẫn tốt hơn là KHÔNG-LÀM-GÌ-CẢ.

Theodore Roosevelt từng nói

Làm hết những gì bạn có thể, với những gì bạn có, và nơi bạn thuộc về.

Khổng Tử cũng nói:

Tận nhân sự, tri thiên mệnh

(Dĩ nhiên là cả 2 câu trên đều không hoàn toàn nằm gọn trong vấn đề này, nhưng ít nhất nó cũng có liên hệ 1 phần)

Với ý nghĩ đó, đây là một loạt các thói quen đơn giản mà bạn có thể làm:

Đối với công việc: Hoàn thành từng phần nhỏ trong công việc, thay vì chỉ tập trung vào bức tranh toàn thể. Nhỏ đến mức tối thiểu. Ví dụ như bản thân tôi làm marketing, thì thay vì lo lắng về toàn bộ tiến trình campaign, tôi cố gắng hoàn thành từng hạng mục một trước, như sản xuất merchandise, in ấn quảng cáo... Hay đối với các kiến trúc sư, thì thay vì lo lắng cho cả một khu quy hoạch, hãy công bố phiên bản hoàn hảo của... một căn phòng. Hay đối với các nhà sản xuất phim, hãy hoàn thành... phần trailer và công bố trước khi thực sự bấm máy. Vân vân và vân vân

Đối với việc tập luyện vì sức khỏe của chính bạn, thay vì chờ đợi đến thời gian rảnh để có thể tập luyện hàng tiếng đồng hồ, hãy cố gắng hoàn thành các bài tập... 5 phút mà bạn có thể làm được ở bất kỳ đâu, như chống đẩy, plank...

Đối với các cuộc hẹn hò với... crush, hoặc đơn giản là muốn cải thiện một chút các mối quan hệ gia đình, đừng cố gắng chào mời một cuộc hẹn dài hai, ba tiếng lãng mạn hoàn hảo, hay những cơ hội đi chơi cùng nhau đầy tiếng cười và sự gắn kết! Hãy thử những cơ hội gặp ngắn kéo dài chỉ từ 1-5 phút. Bạn có thể đọc bài viết đó tại đây: Gặp mặt hay Hẹn hò


Nghe có vẻ đơn giản đúng không?

Điều quan trọng ở đây là, cố gắng hoàn thành các nhiệm vụ càng tỉ mỉ chi ly sẽ giúp bạn càng dễ dàng đạt được sự hoàn hảo nhất định trong yêu cầu của mình, mà vẫn không cần phải bỏ qua mọi thứ. Dĩ nhiên lời khuyên này không dành cho tất cả mọi người! Bởi vì người bình thường nên cần tư duy hệ thống trước khi cố gắng làm điều gì đó để tránh lầm lạc trong kế hoạch, tuy nhiên những người thuộc chủ nghĩa hoàn hảo, bản thân họ luôn biết cách để tư duy hệ thống ngay cả khi không làm về hệ thống!

Impostor: Siêu nhân

...hay là những người cảm thấy bản thân nên xuất sắc trong mọi vai trò mà họ đảm nhận.

Nếu như trong năm vừa qua, game có thể mang lại cho chúng ta khái niệm về Impostor, thì điện ảnh sẽ làm chúng ta thôi cảm thấy xa lạ với các Siêu nhân.


Dĩ nhiên siêu nhân trong câu chuyện của chúng ta không phải là các siêu anh hùng với sức mạnh dời non lấp bể! Họ là một trong số chúng ta, nhưng họ suy nghĩ rất khác: Họ khao khát được trở nên vĩ đại và khác biệt so với những người khác, họ khao khát được công nhận, khao khát được tán dương đến nỗi hi sinh hầu hết mọi thứ sở thích cá nhân để lao vào cố gắng ở những việc mình không hề muốn, hoặc ít nhất, là những việc mà họ nghĩ họ đáng ra nên vượt trội hơn người khác.

Dưới đây là một số ví dụ điển hình:

  • Họ luôn ở lại văn phòng muộn hơn mọi người khác, ngay cả khi họ... không còn việc gì để làm cả. Và lý do duy nhất họ ở lại là vì không muốn về sớm hơn người khác.
  • Họ cảm thấy căng thẳng khi không làm việc, và sợ hãi thời gian bị lãng phí.
  • Họ hi sinh hầu hết sở thích và đam mê của mình cho công việc.
  • Họ luôn có cảm thấy bản thân chưa thực sự "có chỗ đứng trong công việc", mặc dù đã rất thành công. Vì thế, họ luôn bị ép phải làm việc chăm chỉ và nhiều giờ hơn những người xung quanh để chứng minh giá trị.

Nếu rơi vào một trong số các trường hợp trên, hoặc tương tự bất cứ khi nào có ai đó nhìn thấy bạn, đồng thời đặc biệt không bao giờ "trông có vẻ cố gắng" khi không có ai nhìn thấy, bạn được xem là một Impostor Siêu nhân.


Nhưng tôi muốn mở rộng khái niệm này ra ngoài phạm vi công việc!

Giả dụ như, tôi là một người hết sức chểnh mảng trong việc ăn mặc và tập luyện để giữ gìn vóc dáng. thế nhưng tôi đã quyết định tập như điên trong vòng nửa tháng chỉ để có thể trông... ngầu lòi hơn trong buổi du lịch bãi biển cùng công ty và những cô nàng bikini nóng bỏng. Sau lần đó, tôi lại ăn uống thả ga, lười biến và mặc đồ tả tơi y như cũ. Như thế tôi vẫn là một Impostor: Siêu nhân.

Nói cách khác, Siêu nhân nghiện được ca ngợi và làm mọi thứ chỉ vì muốn được ca ngợi, do đó, họ luôn sợ hãi bị "bóc phốt" là chăm chỉ giả tạo, tài năng giả tạo, hoặc xinh đẹp giả tạo.

Dĩ nhiên, như trường hợp trên, nó cũng có ưu và nhược điểm:

Một mặt, có những người luôn làm việc cật lực như thế luôn là điều tuyệt vời cho bất kỳ team nào.

Mặt khác, nếu không có ai xung quanh để khen ngợi họ, họ chẳng chịu làm gì cả!

Vậy làm thế nào?

Động lực bên ngoài với những người này là một bước khởi đầu tuyệt vời! Nhưng cái họ cần là cách để tự tạo động lực từ bên trong để cố gắng ngay cả khi không có ai quan tâm đến những cố gắng đó. Bởi vì khi họ luôn làm thế bất chấp có được quan tâm hay không, họ không còn sợ hãi!

Để xây dựng động lực từ bên trong, hãy luôn tự hỏi: Bạn cảm thấy thế nào trước, trong và sau khi làm gì đó?

Bằng cách liên tục nhắc nhở bản thân về những cảm giác tích cực khi cố gắng làm việc (hoặc tập luyện...), bạn có thể dần dần tự xây dựng động lực từ bên trong. Chiến lược này có thể giúp bạn tránh khỏi việc hoàn toàn bị thúc đẩy bởi dư luận bên ngoài.

Impostor: Thiên tài bẩm sinh

Các Thiên tài bẩm sinh cảm thấy rằng mọi thứ trong cuộc sống đều đến với họ một cách quá dễ dàng! Chính vì thế, thói quen của họ là đánh giá năng lực của chính mình dựa trên những nỗ lực (có thể coi là) ít vất vả hơn nhiều so với đa số những người bình thường khác.


Điều này có nghĩa là, giả dụ như họ bỗng nhiên mất nhiều thời gian hơn (so với chính họ) để thành thạo một kỹ năng, hoặc hoàn thành một mục tiêu nào đó theo bất kỳ nhóm nào, họ sẽ ngay lập tức cho rằng bản thân cực kỳ tồi tệ dưới mức trung bình, thậm chí chỉ là kẻ vứt đi. Sau đó, họ bắt đầu cảm thấy xấu hổ và sợ hãi.

Fernando Torres, một danh thủ bóng đá là một ví dụ điển hình cho vấn đề này: Vào năm 19 tuổi (cho đến khoảng vài năm sau đó), anh được xem là một tiền đạo thiên tài bẩm sinh có cái duyên ghi bàn trời phú và kỹ năng của một cầu thủ siêu sao. Nhờ đó, Torres trở thành nỗi ám ảnh của mọi hàng thủ, là giấc mơ của mọi đội bóng, và là người giành được hàng tá những danh hiệu hàng đầu thế giới. Thậm chí, người ta nói Torres gần như không cần phải tập luyện gì mấy so với người khác bất chấp mọi khắc nghiệt của môi trường thi đấu bóng đá đỉnh cao.

Thế nhưng chỉ ít năm sau, kể từ lúc hồi phục sau một chấn thương dai dẳng, Torres trở lại như một tiền đạo “ăn hại” đắt tiền nhất thế giới. Anh ta không thể ghi bàn dù tình huống có đơn giản đến thế nào, thường xuyên chuyền hỏng, và thậm chỉ bản thân cách di chuyển cũng có vấn đề.

Anh ta lười biếng hơn sao? Đáp án là không! Tất cả các đồng đội lẫn HLV làm việc cùng Torres đều khẳng định rằng anh đã trở nên chăm chỉ hơn nhiều so với trước, quyết tâm lớn lao hơn lúc trước, và mạnh mẽ hơn so với trước. Chỉ có điều, Torres càng cố gắng, anh ta càng chơi tệ hơn.

Đó là hệ quả của một thiên tài bỗng nhiên đánh mất tất cả mọi thứ tự nhiên mà họ ngỡ như luôn có.


Một ví dụ khác có thể nhắc đến, trong lĩnh vực nghệ thuật, là Trần Đăng Khoa.

Có thể nhiều người ngày nay vẫn còn không ngừng chửi bới, rằng thần đồng thi ca Trần Đăng Khoa chỉ là một trò lừa bịp. Nhưng ít ai trong số họ hiểu rằng, nghệ thuật thực sự rất cần thiên phú. Và khoảng thời gian sở hữu thiên phú đó của mỗi người là có giới hạn.

Lúc nhỏ, cậu bé Trần Đăng Khoa có thể làm người ta say mê vì những câu thơ vừa trong sáng vừa sắc sảo kiểu:

Ông trời mặc áo giáp đen ra trận

Nhưng lớn lên thì tịt, không viết được chữ nào cả. Dù có muốn lắm, có cố lắm, ông ta cũng chẳng viết nổi nữa! Cuối cùng, hệ quả tồi tệ là ông ta mất hoàn toàn tự tin trong khoảng nghệ thuật, sau đó chìm luôn theo năm tháng, chẳng làm được gì nữa hết!

Người không biết làm thơ cứ nghĩ đó là chuyện phi lý. Nhưng người có khả năng viết thơ (theo nghĩa nghệ thuật) thì lại hoàn toàn có thể hiểu được!

Như bản thân tôi cũng vậy, hồi hai mươi tuổi, tôi có thể viết dăm ba bài thơ trong vài phút. Bản thân đọc qua cũng thấy không quá tệ. Nhưng giờ thì rặn nửa năm không viết nổi một câu.

Một số ưu và nhược điểm của các Thiên tài bẩm sinh:

Một mặt, thật tuyệt vời khi gặt hái được nhiều thành công trong nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống. Hơn nữa, mọi thứ thật dễ dàng!

Mặt khác, cảm giác xấu hổ và sợ hãi có thể ngăn cản bạn khi bạn đánh mất thiên phú.

Đó là chưa kể, khi bạn có tài năng đặc biệt ở một khía cạnh (nhờ đó mà có thể đạt tới đỉnh cao dễ dàng), bản thân bạn tin rằng, các khía cạnh khác cũng đơn giản như vậy. Nhưng khi thử nghiệm, nó lại trở nên quá khó (vì bạn không có tài năng thiên bẩm về khía cạnh đó). Bạn thất vọng về bản thân. Và sau đó là suy sụp, không dám bước ra khỏi tài năng của mình.

Vậy các thiên tài nên làm gì?

Đa số các Thiên tài bẩm sinh thành công, họ sẽ thẳng thắn gạt bỏ những điều mà mình không giỏi:

Bạn không thể chơi League of Legends lên trình độ thượng thừa, bạn không cố try hard nữa!

Bạn không có năng khiếu chơi bóng đá, bạn ngừng tập luyện hàng chục tiếng mỗi tuần để cố gắng đạt tới trình độ chuyên nghiệp!

Bạn không có khiếu vẽ, đừng làm họa sĩ!

Bạn không thể theo nổi chương trình đào tạo bác sĩ, đừng cố thử!

Dĩ nhiên tôi không nói bạn đừng làm tất cả mọi sự bạn không giỏi! Chỉ đơn giản là đừng kỳ vọng vào nó, và chỉ làm vì sở thích và thú chơi ngắn hạn mà thôi!

Vậy làm gì thay thế?

Đương nhiên là, bạn giỏi thứ gì, bạn làm thứ đó.

Bạn giỏi chơi game, hãy chơi giỏi như Sofm (còn nếu không, nghĩa là bạn không có năng khiếu)

Bạn vẽ rất giỏi, hãy vẽ như một họa sĩ chuyên nghiệp.

Dĩ nhiên, chuyện giỏi thứ gì, làm thứ đó không nhất định phải to tát như thế!

Đôi khi nó chỉ đơn giản thế này

Làm một cái chuồng chim, đóng một cái giá sách, phối một ít trang phục, hay những thứ tương tự như thế

Điều quan trọng ở đây là: Bạn cảm thấy thế nào sau khi làm những điều đó, những điều mà mình giỏi?

Và cuối cùng, mặc dù con người ngày nay luôn bị đặt dưới rất nhiều tiêu chuẩn đánh giá khác nhau, hãy hiểu rằng, không một ai giỏi TẤT CẢ MỌI THỨ. Và, hãy tận hưởng quá trình học tập – rèn luyện để trở nên giỏi hơn của riêng bạn!

Impostor: Soloist (Dân solo)

Dân solo tin rằng, họ phải tự làm tất cả mọi thứ. Nếu để ai đó giúp đỡ mình, họ sẽ xem như là một thất bại. Nếu không thể tự mình làm từ A đến Z cho kênh YouTube của chính mình, thì dù kênh đó có thành công, họ vẫn xem như là thất bại của bản thân họ. Nếu họ phải nhờ đến sự giúp đỡ của bố/mẹ, vợ/chồng hoặc con cái để làm hết việc nhà, họ sẽ xem như mình thất bại. Thậm chí, nếu họ phải gọi các chuyên viên sửa máy tính đến cài lại win cho laptop, thay vì tự sửa, họ cũng cho là thất bại.


Khi bản thân gặp khó khăn, dân solo không muốn nhờ giúp đỡ (trừ phi bị ép buộc). Họ thích tự vượt qua khó khăn MỘT MÌNH.

Một trong những câu nói phổ biến nhất của đám người này là:

Tôi không cần ai giúp đỡ.

Giống như tất cả những impostor khác, họ có ưu và nhược điểm riêng:

Một mặt, thật tuyệt khi có ý thức tự lập, không muốn phụ thuộc vào ai.

Mặt khác, điều này đôi khi không cần thiết.

Hệ lụy của nó lớn chừng nào?

Khi dân solo gặp những vấn đề thực sự ngoài khả năng của họ, họ sẽ ngừng tất cả mọi thứ lại để cố gắng TỰ khắc phục. Họ không muốn được giúp đỡ, và ngoài ra, một lý do nhỏ khác là, họ cũng không tin người khác lắm.

Trớ trêu thay, lý do tồn tại lớn nhất của các chuyên gia chính là giúp chúng ta giải quyết các khó khăn chuyên môn theo cách đúng đắn nhất. Bạn không bao giờ giỏi bằng các chuyên gia trong lĩnh vực của họ. Đó là thực tế. Và đôi khi, vì bạn không đủ giỏi, cách giải quyết của bạn không đúng.

Phong trào anti- vaccine và sinh đẻ tự nhiên, một phần đã phát rộ từ điều này. Dĩ nhiên, đây không phải là lý do chính, nhưng vẫn là một trong những lý do quan trọng.

Những người anti-vaccine tin rằng họ có thể TỰ MÌNH chăm sóc con cái và bản thân theo cách của riêng họ mà không cần đến sự trợ giúp từ vaccine, cũng như các bác sĩ – chuyên gia trong lĩnh vực sức khỏe.

Dĩ nhiên họ có cả tỷ lý do cho điều này, nhưng không gì quan trọng bằng, họ tin rằng họ có thể TỰ LÀM TỐT với một vài gợi ý gián tiếp trên internet.


Làm gì để khắc phục?

Nhận biết khi nào bạn cảm thấy muốn chuyển sang “try hard” và hãy chủ động liên hệ với người khác!

Sự thật mà nói, thời điểm tốt nhất để yêu cầu sự giúp đỡ của chuyên gia là TRƯỚC KHI các vấn đề kịp xuất hiện. Nếu dân solo chưa gặp vấn đề, hoặc chưa bước vào giai đoạn try hard, họ chưa thực sự “nóng máu” vì phải để người khác giúp đỡ. Và giúp đỡ khi này chỉ mang tính chất gợi ý.

Một số trường hợp mà dân solo sẽ cắm đầu vào try hard:

Công việc rối mù.

Lủng bánh xe.

Đứa con nhỏ bỗng nhiên bị sốt.

Sinh con.

Laptop lỗi win

Điện thoại sập nguồn

Vậy nên nếu như được chuẩn bị tốt về kiến thức bằng cách nói chuyện với chuyên gia, họ có thể tự mình giải quyết mọi chuyện mà không làm rối tung mọi thứ lên.

Và sau cùng, bởi vì bản thân bạn không thể nào biết được tất cả mọi thứ, cũng như không thể tự làm tất cả mọi chuyện, hi vọng rằng dân solo, đến một ngày nào đó, sẽ có thể chấp nhận quan sát xung quanh, để nếu vô tình nhìn thấy ai đó cũng đang đi trên con đường tương tự, thì có thể dũng cảm mà nói rằng: "Nè! Hợp tác không?!"

Impostor: Chuyên gia

Chuyên gia tự định nghĩa bản thân bằng tất cả những gì họ biết. Họ tin rằng, họ sẽ trông có vẻ cực kỳ ngu ngốc nếu không biết điều gì đó và cần tra google để tìm kiếm thông tin về chúng. Thậm chí, Chuyên gia luôn luôn đào sâu nghiên cứu về một chủ đề cố định nào đó.

Trớ trêu thay! Các Chuyên gia lại thường không tự xem mình là “chuyên gia”. Thay vào đó, họ chọn cách nhắc nhở bản thân về sự thiếu hiểu biết của mình.

Một lần nữa, điểm mạnh và điểm yếu của họ là:

Một mặt, tò mò là chuyện tốt.

Mặt khác, tìm hiểu thôi là chưa đủ! Bạn phải bắt tay vào làm! Nhưng đa số các chuyên gia lại quá chăm chỉ trong việc tìm hiểu, và chẳng còn thời gian để bắt tay vào làm.

Nói như Morpheus dạy Neo:

Biết rõ về một con đường, và bước đi trên chính con đường đó là hai chuyện rất khác nhau.

Luận ngữ viết

Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ?

Nhưng hơn nghìn năm Nho học, được mấy người làm nhiều như nói đâu!

Ở Mỹ, người ta có một thuật ngữ khác dành cho nhóm người này, gọi là “Những kẻ trộm đồ lót”.

Từ này bắt nguồn từ một bộ phim gọi là South Park. Theo đó, có một đám đi trộm đồ lót của mọi người để “kiếm lời”, thế nhưng bản thân họ không thực sự biết phải làm gì với tất cả đống đồ lót đó để tạo ra lợi nhuận hết!

Ở Việt Nam, người ta hay gọi là đám “giáo sư trên giấy”, những người nói thì như rồng leo, làm thì như mèo mửa.

Trong khi đa số mọi người đều hiểu rằng, cố gắng và thất bại để học hỏi từ những sai lầm sẽ luôn luôn có giá trị hơn nghìn lần so với dành thêm cả tấn thời gian để nghiên cứu, sau đó không làm gì cả.

Phải làm gì?

Có một thuật ngữ mà dân Gym hay sử dụng để vượt qua tình trạng này, gọi là: “20 giây can đảm”

Thật khó khăn để bắt đầu làm mọi thứ, nhưng chỉ cần có đủ can đảm để quyết định trong 10-20 giây đầu tiên thôi, mọi thứ sẽ trở nên cực dễ. Và bạn sẽ tiến lên rất xa!

Dĩ nhiên, đọc – xem – nghĩ – viết luôn dễ hơn nhiều so với trực tiếp hành động (ngoài ra thì nó cũng… ít nguy hiểm hơn). Nhưng hành động mới là thực sự khiến bạn trở thành một chuyên gia.

Làm gì để vượt thoát khỏi hiệu ứng kẻ mạo danh?

Có lẽ khi đọc đến đây rồi, bạn sẽ vô tình thấy hình ảnh của mình nằm rải rác đâu đó trong các nhóm “kẻ mạo danh” phía trên.

Như tôi đã nói, mỗi "kẻ mạo danh" đều có những điểm mạnh nhất định, nhưng cũng có những điểm yếu rất riêng.

Và nếu bạn thấy mình giống như một kẻ mạo danh, hãy thử:

  • Đánh giá lại kỳ vọng của bạn về sự “hoàn hảo”.
  • Tìm kiếm động lực từ bên trong cho tất cả mọi việc bạn đang làm, thay vì chỉ làm vì “muốn người khác nhìn”.
  • Nhớ rằng, thỉnh thoảng bạn có “dở” một môn gì đó thì cũng là điều bình thường.
  • Nếu bạn gặp khó khăn, hãy yêu cầu giúp đỡ.
  • Tự hỏi bản thân xem bạn có thực sự cần đọc thêm một bài báo nào khác trên internet trước khi làm điều gì đó.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét