Về những sai lầm của PGS.TS Nguyễn Công Lý

Đấy! Cái tiêu đề đã nói quá rõ mục đích của bài viết rồi đấy! Cười! Và nói trước là tôi đang biện hộ cho thầy tôi đấy!
Số là một người bạn gửi cho tôi xem 1 bài viết có tựa đề thế này:
"Những sai lầm của PGS.TS Nguyễn Công Lý trong sách “Giải thích từ ngữ Hán Việt...”
Aristotle nói: "Tôi yêu thầy tôi, nhưng tôi còn yêu chân lý hơn". Thế ra tôi lại ra dáng một người không có chút tinh thần khoa học nào nữa rồi! *Thở dài*

Tôi đây trời sinh dốt nát, đã thế còn lại mang thêm cái bệnh... lười biếng, nên thật tình cũng không rõ lắm về cuốn sách này. Tuy nhiên, có một vài điểm cần trao đổi với người viết bài này như sau:

1. Những khái niệm cần xác minh:
Khẳng định trước, đây là mục khá... nhảm. Vậy nên bạn đọc có thể trực tiếp bỏ qua để xem phần bên dưới. Khi bạn thắc mắc khái niệm, bạn có thể quay lại đọc sau.

Thứ nhất là "từ" và "chữ". "Từ" và "chữ" là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. "Từ" là một khái niệm gắn với nghĩa, trong khi "chữ" lại gắn với âm hoặc hình thái. Một vài trường hợp, "từ" trùng với "chữ", nhưng điều đó không có nghĩa là "từ" cùng nghĩa với "chữ". Đó là lý do xuất hiện các khái niệm kiểu như "từ đơn", "từ phức".

Thứ hai, thế nào là "từ Hán Việt"? Tất cả đều biết, "chữ Hán" là văn tự của người Hán. Tương truyền khi Sĩ Nhiếp làm thái thú Giao Châu, ông cho truyền bá chữ Hán, dạy thi, thư, lễ, nhạc. Lúc ấy đương vào thời Đường, cho nên âm đọc chữ Hán của ta mới lai lai nửa Đường nửa Việt nên gọi là "âm Hán Việt" của "chữ Hán".

Trong thời gian ta dùng "chữ Hán" làm văn tự chính thức, nếu chỉ xét trong ngôn ngữ chính thống (và trong sách giáo khoa) khái niệm "từ Hán Việt" với "chữ Hán" đơn giản chỉ giống với mối quan hệ giữa "từ" và "chữ", nhưng khi ta không dùng chữ Hán nữa, điều này bắt đầu thay đổi.

Không phải mọi "từ Hán" đều được sử dụng phổ biến trong tiếng Việt. Sau khi chữ Hán mất luôn vị trí chính thống ở nước ta, toàn bộ "từ Hán" bị phân thành 3 loại: Từ Hán được dùng phổ biến trong tiếng Việt gọi là từ Hán Việt (ví dụ: phú, tiền, bạch...); từ Hán chỉ được dùng hạn hữu trong các thành ngữ (ví dụ: "Kim thiền thoát xác...); và từ Hán không được dùng (như: Cư - vạt áo, Kháng - hong khô...). Đương nhiên, một số người vẫn cho rằng, tất cả mọi "từ Hán" đều phải được xem là "từ Hán Việt". Tuy nhiên, điều này chẳng có chút lý lẽ gì cả! Vì đó chỉ là "âm Hán Việt", chứ người Việt nào dùng nó đâu mà đòi là "từ Hán Việt"! Gọi là "từ Hán" thì được đấy!

Thứ ba, thế nào là "đồng âm khác nghĩa"? Thuật ngữ này thì hơi phiền phức một chút! Thật sự không có cách nào để khẳng định rằng, chúng ta nên chọn ý nghĩa tương đương với "cách đọc giống nhau nhưng nghĩa khác nhau", hay "chữ giống nhau nhưng nghĩa khác nhau". Đương nhiên, cách hiểu thứ 2 hơi đuối lý hơn, vì đang luận về "âm", thì nên gắn với "cách đọc" thay vì "hình thái", nhưng nó vẫn khá phổ biến trong những người có học qua chữ Hán. Những người này tin rằng, chỉ có những từ giống nhau về hình thái mới có thể xem là từ "đồng âm", còn lại đều chỉ dám xếp vào "gần âm" do một số biến động về cách đọc trong lịch sử ngôn ngữ. Tuy nhiên, ta sẽ để vấn đề này lại, và sẽ chỉ rõ ra ở phần sau.

Những điều trên là điều ai cũng biết, nhưng cứ phải nhắc lại, lý do là, tôi là người không thích đánh tráo khái niệm. Và trong một cuộc tranh luận bất kỳ, bạn cần hiểu các khái niệm giống nhau. Hoặc là bạn phải thừa nhận khái niệm của người khác, hoặc ngược lại. Cãi nhau ầm ĩ khi các khái niệm bị hiểu lộn xộn thì "ông nói gà, bà nói vịt", không hay cho lắm.

2. Chân thành cảm ơn những khảo cứu của người viết!
Quả thực, ngay cả khi với tư cách là một biên tập viên chuyên nghiệp, tôi cũng không dám chắc mình sẽ chỉ ra các nội dung "sai sót" đầy đủ hơn người viết bài viết này! Đối với cuộc sống, đây là điều hơi... chi li, nhưng đối với khoa học, điều này hoàn toàn đáng ca ngợi!

Người viết cũng đã nhận định chính xác rằng: Nếu chỉ dựa vào 3 cuốn từ điển "mỏng dính" là "Hán Việt từ điển" của Đào Duy Anh, Từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học (GS. Hoàng Phê chủ biên) và Đại từ điển tiếng Việt của Trung tâm ngôn ngữ và Văn hoá Việt Nam - Bộ Giáo dục và Đạo tạo (GS. Nguyễn Như Ý chủ biên”) thì ngay cả khi người viết là một người có uy tín như thầy tôi - PGS.TS. Nguyễn Công Lý cũng không đủ căn cứ để mô tả hàng trăm từ Hán Việt như vậy. Viết sách "phổ cập" kiến thức từ Hán Việt cho khối THCS rất khó khăn! Bởi vì bạn vừa không được phép viết chính xác và đầy đủ (vì sẽ khó hiểu), cũng không được viết sai (sẽ gây hiểu lầm cho cả 1 thế hệ). Vậy nên, cẩn thận không bao giờ là thừa!

Thứ ba, cái lỗi lớn nhất trong cuốn sách của thầy tôi - PGS Nguyễn Công Lý - chính là: Thay vì khẳng định rõ ràng các khái niệm lớn như ở phần trên để tránh hiểu lầm, lại tiến vào nội dung quá nhanh (không rõ là do tôi không biết, hay là bản thân cuốn sách không có mục này). Nên nhớ, trong 3 nội dung cần xác minh ở trên, phần "đồng âm khác nghĩa" vốn đã có quá nhiều cách hiểu rồi!

3. Nhưng...

Có 2 vấn đề sẽ được trình bày trong mục này: Những nhận định sai lầm trong bài viết và vì sao tác giả cuốn sách lại dùng "từ điển" của Đào Duy Anh thay vì "tự điển" của Thiều Chửu, hoặc "từ điển" của Trần Văn Chánh...

a. Những nhận định sai lầm trong bài viết:
Đây là lúc người đọc nên lật lại phần khái niệm. Tôi sẽ chỉ rõ nên đọc phần nào trong từng nội dung một.

Thứ nhất, người viết dường như đã quên mất rằng, không phải mọi "chữ Hán" đều là "từ Hán Việt" (xin xem cặp khái niệm thứ nhất và thứ 2):

Hoàn toàn không có gì sai khi khẳng định rằng, âm đọc "biệt" ngoài nghĩa là chia xa, rời xa đối tượng có quan hệ thân thiết, không để lại dấu vết tăm tích gì, chia, tách ra, khác, riêng, còn có từ mang nghĩa là chỗ cong ở hai đầu cây cung hoặc sái, trặc què, khiễng chân, hay âm đọc "chiến" ngoài nghĩa là đánh nhau, còn có từ mang nghĩa là rét run, rung động... Nhưng điều này chẳng có nghĩa gì cả! Bởi vì những chữ khác do tác giả bài viết dẫn ra không phải "từ Hán Việt", mà chỉ là "chữ Hán" mà thôi! 

Tự điển Thiều Chửu là một cuốn tự điển phổ thông và có nội dung khá đầy đủ, nhưng vì là "tự điển" nó không phân biệt cho người sử dụng, đâu là "chữ Hán", đâu là "chữ Hán trong từ Hán Việt". Trong khi đó, mục từ kiểu như thế này trong từ điển của Trần Văn Chánh lại nằm trong phần "tự" chứ không phải "từ". Nếu cần, "Từ điển Hán Việt từ nguyên" của Bửu Kế có lẽ là một cuốn sách đáng để tham khảo trong trường hợp này.

Thứ hai, người viết mải mê tìm những lỗi sai trong cuốn sách mà quên mất rằng, nên cần một cái nhìn rõ ràng hơn về quan điểm của người viết (xin xem khái niệm thứ 3)

Mặc dù tôi cũng không tin rằng, trong tất cả các cuốn sách giáo ngữ văn, không có cuốn nào có chữ "tiền" nghĩa là tiền bạc, hay "phú" nghĩa là cấp cho, và "bạch" nghĩa là lụa (một sai lầm thực sự đáng trách đối với 1 người nổi tiếng tỉ mỉ như Nguyễn Công Lý), nhưng "hạt sạn" trong sách không nhiều như bài viết nêu ra đâu! Cười! Hơn 1 nửa trong số đó là sai lầm của bài viết tôi đã trình bày ở trên, một số ít các trường hợp còn lại nằm trong mâu thuẫn về khái niệm giữa tác giả bài viết và tác giả cuốn sách: Thế nào là từ "đồng âm khác nghĩa"?

Điều này có vẻ như rất khó chấp nhận với những người không rành lắm về chữ Hán! Tại sao cũng là chữ "bạch", nhưng "bạch" có nghĩa là trắng, rõ ràng, sạch lại không phải là từ đồng âm khác nghĩa với "bạch" nghĩa là lụa?

Mâu thuẫn giữa những người hiểu về chữ Hán và những người không hiểu chữ Hán chính là, mặc dù cũng nói về những từ Hán Việt, nhưng người có hiểu biết về chữ Hán không bao giờ nhìn từ Hán Việt bằng ánh mắt của chữ Quốc ngữ, mà xem nó như chữ Hán, còn người Việt thì ngược lại. 

Đối với người biết chữ Hán, thứ nhất, "bạch" nghĩa là trắng... hoàn toàn không giống với "bạch" là lụa: Về tự dạng, một viết là 白, một là 帛, về âm đọc, một là "bái", một là "bó" (pinyin). Tức là, 2 từ này vốn không có can hệ gì với nhau cả! Việc xem nó như "đồng âm khác nghĩa" (cùng hình thức, khác nội dung) đồng nghĩa với việc thừa nhận 2 từ này giống nhau về hình thức. Đây là điều khó có thể chấp nhận! Thậm chí, nó có thể dẫn đến hiểu biết hoàn toàn sai lầm về Hán Việt: Rằng tất cả những từ đọc âm Hán Việt giống nhau đều là một từ. Nếu cả 2 từ đều có cùng âm đọc trong cả Hán Việt lẫn Pinyin thì còn có thể chấp nhận được. Đằng này...

Nhưng đối với người không biết chữ Hán, họ không thể nào chấp nhận được rằng, cả hai từ đều đọc giống y chang nhau lại không phải "đồng âm"! Theo quan điểm của họ, "đồng âm" chỉ đơn giản là cùng cách phát âm.  Đây cũng là cách hiểu hợp lý! Tuy nhiên, có rất ít người hiểu theo đúng ý họ rằng: "Đồng âm" chỉ có nghĩa là "cùng âm thanh" chứ không phải giống nhau về hình thức! Chữ Quốc ngữ mô phỏng âm thanh quá tốt, khiến những chữ khác nhau đều được hiểu giống nhau. Chính vì điều đó, người ta sẽ dễ dàng chấp nhận rằng, những chữ cùng cách đọc là giống nhau. Đây là điều tai hại, vì chúng vốn xuất phát từ chữ Hán, và trong chữ Hán, chúng hoàn toàn khác nhau!

Tôi phải khẳng định ngay kẻo bị "bắt giò" rằng: Tác giả cuốn sách cũng "nhập nhằng" ra trò khi lôi "đường" nghĩa là nhà chính ra làm "từ đồng âm khác nghĩa" với "đường" - Tiếng trống... Tức là, ông thừa nhận chỉ cần 1 trong 2 nguyên tắc ("đồng âm trong cả pinyin lẫn Hán Việt" và "phải cùng chữ Hán") là đủ cho 1 từ "đồng âm". Xem ra tôi cần phải bổ sung cách hiểu thứ 3 về từ đồng âm? Cười!

Tóm lại, cho dù đứng trên quan điểm nào, tác giả cũng cần phải giới thuyết chính xác về quan điểm của mình, đồng thời buộc người đọc PHẢI hiểu chính xác theo cách đó. Xin nhắc lại: Rất khó khăn để giới thiệu về từ Hán Việt cho những người mới chập chững hiểu thế nào là Hán Việt! Nên cho dù viết ra, hay phê phán, đều phải hết sức thận trọng!

b. Vì sao tác giả cuốn sách lại dùng "từ điển" của Đào Duy Anh thay vì "tự điển" của Thiều Chửu, hoặc "từ điển" của Trần Văn Chánh...
Nguyên nhân có thể đoán ra được là: Trong số ba cuốn "điển" trên, chỉ có đúng một mình cuốn của Đào Duy Anh là mô tả "từ Hán Việt" thay vì là "chữ Hán". Đào Duy Anh viết:

Sách này sưu tập phần nhiều các từ ngữ và các thành ngữ mà Quốc văn đã mượn trong Hán văn, và những từ ngữ trong Hán văn mà Quốc văn có thể mượn thêm nữa để dùng cho rộng, cộng tất cả chừng 4 vạn điều. Ngoài ra lại có hơn 5 nghìn chữ một, là những thứ thiết dụng nhất trong Hán văn ngày nay

Thiết nghĩ, lý do chỉ chọn cuốn sách này cũng đã quá rõ ràng rồi! (Nếu người đọc còn thắc mắc, xin xem khái niệm thứ 2 trong bài viết này)

Tuy nhiên, hiểu rằng "từ điển" của Đào Duy Anh đã quá cũ, rất nhiều từ mà trong đó không ngờ rằng sẽ được dùng phổ biến trong tiếng Việt, tác giả cuốn sách đã khắc phục bằng cách sử dụng thêm Từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học (GS. Hoàng Phê chủ biên) và Đại từ điển tiếng Việt của Trung tâm ngôn ngữ và Văn hoá Việt Nam - Bộ Giáo dục và Đạo tạo (GS. Nguyễn Như Ý chủ biên”). Tuy nhiên, điều này có lẽ vẫn còn chưa đủ để khẳng định nhiều thứ. Ví dụ như trường hợp từ "bạch". Bạn biết đấy! Không biết âm Pinyin thì còn lâu mới biết nó khác nhau (theo quan điểm của thầy Lý), mà không xác định được âm pinyin thì mục từ đó sai lất rồi!

Vậy nên, có chăng là nên thêm 1 vài cuốn từ điển khác kiểu như Khang Hi, hay từ điển Hán Việt từ nguyên gì đấy! Nó làm cuốn sách chính xác hơn.

Trúc Phong

Đăng nhận xét

5 Nhận xét

  1. Thật ra thì tôi cũng không hiểu Trúc Phong viết gì cả. Hãy viết đơn giản hơn để mọi người cùng hiểu và quan trọng hơn là để thảo luận có phải là hay hơn không?

    Trả lờiXóa
  2. đúng là lông bông!

    Trả lờiXóa
  3. Lẽ ra ông Trúc Phong không nên viết bài này.

    Trả lờiXóa
  4. "Tôi nghĩ, Trúc Phong là người khách quan và trung thực, nặng tình thầy trò đáng trân trọng. Ông đã không đứng ngoài cuộc khi thấy có người nói “oan” cho thầy mình. Tuy nhiên, như Trúc Phong đã thừa nhận: "cũng không rõ lắm về cuốn sách" của thầy mình-PGS.TS Nguyễn Công Lý; lại không đọc kỹ bài viết của chúng tôi, dẫn đến thực tế ngoài ý muốn: “biện hộ” lại trở thành “ngụy biện” !" Về bài viết Trúc Phong "biện hộ" cho thầy học PGS.TS Nguyễn Công Lý bên Tuấn Công thư phòng viết như vậy. Không biết thực hư thế lào, để nghị TP lên tiếng.

    Trả lờiXóa
  5. Xin phép được hỏi, ông Trúc Phong có viết được chữ Hán không? Cán ơn ông!

    Trả lờiXóa