PHIM CẬU VÀNG: Có một loại súc vật mạo danh nghệ sĩ

 Có một loại súc vật mạo danh nghệ sĩ

Đó là cách mà bạn chắc chắn sẽ nghĩ đến khi trót ngồi trước màn ảnh xem phim “Cậu vàng”, một thứ cặn bã rác rưởi khác mà rất may đã bị cộng đồng mạng khai tử (dù bằng nhiều lý do khác nhau). Thế nhưng, khai tử vẫn còn là một án phạt quá nhẹ nhàng, và vài chục tỷ mất mát đối với nhà đầu tư là chưa đủ để trừng phạt những kẻ công nhiên mạo danh nghệ sĩ để phỉ báng dân tộc, phỉ báng con người, và phỉ báng các thế hệ tổ tiên. À không, đúng hơn, phải là mạo danh con người.

Tôi vẫn thường hay nói đùa rằng, Việt Nam là một dân tộc rất thú vị. Có rất nhiều ý tưởng để diễn giải điều này, nhưng ý tưởng yêu thích nhất của tôi, là sự vị tha đầy xởi lởi mà không một đất nước nào khác trên toàn thế giới sở hữu: Họ bao dung với mọi khác biệt văn hoá (ngoại trừ một số ít cá nhân thiếu tinh tế), họ bác ái với mọi loại hình tôn giáo, và quan trọng nhất, là họ hoàn toàn vị tha đến mức lý tưởng với hầu hết các kẻ thù lịch sử, từ  Trung Quốc ngàn năm huỷ hoại văn hoá, nước Pháp trăm năm nô dịch, Hoa Kỳ đam mê diệt chủng, đến lũ đánh thuê Hàn mọi cưỡng hiếp mọi người đàn bà và các sinh vật thuộc giới tính nữ khác...

Chỉ có điều, tha thứ cho tội lỗi của kẻ thù là một chuyện, còn xuyên tạc, phỉ báng lịch sử đau đớn nơi tổ tiên chúng ta từng là nạn nhân, đó lại là một chuyện hoàn toàn khác!

Hàng vạn CON NGƯỜI đã nằm vùi lại dưới mỗi gốc cao su vì sự tàn ác của kẻ thù, họ đã chết vì khát khao ĐƯỢC SỐNG với cái ý nghĩa tối thiểu nhất của từ sống. Và như tôi đã nói ở câu phía trước, họ đã thất bại trong khao khát tối thiểu đó, và chết trong đau đớn, cơ cực và kiệt quệ. Đó chưa bao giờ là một chuyện đùa. Nó không hài hước một chút nào!


Hơn hai triệu người chết đói năm 1945. Có đến hàng vạn người như lão Hạc, phải ăn bả chó tự tử để khỏi chết đói. Có đến hàng vạn người như bà cụ trong một bữa no, đói đến mức thấy bữa cơm liền lao vào ngấu nghiến đến nghẹn mà chết. Có đến hàng nghìn nơi phải đốt dấm để xua đi mùi xác người. Cũng có hàng nghìn người khác đã tha hóa, đồi bại, biến chất, khốn nạn chỉ để được sống tiếp như Binh Tư, Chí Phèo... Và có đến vô số những người khác, chết đau đớn, chết tủi nhục, chết quằn quại... Đó chưa bao giờ là một chuyện đùa. Và bài ca trên những xác người năm ấy chẳng bao giờ có thể khiến cơ mặt của bất kỳ một con người nào trở nên tươi tắn lên.


Thế mà toàn bộ ê-kíp làm phim Cậu vàng lại làm được! Thế mới tài!

Tôi chẳng thể nào hiểu được rằng vì sao một nhóm người có ăn có học đàng hoàng, nhiều người trong số đó lại có cả chục năm kinh nghiệm trong việc viết lách, sáng tạo, và tìm hiểu tâm tư nhân loại (thứ mà chúng ta hay gọi một cách thông tục, là làm nghệ thuật), nhưng lại vô năng trong việc che dấu sự bại hoại về tâm hồn, sự đốn mạt về nhân phẩm, và sự khốn nạn về tư duy đến như vậy! Tại sao lại có thể tưởng tượng ra được rằng chôn thây dưới hàng vạn gốc cao su năm ấy lại là những kẻ ăn chơi chỉ cốt vào đồn điền làm việc để kiếm tiền chơi gái? Không lẽ khát khao được sống, thậm chí chỉ cần được sống ở cái mức tối thiểu nhất là có thể thở được và không phải chết đói của một phần năm dân số người Việt thời đại ấy lại có thể được "cải biên" một cách mất dạy đến thế? Hay đối với họ, hàng triệu con người xưa cũ từ chỉ mới nửa thế kỷ đây thôi, thực ra không cùng giống loài với họ? Dù cho, tôi khá chắc rằng, họ sẽ khóc thương cho một con mèo hoang chết đói bên vệ đường, hay đập phá gào rú bảo vệ quyền lợi cho loài chó trước các cửa hàng thịt cầy, chẳng khác gì bảo vệ quyền lợi cho tổ tông nhà họ cả! Ôi chao!

Hồi phim mới được giới thiệu vài thông tin đầu tiên, tôi đã từng nói với bạn bè rằng, những người chủ của Cậu vàng, thực ra là những kẻ dựng drama, thay vì là người làm nghệ thuật. Họ casting một con chó theo cái cách rất phù hợp để khiến toàn bộ cộng đồng mạng sục sôi phản ứng: Đuổi cổ những con chó ta, và rước về một con chó Nhật.

Dĩ nhiên điều này chẳng có gì là sai. Họ có cả tá lý do để chọn một con chó Nhật cho vai diễn đó. Thế nhưng, tất cả mọi lý do đều không thể biện hộ được rằng bản thân cuộc casting đó, chẳng qua chỉ là trò hề để tạo ra làn sóng drama toàn xã hội. Họ đã thành công. Chí ít, về mặt số lượng thảo luận trên mạng xã hội.

Thế nhưng đó là tất cả những gì họ làm được! Không còn bất kỳ điều gì khác!


Hàng trăm bài báo quảng cáo ngợi khen trơ tráo, hay còn được biết đến với các gọi mỹ miều là bài PR trên các trang báo mạng. Hàng nghìn seeders chạy loăng quăng trên khắp các diễn đàn, hội, nhóm để biện hộ cho đội ngũ làm phim. Và hàng tấn tiền đổ vào cho các trang web, fanpage dẫn tin liên tục về nội dung phim... Tất cả đều chẳng thể mang người xem ra rạp. Nhưng đó không phải là một thất bại. Thậm chí ngược lại, Đạo diễn Trần Vũ Thủy và đoàn làm phim nên cảm thấy may mắn, thậm chí là nên tổ chức ăn mừng thật lớn vì không nhiều người bước vào rạp xem phim của họ. Bởi vì một khi có người tinh ý nhìn thấy, thứ đốn mạt mà họ gọi là nghệ thuật đó sẽ hiện nguyên hình. Và họ sẽ phải đối mặt với làn sóng phẫn nộ còn khủng khiếp hơn rất nhiều: LÀN SÓNG CỦA NHÂN TÍNH.


Dĩ nhiên nếu như nghiên cứu kỹ hơn, và giả như bạn không phải là một người quá khắt khe với sự ngu dốt, thì bạn thậm chí có thể tha thứ đôi chút cho hành động đùa cợt phản bội nhân tính của Trần Vũ Thủy! Ông ta chỉ là một đạo diễn non tay không một chút kinh nghiệm tự chủ: Tổ ấm gió lùa, Gia tộc dậy sóng, Những đóa quân tử lan... đều chỉ là những bộ phim truyền hình hạng 2. Hơn nữa tất cả đều là do Bùi Cường đạo diễn. Trần Vũ Thủy đơn giản chỉ là trợ lý. Thậm chí bản thân phim Cậu vàng, mang tiếng là lấy từ kịch bản của cố đạo diễn Bùi Cường, nhưng thực tế đã bị chính ông ta sửa nát.

Đó là chưa kể, kịch bản gốc có tên là "Bữa cơm cuối cùng của lão Hạc" - Chỉ một cái tên mà ta có thể thừa hiểu được sự khác biệt giữa một người quằn quại sống những giây phút đau khổ cuối cùng; và một bộ motion trơ tráo câu drama rẻ tiền không có bất kỳ giá trị nghệ thuật nào.

Một đạo diễn không có kinh nghiệm làm điện ảnh, thậm chí hoàn toàn không có kinh nghiệm làm đạo diễn, nhưng lại rất giỏi... ăn diện đến mức đỏm dáng, thì liệu có thể hiểu được bao nhiêu về những giá trị nhân văn? Chơi gái, bay lắc và hít hà drama không phải đã là quá đủ với họ rồi sao?

Người xưa thường nói "thi ngôn chí", tức là trong lòng người nghĩ điều gì, thì tác phẩm viết ra sẽ nương theo điều đó.

Điều này mặc dù đã bị hàng chục năm "bình dân học thuật" hiểu sai là: Thi ca (hay nói chung là nghệ thuật) chỉ nên dùng để "tỏ chí tỏ lòng". Nhưng thực ra chỉ đơn giản có nghĩa là, anh là người thế nào, thi ca (hay nghệ thuật) của anh sẽ thể hiện rõ điều đó. Anh là người phóng khoáng, thơ của anh sẽ rộng lớn tự do. Anh là người tỉ mỉ cẩn thận, thơ của anh sẽ chặt chẽ trau chuốt. Anh là người thẳng thắn chính trực, thơ của anh sẽ mạch lạc rõ ràng... Thế cho nên cũng bốn câu hai mươi bảy chữ, nhưng Lý Bạch thì phóng khoáng, còn Đỗ Phủ lại ưu tư; cũng thất ngôn trường thiên, nhưng Xuân Diệu lại ồn ào, còn Hàn Mặc Tử thì lại lặng lẽ; cũng nữ tính, nhưng Xuân Quỳnh thì thiết tha, còn T.T.Kh lại xa vắng...

Còn với tay đạo diễn này, ta có thể tạm khái quát là dâm dật, khoa trương, và nông cạn. Nhưng đó là khi Cậu vàng miễn cưỡng được xem như là một tác phẩm nghệ thuật! 

Đăng nhận xét

0 Nhận xét