[Viết vội] Xiaomi, Ever Given và những cái giá trên trời

Cách đây mấy năm, tôi nghe được một câu chuyện đại loại như thế này:

Ở xứ nọ, có 1 nhà tài phiệt làm hỏng mất con tàu vũ trụ tư nhân. Chả hiểu mắc cái lỗi quái quỷ gì mà nó không cách gì bay được nữa.

Là mẫu người mê tàu bay hơn sinh mạng, ông dốc hết sức tìm kiếm, kêu gọi các chuyên gia sửa tàu vũ trụ đỉnh nhất thế giới về giúp đỡ. Đáng tiếc là nhiều tháng trời trôi qua, hàng trăm chuyên gia đến đến rồi lại đi đi, sắp xếp cả chục phương án, đề xuất cả trăm ý tưởng, con tàu vẫn nằm trơ trơ như đống... sắt vụn.

Những tưởng con tàu đó đành phải bỏ xó rồi, thì một ngày kia, một chuyên gia sửa tàu vũ trụ xuất hiện. Ông đi một vòng quanh con tàu, nhìn nhìn, ngắm ngắm, rồi quay trở vào lấy một cây búa nhỏ, gõ nhẹ lên thân tàu 3 cái.

Con tàu như lập tức hồi sinh.

Tỷ phú nọ mừng như phát điên. Ông hết lời ca ngợi chuyên gia đã giúp ông sửa tàu, và hỏi rằng chi phí sửa chữa là bao nhiêu.

- 1 triệu đô – chuyên gia đáp

- 1 triệu đô cho 3 nhát búa? Ông bị điên à? – Tỷ phú gầm lên

- Không! 999.999 đô để tìm ra chỗ gõ, và 1 đô cho 3 nhát búa đó.

Câu chuyện vui này dĩ nhiên không có thực! Nhưng nó nói lên một thực tế rất dễ hiểu với người ngoài, nhưng lại vô cùng khó hiểu với người trong cuộc là: Khi bạn không làm được, bạn thấy nó khó vô cùng, đến mức tưởng sẽ tôn sùng những người có khả năng đến mức thần tượng; thế nhưng khi có người làm được, bạn lại khinh thường họ, và cho rằng “dễ thế thì ai cũng làm được”.


Nếu dễ thế, sao trước đó bạn không làm?

Đối lập với sự giả tạo, khoa trương và đầy những kẻ làm ra vẻ cao thâm mặc trắc của thế giới “chuyên gia”, giá trị đích thực của chuyên môn lại chính là làm mọi thứ phức tạp nhất một cách đơn giản nhất!

Quay lại với câu chuyện của Xiaomi. Rõ ràng là ai cũng hiểu cái logo mới trông… chả khác gì cái logo cũ, và việc bỏ ra đến 7 tỷ đồng cho một thay đổi nho nhỏ nghe có vẻ rất… buồn cười. Cafebiz thậm chí còn viết hẳn 1 bài viết 1200 từ để đùa cợt hành động “ném tiền qua cửa sổ” đó của gã khổng lồ công nghệ.


Thế nhưng chẳng ai nhớ được rằng, vẽ ra một cái logo như phiên bản cũ của Xiaomi chẳng khó khăn gì! Vậy nên cho dù có sửa ra khác đi rất nhiều, hay giữ lại gần như toàn bộ như hiện tại (đổi thành bo tròn hơn), thì công sức làm việc, nói thẳng ra, cũng chả đáng bao nhiêu! Nhất là so với cái giá 7 tỷ kia.

Giống như câu chuyện tôi vừa kể phía trên, chẳng ai trả cho 3 nhát búa kia đến 1 triệu đô cả! Và chẳng ai trả cho designer đến 7 tỷ chỉ vì 1 cái logo cả! Thứ người ta trả cho ông ta là giá trị kinh nghiệm để giải quyết tất cả mọi thứ một cách đơn giản hơn, đơn giản đến mức tối thiểu!

Nếu không phải vị chuyên gia nọ, ai sẽ là người biết phải gõ 3 nhát búa? Và ai sẽ biết phải gõ vào đâu?

Nếu không phải Kenya Hara, ai sẽ là người biết rằng mình nên bo tròn logo lại? Và ai dám làm điều đó?


Xiaomi đã có tất cả mọi thứ dưới cái bóng của nhận diện thương hiệu (logo) cũ. Một doanh nghiệp bé nhỏ vài năm trước, nay đã trở thành gã khổng lồ công nghệ với hàng trăm triệu “fan cứng” trên toàn thế giới!

Ngày nay, thương hiệu Kỳ lân đó đang cần phải thay đổi. Để nâng cấp mình. Để bước sang một trang sử mới. Để chinh phục những thử thách mới…

Nhưng thay đổi thế nào để những giá trị xưa cũ vẫn còn?

Tôi không ở đây để ngồi phân tích xem logo mới được tạo thành phức tạp thế nào (trong vẻ ngoài đơn giản của nó). Tôi ở đây vì tôi hiểu rằng, thay đổi chi tiết trong một tổng thể tương đối cố định là một lựa chọn tuyệt vời của Xiaomi: 4 góc bo tròn sẽ hợp lý hơn cho một công ty chuyên về công nghệ, với ý nghĩa sâu xa là cảm giác thân thiện hơn đối với người dùng. Đồng thời, chữ “Mi” hoàn toàn nguyên gốc từ logo cũ lại là một lời khẳng định rằng những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp vẫn sẽ không thay đổi (mặc dù họ đang cố gắng tỏ ra khác biệt hơn trong tương lai).

Và trên hết, với một thiết kế mới vừa quen thuộc vừa mới mẻ và cái giá đầy hấp dẫn 7 tỷ đồng, không một Marketer nào, nhất là những người vô cùng nhạy bén như đội ngũ của Xiaomi, lại có thể bỏ qua cơ hội để hàng trăm triệu người gọi tên mình cả!


Chuyện thứ hai, là câu chuyện về Ever Given, con tàu đã “mắc cạn” ở kênh đào Suez suốt cả tuần qua, nguồn cơn của sự tắc nghẽn đến khoảng 12% thương mại toàn cầu. Theo Chủ tịch Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez (SCA) Osama Rabia, Ai Cập có thể sẽ mất khoảng 1 tỷ USD, tính cả chi phí nạo vét cứu Ever Given lẫn các thiệt hại kinh tế liên quan trực tiếp đến vụ việc. Thế nhưng, sau quá trình “truyền tai”, câu chuyện lại trở thành: “1 tỷ USD cho việc cứu Ever Given”.


Nhiều người lập tức tin rằng đây lại là một câu chuyện đùa khác, một câu chuyện đùa tương tự như cách mà Xiaomi đã đùa với logo mới của mình: Hét một cái giá trên trời cho một công việc hoàn toàn đơn giản…

Được rồi! Nạo vét để cứu 1 con tàu dài đến 400m, và nặng không dưới 200.000 tấn dù sao cũng không phải là việc đơn giản! Nhưng nó khẳng định là không tới cái giá 1 tỷ đô.

Thậm chí như có bác nào đó chia sẻ rằng, nếu con tàu vỡ đôi (mà rất có thể đấy chứ), hàng nghìn cái container rơi xuống lòng kênh, thì chuyện trục vớt thông kênh sẽ gần như bất khả thi. Nhưng nghe nói, cũng vẫn không tới 1 tỷ đô.

Vấn đề ở đây là, bạn cũng chẳng biết nó có giá bao nhiêu, khó khăn tới mức độ nào, cần những loại kỹ thuật gì, mức độ nguy hiểm tiềm tàng ra sao… Thứ duy nhất bạn nhìn thấy ở đây, là một con tàu bị kẹt chéo trên kênh đào, và người ta chỉ việc “xoay dọc” nó lại là xong. Và khi đó bạn nhìn thấy cái giá, bạn hãi hùng chê trách gần như ngay lập tức rằng quá đắt đỏ tới mức phi lý!

Thật phi lý! Bạn còn không biết giá, sao lại dám khẳng định là đắt?


Khi tôi biết được rằng, câu nói gốc của các chuyên gia ở đây là: “1 tỷ đô thiệt hại chung, bao gồm chi phí giải cứu và tổn thất sự cố mang lại”, tôi biết rằng bạn đã đúng khi nói mức giá trên là “vô lý”.

Nhưng theo bạn, chi phí giải cứu sẽ chiếm bao nhiêu phần trong 1 tỷ đó? 10%, 20% hay 90%?

Không ai biết chuyện đó, nhưng người ta biết, nếu 1 tỷ không chỉ bao gồm tiền giải cứu, con số đó lại thành “hợp lý”.

Điều gì đã xảy ra với suy nghĩ của chúng ta vậy? Nếu 1 tỷ chỉ để giải cứu là quá đắt đến mức không thể chấp nhận được, vậy thì bao nhiêu là rẻ? Và nếu chi phí giải cứu chiếm đến 90% thiệt hại, vậy tại sao bạn vẫn thấy nó hợp lý?

Sự thật là trong tâm lý của mỗi chúng ta, những đóng góp về mặt chuyên môn, về trí tuệ, hay nói khái quát hơn, là những đóng góp về mặt ý tưởng, thường không có giá trị gì so với những công việc “thực tế”. Khi chuyên gia trong câu chuyện đầu tiên sửa thành công con tàu vũ trụ, ta tin rằng tất cả mọi việc ông làm là gõ búa, đồng thời quên mất rằng ông ta đã tốn bao nhiêu công sức để nghiên cứu trước đó. Khi Xiaomi công bố logo mới, ta tin rằng tất cả những gì designer làm là vẽ 1 vòng “bo tròn” thay cho ô vuông cũ, đồng thời quên mất rằng ông ta phải tốn bao nhiêu công sức để lên ý tưởng. Và khi giải cứu Ever Given, ta tin rằng tất cả những gì đội ngũ giải cứu thực hiện, là kéo con tàu về đúng hướng của nó bằng vài chiếc máy xúc và vài cái đầu kéo…


Vậy nên ta cảm thấy hợp lý khi chi phí giải cứu đáng ra sẽ là một phần rất nhỏ trong tổng thiệt hại nói chung.

Vài người trong chúng ta nghĩ là, giải cứu tốn đâu đó vài triệu đến vài chục triệu đô, còn tắc nghèn kênh đào, làm chậm tuyến đường… sẽ chiếm khoảng vài trăm triệu đô còn lại. Vài người khác nghĩ chi phí giải cứu cao hơn, nhưng cũng không chiếm phần đa.

Nhưng chẳng ai dám nghĩ rằng, đôi khi có những tai nạn khủng khiếp có thể gây thiệt hại bằng cả năm làm lụng vất vả! 1 tỷ đô, so với thu nhập hàng năm từ 5 đến 7 tỷ của Suez đã là gì? Thêm vào đó, đây chỉ mới là tai nạn đầu tiên sau 152 năm hoạt động…

Và vì thế, khắp thế giới này, liệu có mấy “chuyên gia” đủ khả năng đảm nhận trọng trách giải cứu có 1 không 2 trong lịch sử đó?

Và nếu như có thể làm được, liệu chi phí xứng đáng mà ta phải trả cho họ, có đơn giản là tiền thuê máy xúc, tiền kéo đầu tàu, tiền dỡ container… hay chăng?


Bạn có thể nghe một diễn giả nói hàng giờ liền về những giá trị nhân sinh siêu hình học mang đậm những đóng góp đột phá của riêng ông ta, nhưng nếu bạn không phải là người theo chủ nghĩa huyền học, bạn sẽ sớm hiểu ra rằng, ông ta thực sự chỉ đang tỏ ra “ngầu lòi” trong mắt bạn, nếu ông ta không thể đơn giản hóa mọi thứ, theo cách của riêng ông ta (hoặc đơn giản là ông ta thiếu khả năng ngôn ngữ).

Bạn có thể nhìn thấy một đầu bếp thiên tài biểu diễn kỹ thuật đi dao điêu luyện khi chạm khắc nên những tác phẩm ẩm thực của riêng ông. Nhưng nếu bạn là người tinh tế, bạn hiểu rằng, hoặc là đĩa thức ăn phải đẹp, và ăn phải ngon, hoặc là ông ta chỉ là một kẻ khoa trương rỗng tuếch!

Bạn có thể nhìn thấy một siêu sao bóng đá… trên YouTube với những kỹ thuật đi bóng đẹp mắt và vô cùng bóng bẩy, nhưng nếu anh ta không thể giúp đội bóng tiến xa trên đấu trường chuyên nghiệp, thì anh ta chỉ đơn giản là “diễn viên xiếc hạng 2” không hơn không kém.

Nhưng một chuyên gia đích thực xứng đáng được tôn trọng phải là những người làm mọi thứ trông có vẻ hết sức đơn giản, nhưng đầy hiệu quả! Kenya Hara có thể khiến Xiaomi phải ngả mũ thán phục thiết kế “gần như cũ” nhưng lại hết sức mới mẻ. Và một vài ngày nữa, các chuyên gia giải cứu Ever Given cũng đang tiếp tục khiến tất cả mọi người phải ngả mũ thán phục bằng kỹ thuật kéo tàu đơn giản. Không ai trong số họ cố tỏ ra “ngầu lòi” chỉ để khiến đa số chúng ta tin rằng chuyện bỏ cả đống tiền ra cho họ làm việc là điều đúng đắn, thay vì quăng vài xu lẻ cho đám sinh viên không kinh nghiệm, không sợ hãi và không lường trước mọi nguy cơ…

Đăng nhận xét

0 Nhận xét